(www.Alouc.com) – Cậu đã trải qua 5 năm bị ép chăm cần sa trong điều kiện nguy hiểm, kể từ khi bị bắt cóc tại Hà Nội lúc 10 tuổi.
Bộ nội vụ Anh vừa bị chỉ trích là tàn nhẫn khi quyết địch trục xuất một nạn nhân bị bắt cóc làm nô lệ trồng cần sa phải trở về Việt Nam, nơi cậu bé không còn người thân nào.
Cậu bé, được gọi là S, là một đứa trẻ mồ côi 10 tuổi lang thang trên đường phố Hà Nội khi em bị những kẻ tội phạm và buôn người bắt cóc đưa từ Việt Nam sang Anh. Trong 5 năm, em bị giam giữ trong một loạt các dãy nhà được chuyển đổi thành trang trại cần sa và bị ép phải trồng loại cây cấm này.
Em phải làm việc không công trong môi trường nguy hiểm. Ngày ngày em tưới nước cho cây, trộn và bón các loại phân hóa học độc hại thúc cho cây tăng trưởng, bật và tắt các đèn công nghiệp để cây lớn nhanh, cắt tỉa và sấy khô lá cần sa. Việc thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất khiến cậu bé ốm yếu. Da và tóc em bị bỏng cháy dưới những chiếc đèn nóng. Nhiều lần em còn bị điện giật.
S, một trẻ từng bị buôn bán làm nô lệ trồng cần sa tại Anh, đang đối mặt với việc bị trục xuất về Việt Nam. Ảnh: Guardian. |
Suốt vài năm em sống đơn độc, bị tách biệt khỏi thế giới bên ngoài. Người ta bắt em phải tránh xa cửa sổ để người qua đường không biết em đang sống bên trong. Định kỳ, những kẻ buôn người ghé qua đưa cho em chút thực phẩm và kiểm tra các cây cần sa em trồng. Nếu cây yếu, bệnh, em sẽ bị đánh.
“Cháu giống như một con vật bị nhốt trong chuồng”, cậu bé kể về căn nhà nơi mình ở. Em yêu cầu người viết giấu tên để tránh sự truy đuổi của những kẻ đã bắt cóc mình.
“Cháu chẳng làm gì khác ngoài ngủ và trông nom cần sa. Cháu không biết gì về nước Anh. Người ta bảo cháu rằng những người hàng xóm rất xấu xa và có thể giết cháu nếu họ nhìn thấy. Họ dọa cháu bằng dao, cứa tay và chân cháu mỗi khi cháu làm gì sai. Họ nói sẽ giết cháu nếu cháu cố chạy trốn”, S kể với Theguardian.
Khi 16 tuổi, S bị bắt trong một đợt truy quét ma túy và cảnh sát đã xác định em là một nạn nhân của tình trạng buôn người. Cậu bé chỉ biết nói vài từ tiếng Anh khi được đưa tới trung tâm chăm sóc trẻ lang thang nhưng từ đó S bắt đầu đi học và hiện đã nói thành thạo ngôn ngữ này. Lúc 17 tuổi rưỡi và nghiễm nhiên có quyền được ở lại Anh khi hết hạn xin tỵ nạn trẻ em, S nộp đơn xin trở thành người tị nạn chính thức. Yêu cầu của em đã bị từ chối.
Bên trong một trang trại trồng cần sa có nô lệ người Việt ở Anh. Ảnh: Dailyecho. |
Trong một quyết định giải thích lý do dài 20 trang gửi tới “Ngài S”, một quan chức Bộ nội vụ Anh nhấn mạnh rằng S thể hiện “sự dũng cảm khi đến Anh và nỗ lực xây dựng cuộc sống tại đây”, thêm rằng chẳng có lý do gì cậu “không thể thể hiện nỗ lực tương tự để thiết lập cuộc sống tại Việt Nam”. Những lời lẽ này đã châm ngòi cho cơn giận của những người ủng hộ S. Nhóm này chỉ ra rằng cậu bé không hề thể hiện sự dũng cảm của bản thân khi chuyển tới Anh mà bị bọn buôn người dùng vũ lực ép buộc và em không thể trốn thoát.
Lá thư quyết định cũng cho rằng S có thể “không mấy khó khăn hội nhập lại vào xã hội Việt Nam”. Cậu bé hiện 19 tuổi này nói rằng em bị đưa đi khỏi nước nhà từ lúc 10 tuổi và việc thích nghi lại với em sẽ cực kỳ khó khăn. S đã kháng cáo và đợi quyết định từ phiên tòa được mở vào đầu tháng 2/2018. Nếu lần này bị bác bỏ, em sẽ phải rời khỏi Anh.
Helen Goodman, phụ trách đối ngoại của Công đảng đối lập Anh mô tả quyết định trục xuất S là “kỳ cục”.
“Việc Bộ nội vụ đề nghị trả S về Việt Nam quả là kinh ngạc. Thủ tướng đóng góp đắc lực vào việc giải quyết vấn nạn nô lệ thời hiện đại nhưng thực tế làm sao mà một nạn nhân tệ buôn người lại bị đối xử khác xa so với những lời hoa mỹ ngài đã nói?”, bà bày tỏ.
Bà đã viết thư cho Amber Rudd, thư ký nội các, yêu cầu can thiệp với mở đầu: “Bộ nội vụ hoàn toàn không thực hiện được trách nhiệm cơ bản về con người với S. Vấn đề không phải là việc cho một người nhập cư mà là chuyện buôn bán trẻ em”. Tuy nhiên, bà không nhận được lời đáp nào.
S nói rằng cậu chưa bao giờ được bọn buôn người đối xử tử tế hay đối đãi như với một đứa trẻ. Khi di chuyển qua các khu nhà (thường do các đợt cảnh sát truy quét hay tranh giành địa bàn của các băng nhóm), cậu đã gặp nhiều bé trai Việt Nam khác, một số còn ít tuổi hơn cậu, cũng bị ép làm nô lệ trồng cần sa. “Những đứa trẻ đến từ Việt Nam chẳng biết gì về đất nước này vì vậy việc đe dọa và ép buộc họ làm việc không lương chẳng khó khăn gì”, S kể.
Hiện chưa có con số ước tính chính xác về số trẻ em Việt Nam bị buôn bán sang Anh nhưng các tổ chức chống buôn bán người tin rằng trong thập kỷ qua, hàng ngàn trẻ em đã bị ép buộc trồng cần sa ở xứ này. Khá nhiều trong số đó bị cảnh sát bắt và đưa về các trung tâm chăm sóc, nơm nớp lo sợ bị những kẻ buôn người bắt lại hay phải quay trở về quê nhà nên chạy trốn và trở về với những kẻ bóc lột mình.
Chloe Setter, Giám đốc tổ chức từ thiện giúp đỡ những trẻ em là nạn nhân của tình trạng buôn người ECPAT Anh, cho biết: “Nạn nhân của tình trạng bắt làm nô lệ thời hiện đại cần được hỗ trợ lâu dài, bảo vệ tại nơi an toàn và giúp phục hồi sau quá trình bị lạm dụng. Đừng gò ép tương lai của trẻ bằng chính sách nhập cư. Lo ngại lớn nhất với S là nguy cơ cậu có thể bị buôn bán lại – hiện tượng rất phổ biến với các trường hợp như thế này”, bà nói.
Về phía S, em suy sụp trước quyết định bị trục xuất khỏi Anh. “Cháu đang có cuộc sống rất tốt tại đây, một gia đình tuyệt vời. Làm sao cháu có thể bắt đầu cuộc sống ở nơi mình chẳng còn ai thân thích? Cháu rất lo sẽ bị đám tội phạm tìm thấy và bắt lại”, S bày tỏ.
Trong khi đó, Bộ nội vụ khẳng định rằng: “Vương quốc Anh có một lịch sử tự hào về việc cấp phép tị nạn cho những người cần sự bảo vệ của chúng tôi và mỗi trường hợp đó đều được đánh giá là xứng đáng”. Một phát ngôn viên của cơ quan này nói thêm rằng chính phủ thông báo năm ngoái rằng họ sẽ dành ít nhất 3 triệu bảng ở Việt Nam “để bắt những kẻ phạm tội, hỗ trợ các nạn nhân và phòng tránh tình trạng nhiều người bị bắt làm nô lệ”.
Theo Vnexpress