Home Cộng Đồng Canh bạc khác thường của chính phủ Mỹ
Cộng Đồng

Canh bạc khác thường của chính phủ Mỹ

Chính quyền Trump ngày 22/7 vừa cam kết mua 100 triệu liều vaccine, dù vẫn chưa hoàn tất nghiên cứu phát triển. Đây là điều hiếm thấy vì chính phủ Mỹ ít khi đứng ra mua vaccine.

Thay vào đó, khối tư nhân mới là bên mua hầu hết vaccine ở Mỹ. Để có được điều đó, ngành dược đất nước cờ hoa đã vận động hành lang: vì khối tư nhân thường trả cho họ nhiều tiền hơn là chính phủ.

Khi chính phủ Mỹ mua vaccine, thường là cho trẻ em các gia đình thu nhập thấp, và thường là vaccine đã được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận.

“Điều này không bình thường, nhưng tôi nghĩ đó là điều tốt”, Claire Hannan, giám đốc điều hành của Hiệp hội Các nhà quản lý Tiêm chủng, nói với New York Times. “Chúng ta đang trong một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng, và việc chính phủ sẽ cung cấp vaccine cho người Mỹ là điều tốt”.

Có thể làm hạ giá vaccine

Việc chính phủ mua số lượng lớn vaccine phòng virus corona có thể làm hạ giá ở Mỹ, tương tự như Canada hay nhiều nước châu Âu, nơi có các hệ thống y tế quốc gia lớn, thường xuyên thay mặt người dân đứng ra mua vaccine và thuốc bán theo đơn.

Các chuyên gia về tài chính vaccine nói hợp đồng mua vaccine của Mỹ, ký với tập đoàn dược Pfizer và một công ty công nghệ sinh học của Đức, chứa đựng rủi ro vì vaccine có thể không qua được thử nghiệm còn ở phía trước. Để an toàn, chính quyền Trump sẽ không trả tiền cho đến khi vaccine được chứng tỏ là an toàn và hiệu quả.

Phòng lab ở bang New York của Pfizer, công ty dược đã ký hợp đồng cung cấp cho chính phủ Mỹ hàng triệu liều vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Pfizer.

“Đó là một canh bạc, nhưng là một canh bạc hợp lý”, Tiến sĩ Walter Orenstein, nhà dịch tễ học tại Đại học Emory, từng làm việc cho chính quyền Clinton với tư cách giám đốc chương trình tiêm phòng của Mỹ, nói với New York Times. Ông cho rằng việc chính phủ mua vaccine sẽ giúp tăng lượng vaccine được sản xuất ra.

Chính quyền Obama cũng từng đánh cược tương tự trong đại dịch cúm lợn H1N1, ký hợp đồng 190 triệu USD vào tháng 5/2009 để công ty dược Sanofi của Pháp phát triển vaccine. Sau đó 6 tháng, vaccine này vượt qua thử nghiệm lâm sàng.

Ở Mỹ, giá dịch vụ y tế là do các nhà cung cấp dịch vụ và các nhà bảo hiểm đàm phán với nhau. Vì vậy, giá thường cao hơn, và khác nhau rõ rệt ở nơi này so với nơi khác. Một mũi tiêm phòng cúm, chẳng hạn, có thể tốn khoảng 28-80 USD tùy xem tiêm ở đâu.

Giá cả cao “ngất trời” trong hệ thống y tế Mỹ – có khi một xét nghiệm tốn hàng nghìn USD – từ lâu đã là đích nhắm đến của những người vận động “Medicare cho mọi người” (Medicare là một chương trình bảo hiểm sức khỏe của chính phủ Mỹ). Họ lập luận rằng sẽ tốt hơn nếu nước Mỹ có hệ thống y tế quốc gia để điều chỉnh lại giá cả y tế.

Trong thời điểm khủng hoảng, trước đây là H1N1 và giờ là virus corona, chính phủ Mỹ đôi khi có những bước nhỏ theo hướng đó, như đứng ra mua các mặt hàng y tế mà người dân cần nhưng có thể không đủ tiền trả.

Chính phủ Mỹ gần đây cũng tuyên bố người Mỹ có bảo hiểm sẽ không phải trả phí xét nghiệm virus corona, và đã dành riêng một quỹ mới để chi trả chi phí xét nghiệm và chữa trị cho người không có bảo hiểm.

Theo cách này, Mỹ đang gần giống Canada và các nước châu Âu. Giá cả y tế thường thấp hơn khi chính phủ mua số lượng lớn. “Lợi ích của việc chính phủ đứng ra mua là có thể được giá tốt hơn”, Tiến sĩ Orenstein nói với New York Times. “Như vậy có thể loại bỏ rào cản về tiếp cận (thuốc)”.

Chủ đề tranh cãi từ lâu

Chủ đề chính phủ mua vaccine có lịch sử gây tranh cãi ở Mỹ. Đầu thập niên 90, chính quyền Clinton cố tạo chương trình mua vaccine cho mọi trẻ em ở Mỹ dưới 2 tuổi.

Nhưng chương trình này bị các công ty dược phản đối, cho rằng giá thấp mà chính phủ mua vào sẽ kìm hãm sự phát triển sáng tạo. Một công ty dược nói với New York Times rằng có thể “không sẵn sàng phát triển vaccine nữa” nếu chính phủ không trả giá cao để đủ cho chi phí phát triển.

Một số nghị sĩ cũng chỉ trích chương trình trên. Chẳng hạn, John Danforth, thượng nghị sĩ từ bang Missouri, khi đó nói: “Chính phủ đang tiếp quản hệ thống phân phối vaccine… Thật điên rồ”. Ông coi chính sách đó là một dạng phúc lợi không hề liên quan đến khó khăn về tài chính.

Quốc hội Mỹ sau cùng đạt được thỏa hiệp: là nỗ lực có tên “Chương trình Vaccine cho Trẻ em”, mua vaccine cho khoảng nửa số trẻ em Mỹ dưới 18 tuổi. Chương trình này dành cho trẻ em không có bảo hiểm hoặc những ai vẫn phải trả khoản tiền lớn sau bảo hiểm, hoặc người bản xứ.

Chủ đề chính phủ mua vaccine có lịch sử gây tranh cãi ở Mỹ. Ảnh: Reuters.

Dữ liệu từ Chương trình Vaccine cho Trẻ em cho thấy chính phủ thường có giá tốt hơn. Chẳng hạn, chính phủ phải trả 21,71 USD cho vaccine sởi, quai bị, rubella (MMR), trong khi nhà bảo hiểm tư nhân phải trả trung bình 78,69 USD cho cùng vaccine đó.

Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy tỷ lệ tiêm phòng ở trẻ em đã tăng đáng kể từ khi bắt đầu Chương trình Vaccine cho Trẻ em.

Bằng việc dùng sức mạnh của chính phủ liên bang để mua vaccine, chính quyền Trump đang có cách tiếp cận tương tự như đề xuất của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden. Kế hoạch chống dịch của ông Biden kêu gọi nước Mỹ “tăng cường sản xuất quy mô lớn càng nhiều ứng viên vaccine càng tốt”, và “đảm bảo rằng mọi người, không chỉ người giàu và có quan hệ” có thể tiếp cận thuốc chữa.

Theo Zing

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *