Home Cộng Đồng Covid-19 khiến cả thế giới “mất ăn mất ngủ”
Cộng Đồng

Covid-19 khiến cả thế giới “mất ăn mất ngủ”

Dịch covid-19 đang lây lan một cách “chóng mặt” đang khiến cả thế giới sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu. Theo thống kê, đã có hơn 88.000 ca nhiễm, hơn 3.000 ca tử vong khi Covid-19 ở Hàn Quốc, Iran và Italy tăng nhanh và đã chạm đến 67 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngày 2/3, Trung Quốc công bố đã có thêm 42 người chết vì virus corona, nâng tổng số ca tử vong lên con số hơn 3.000. Trong khi đó, số quốc gia và vùng lãnh thổ xuất hiện dịch Covid-19 cũng nâng lên 67, với hơn 88.500 người nhiễm bệnh, trong đó có hơn 80.000 ca tại Trung Quốc đại lục.

Tổ chức Y tế Thế giới ngày 1/3 đã kêu gọi tất cả các nước dự trữ máy thở để điều trị cho bệnh nhân nhân nặng. “Tất cả các nước trên thế giới cần nỗ lực để có sẵn máy thở cùng các hệ thống cấp oxy y tế”, WHO nhấn mạnh.

Sau khi dịch bệnh khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc từ tháng 12 năm ngoái, sự chú ý ban đầu dồn vào Trung Quốc, nơi chiếm đa số bệnh nhân và trường hợp tử vong. Tuy nhiên, không khí căng thẳng tại nước này gần đây hạ nhiệt đáng kể, khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Covid-19 ở Trung Quốc đã đạt đỉnh từ ngày 23/1 đến 2/2. Số ca bệnh mới đang giảm dần và nhiều tỉnh không có thêm trường hợp nhiễm trong nhiều ngày liên tiếp.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại nhiều quốc gia ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là Hàn Quốc, ổ Covid-19 lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc đại lục. Tổng số ca nhiễm nCoV ở nước này đã vượt 4.000 với 22 người tử vong. Hôm 29/2, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc là 813, gần gấp đôi so với con số 427 vào cùng ngày ở Trung Quốc.

Một phụ nữ khỏi bệnh Covid-19 được phun khử trùng trước khi tới cách ly tại một khách sạn ở Vũ Hán, Trung Quốc hôm 1/3. Ảnh: AFP.

Một phụ nữ khỏi bệnh Covid-19 được phun khử trùng trước khi tới cách ly tại một khách sạn ở Vũ Hán, Trung Quốc hôm 1/3. Ảnh: AFP.

Hầu hết bệnh nhân Covid-19 tập trung tại thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang lân cận, với 60% liên quan đến chi nhánh của giáo phái Tân Thiên Địa ở Daegu. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 23/2 nâng cảnh báo nCoV lên mức cao nhất, trong khi gần 80 quốc gia đã hạn chế nhập cảnh với người từ Hàn Quốc bằng các lệnh cấm, hoặc kiểm dịch chặt chẽ hơn.

Số ca nhiễm nCoV tại Hàn Quốc dự kiến tiếp tục tăng trong những ngày tới, khi chính quyền đang xét nghiệm hơn 260.000 người liên quan đến Tân Thiên Địa. Giới chức Seoul hôm qua đề nghị các công tố viên điều tra Lee Man-hee, người sáng lập giáo phái, về tội giết người và các cáo buộc hình sự khác. Họ cho rằng Tân Thiên Địa không cung cấp danh sách thành viên chính xác và can thiệp vào nỗ lực chống Covid-19 của chính quyền.

Dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp tại Trung Đông, khi số ca nhiễm nCoV ở Iran đã lên gần 1.000. Số trường hợp tử vong ở nước này cũng cao thứ hai thế giới sau Trung Quốc với 54 người. Hàng loạt ca nhiễm tại các nước láng giềng, thậm chí cả Canada, New Zealand, đều có nguồn gốc từ Iran, khiến nước này bị coi là mối đe dọa toàn cầu.

Chính quyền Iran hôm 26/2 ban hành lệnh hạn chế đi lại với người nhiễm hoặc nghi nhiễm nCoV, đồng thời giới hạn việc tiếp cận các địa điểm hành hương lớn của người Hồi giáo Shiite, tạm dừng những buổi cầu nguyện vào thứ 6 hàng tuần. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã thành lập các trung tâm hỗ trợ trên toàn quốc nhằm giúp người dân đối phó dịch bệnh.

So với những điểm nóng khác, bao gồm cả Trung Quốc, tỷ lệ tử vong tại Iran cao bất thường, khiến giới chuyên gia lo ngại về năng lực y tế của nước này. Nền kinh tế, cũng như hệ thống chăm sóc sức khỏe của Iran bị tổn hại do những lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo nghiên cứu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) năm ngoái, những người bị ung thư và một số bệnh khác ở Iran đang gặp nguy hiểm do thiếu thuốc.

Tại châu Âu, Italy trở thành ổ dịch lớn nhất khu vực với gần 1.700 ca nhiễm nCoV và 34 trường hợp tử vong. Hôm 1/3, số ca nhiễm ở nước này tăng gần gấp đôi trong vòng 48 giờ, chủ yếu thuộc các vùng Lombardy, Veneto và Emilia Romagna. 11 thị trấn ở miền bắc, gồm hơn 50.000 người, đang nằm trong vòng phong tỏa. Chính phủ Italy hôm qua tuyên bố cấp 3,6 tỷ euro (4 triệu USD) viện trợ khẩn cấp cho các khu vực chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Số ca nhiễm nCoV ở Đức hôm qua cũng lên tới 129, tăng gần gấp đôi trong một ngày. Gần một nửa số ca nhiễm mới thuộc Bắc Rhine-Westphalia, bang đông dân nhất Đức, khiến nhiều trường học phải đóng cửa. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Đức cho biết dịch Covid-19 đã xuất hiện tại 9/16 bang của đất nước.

Khu vực châu Đại Dương ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì Covid-19, sau khi một nam bệnh nhân 78 tuổi từng ở trên du thuyền Diamond Princess thiệt mạng tại Australia, nơi đã xuất hiện 25 người dương tính với nCoV. Tại quốc gia láng giềng New Zealand, ca nhiễm duy nhất hiện nay là một phụ nữ trong độ tuổi 60 vừa trở về từ Iran. Bộ Y tế nước này cho rằng khả năng nCoV lây lan trong cộng đồng vẫn thấp.

Trong khi đó, Mỹ đã ghi nhận hai người tử vong vì nCoV, đều có bệnh lý nền và thuộc bang Washington, nơi đang đặt trong tình trạng khẩn cấp đối với dịch Covid-19. Gần 90 ca nhiễm nCoV được xác nhận trên toàn quốc, bao gồm cả những thành phố lớn như New York và San Francisco.

Nỗi lo lắng ngày càng gia tăng khi giới chức không thể xác định nguyên nhân nhiễm nCoV của một số bệnh nhân. Họ gần đây không đến vùng dịch, không tiếp xúc với người từng ra nước ngoài hoặc người được xác nhận nhiễm virus. Giới chức đánh giá những ca “bí ẩn” này là dấu hiệu cho thấy nCoV có thể đang lây lan trong cộng đồng ở Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như vẫn cố giảm nhẹ mối lo ngại về tình hình dịch bệnh trong nước. Trong cuộc họp báo về dịch bệnh hôm 26/2, ông khẳng định nguy cơ từ nCoV tại Mỹ “rất thấp”, đồng thời ca ngợi phản ứng của chính phủ, đổ lỗi cho truyền thông và đảng Dân chủ khiến thị trường chứng khoán sụt giảm.

Trong khi đó, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cùng Bộ trưởng Y tế và An sinh Xã hội Alex Azar được cho là đang tìm cách biện minh cho cách chính phủ phản ứng với dịch bệnh. Họ cố trấn an người dân và cam kết bù đắp sự thiếu hụt bộ dụng cụ xét nghiệm nCoV.

“Chúng ta có thể phải nhận nhiều tin buồn hơn, nhưng người dân Mỹ nên biết rằng rủi ro với cộng đồng vẫn ở mức thấp”, Pence trả lời kênh CNN. Azar cũng cảnh báo “sẽ có nhiều ca bệnh hơn”, lưu ý thêm rằng “đa số người nhiễm nCoV sẽ có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình”.

Sự lây lan nhanh chóng của nCoV còn làm dấy lên mối lo ngại về tác động của dịch bệnh với nền kinh tế thế giới, khi thị trường toàn cầu đang ghi nhận những tổn thất tồi tệ nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tuần trước giảm hơn 12%, khiến cổ phiếu toàn cầu bốc hơi 6.000 tỷ USD. Một số chuyên gia kinh tế ước tính sản lượng toàn cầu có nguy cơ tổn thất 1.000 tỷ USD do tình trạng ngừng sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ của Trung Quốc.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cảnh báo nguy cơ tăng trưởng âm tại nước này trong quý đầu tiên, lưu ý thêm rằng dịch bệnh sẽ gây tổn hại cả tiêu dùng và xuất khẩu. Một số nhà phân tích cũng dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc trong quý đầu tiên có thể bằng không hoặc xuống mức âm, đe dọa các mục tiêu kinh tế của nước này.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 27/2 cảnh báo nCoV có khả năng gây ra đại dịch, kêu gọi tất cả quốc gia không được chủ quan bởi đây “chắc chắn là sai lầm chết người, theo đúng nghĩa đen”.

“Giờ không phải lúc để sợ hãi. Đây là thời điểm để hành động, ngăn ngừa lây nhiễm và cứu sống các bệnh nhân”, ông nói.

Theo Vnexpress

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *