Home Cộng Đồng Cuộc sống của các CEO Singapore trong chung cư giá rẻ
Cộng Đồng

Cuộc sống của các CEO Singapore trong chung cư giá rẻ

Anh Ang, CEO của công ty thiết bị y tế lớn nhất Đông Nam Á, đang sống trong căn hộ nhà ở xã hội, đi làm bằng tàu điện.

Hai tháng trước, anh Abel Ang, giám đốc điều hành của Advanced MedTech, công ty được đánh giá là công ty thiết bị y tế lớn nhất Đông Nam Á, đã viết một bài trên The Sunday Times về cuộc sống đơn giản của mình trong căn hộ HDB (loại nhà ở xã hội phục vụ chủ yếu cho người ít tiền, thường là các cụm tòa nhà, với nhiều tiện ích công cộng) và đi làm bằng tàu điện.

Người đàn ông 46 tuổi – đồng thời là phó giáo sư tại Đại học công nghệ Nanyang – không kỳ vọng vào phản ứng tốt của người đọc với bài báo này. Tuy vậy, khi chia sẻ trên Facebook, bài viết của anh nhận được hơn 640 like, là những người ngưỡng mộ anh lối sống giản dị này.

Bạn đọc Christine Tiyu, viết: “Nếu một người hạnh phúc và hài lòng sống trong một căn hộ HDB, không có nhu cầu mua và chuyển đến một căn nhà sang trọng hơn nhiều, anh ấy thực sự thông minh để không thành nô lệ cho những vật chất không cần thiết! Tuyệt vời”.

Ang, có vợ là một nhân viên y tế 47 tuổi, cùng 2 con trai, 14 và 17 tuổi, cho biết: “Với tôi, đây là cuộc sống bình thường. Nhưng dường như là bất ngờ với một số người”. Anh chia sẻ rằng các CEO và lãnh đạo cao cấp khác viết thư cho anh, bày tỏ ước muốn cũng có thể làm như thế.

“Cũng có một số ít người hỏi làm thế nào mà gia đình và tôi có thể chịu đựng được trong điều kiện ‘kham khổ’ như vậy”, anh nói thêm.

Chẳng hạn, một vài chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, luật pháp nói với anh rằng vỏ ngoài thành công được xem là “rất quan trọng” trong công việc của họ.

Abel Ang, giám đốc điều hành của Advanced MedTech, sống trong căn hộ bình dân cùng vợ và 3 con. Ảnh: straitimes.

Joseph Gan – CEO công ty an ninh mạng V-key sống trong căn hộ bình dân cùng vợ và 3 con. Ảnh: straitimes.

“Họ sợ rằng nếu ở trong một căn hộ HDB, hoặc lái một chiếc xe rẻ tiền, người ngoài sẽ cảm thấy những chỉ báo đó không phù hợp với sự thành công của công ty họ. Một số người cũng nói các CEO sống trong các căn hộ xã hội không khiến cấp dưới tôn trọng”, anh nói.

“Nhưng với tôi, chọn sống trong một căn nhà hoặc xe hơi đắt tiền chỉ để lấy le với người khác có thể dễ dàng trở thành một cái bẫy tài chính. Sau cùng, nhà và xe của mỗi người là lựa chọn riêng của họ”, anh Ang nói.

“Tôi không cho rằng những người khác sai khi khao khát một căn nhà đắt đỏ hơn, nhưng sống trong một căn hộ xã hội hiệu quả với tôi và gia đình. Và nó chắc chắn không phải là kham khổ gì”.

The Straits Times cũng tìm thấy 3 CEO khác – với các lý do như thuận tiện, muốn sử dụng tốt tiền của mình vào việc khác, hoặc chỉ đơn giản là ngại chuyển chỗ – chọn sống trong một căn hộ xã hội HDB.

Joseph Gan – giám đốc điều hành và là đồng sáng lập công ty giải pháp an ninh mạng V-key, cũng sống cùng gia đình trong một căn nhà ở xã hội. 

Joseph Gan – giám đốc điều hành và là đồng sáng lập công ty giải pháp an ninh mạng V-key, cũng sống cùng gia đình trong một căn nhà ở xã hội.

Gia đình Joseph Gan – giám đốc điều hành và là đồng sáng lập công ty giải pháp an ninh mạng V-key, đang sống trong căn hộ HDB 5 phòng ở khu vực Clementi (phía tây Singapore). Với Gan, tiền là dùng để vào các việc tốt, hơn là mua các thứ chỉ để mình thấy thoải mái hơn. Đó là lý do gia đình anh mở cửa chào đón 2 đứa trẻ mồ côi 3 năm trước, khi họ đã có 3 con trai. Lũ trẻ từ 6 đến 16 tuổi.

“Tôi nghĩ trẻ nhỏ sống trong điều kiện gia đình sẽ tốt hơn là trong trại trẻ mồ côi. Vì gia đình tôi khá ổn định, không phải lo lắng về tiền, chúng tôi quyết định đó là cách để giúp những người kém may mắn hơn”, anh nói.

Công ty của anh thành lập năm 2011, và hiện có khoảng 100 nhân viên. Tháng 2 năm nay, công ty được xếp thứ 3 trong danh sách các công ty tăng trưởng nhanh nhất của Singapore. Bản thân Gan có bằng thạc sĩ về kỹ sư điện tại Đại học Stanford (Mỹ).

Mặc dù thu nhập cho phép anh sống trong khu nhà riêng cao cấp, Gan quyết định tiếp tục sống trong căn hộ 117 m2 này mà gia đình đã mua hơn 10 năm trước, và sở hữu hai chiếc xe hơi.

Về việc các nhân viên công ty có thể đi xe xịn hơn và sống trong nhà to hơn mình, anh nói: “Chúng tôi đều chọn lối sống mà mình muốn. Tôi rất hạnh phúc, và thoải mái với cách sống của mình. Thành thật mà nói, tôi nghĩ việc mình có 2 cái ôtô đã là sang chảnh rồi”.

Gan cũng cho rằng anh không nghĩ phải sống trong nhà to mới gây ấn tượng được cho khách hàng. “Thay vào đó, tôi nên gây ấn tượng với họ bằng sản phẩm tốt của công ty, các dữ liệu thuyết phục, bằng những thành tích mà chúng tôi đã tạo ra”.

Anh cũng nói thêm việc sống trong một căn hộ HDB có nhiều ưu điểm, như có nhiều sân chơi, các cửa hàng ăn gần đó bán thực phẩm ngon, rẻ.

“Có thể sẽ đến lúc chúng tôi buộc phải chuyển đến căn nhà lớn hơn, để cho lũ trẻ nhiều không gian khi lớn lên. Nhưng bây giờ, chúng tôi hạnh phúc sống trong căn hộ xã hội của mình”.

CEO Christopher Tan sống cùng hai con và vợ trong một căn hộ giá rẻ gần trạm tàu điện để tiện đi lại. Ảnh: adriantan.

CEO Christopher Tan sống cùng hai con và vợ trong một căn hộ giá rẻ gần trạm tàu điện để tiện đi lại. Ảnh: adriantan.

Anh Christopher Tan là CEO của Providend, một doanh nghiệp tư vấn tài chính hưu trí, khởi nghiệp năm 2001, và giờ có 25 nhân viên, và quản lý khối tài sản hơn 300 triệu đôla Singapore. Người đàn ông 49 tuổi này cũng là giám đốc điều hành của MoneyOwl, một phân nhánh công ty tư vấn tài chính doanh nghiệp khác.

Anh có hai con, một trai một gái 21 và 17 tuổi. Tan lý giải việc sống trong căn hộ HDB 142 m2 gần ngay trạm tàu điện là thuận lợi lớn cho các con mình di chuyển.

“Chúng tôi không quan tâm mình ở trong một nhà công cộng hay một căn hộ. Chúng tôi không cố đua theo người khác, và tôi không thấy lý do một CEO lại không nên sống trong một căn hộ xã hội HDB”, anh nói.

Căn hộ của anh gần ngay đường, và chỉ đi bộ 5 phút là tới một tổ hợp các tiện ích công cộng, như bể bơi, sân thể thao hay rạp chiếu phim.

Với anh, tiền là để giúp người ta đạt được các mục tiêu trong đời, nhưng bản thân nó không nên là mục đích cuối cùng. Một trong các mục tiêu của Tan là tạo ra các kỷ niệm bên gia đình. Vì thế, anh để dành tiền để cả nhà có một kỳ nghỉ 2 tuần mỗi năm. Họ đã đi đến các địa điểm như Australia, Tây Ban Nha, Croatia và Đài Loan.

Tan biết với nhiều người, có một ngôi nhà riêng sang trọng là một biểu tượng giàu sang, nhưng anh thừa nhận mình nghĩ khác. “Tôi không thấy cần phải khoe tài sản để gây ấn tượng với khách hàng. Thực tế, tôi hy vọng các khách hàng giàu hơn mình, vì điều đó có nghĩa là tôi đã thực hiện các đầu tư hiệu quả nhất, tốt nhất cho họ”.

Joshua Yim, CEO của công ty tư vấn nhân lực Achieve Group sống cùng mẹ trong một căn hộ giá rẻ đã 32 năm nay. Ảnh: The Business Times.

Joshua Yim, CEO của công ty tư vấn nhân lực Achieve Group, sống cùng mẹ trong một căn hộ giá rẻ đã 32 năm nay. Ảnh: The Business Times.

Anh Joshua Yim, CEO của công ty tư vấn nhân lực Achieve Group, cũng đang sống hạnh phúc bên mẹ trong căn hộ HDB 4 phòng ở Yishun, dù biết nhiều nhân viên cấp dưới của mình đang sống trong các nhà riêng cao cấp.

Gia đình anh mua căn hộ áp mái này từ năm 1986. Cha anh sống ở đó và mất vào năm 2008. Yim, 55 tuổi, nói: “Tôi đã sống ở đây từ năm 22 tuổi, và đã quá quen với nó. Tôi có thể mua căn nhà riêng tốt hơn, nhưng tôi ngại di chuyển”. Anh gọi căn hộ của mình là penthouse, và hạnh phúc vì “khi mở cửa sổ, căn nhà đầy gió, đồng thời có tầm nhìn ra cảnh mở rất đẹp”.

Theo Vnexpress

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *