Home Cộng Đồng Ấn Độ cảnh báo kit xét nghiệm nhanh của Trung Quốc
Cộng Đồng

Ấn Độ cảnh báo kit xét nghiệm nhanh của Trung Quốc

Các nhân viên kiểm tra các bộ kit xét nghiệm tại nhà máy ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: China Daily)

Ấn Độ tạm dừng sử dụng các bộ kit xét nghiệm nhanh từ Trung Quốc sau khi phát hiện các kết quả xét nghiệm không đồng nhất tại các bang.

Sputnik đưa tin, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR), cơ quan phụ trách định hình, phối hợp và thúc đẩy nghiên cứu y sinh tại Ấn Độ, đã khuyến cáo các bang tại nước này dừng ngay lập tức việc sử dụng bộ kit xét nghiệm nhanh của Trung Quốc trong 2 ngày. Khuyến cáo được đưa ra sau khi có nhiều kết quả khác nhau liên quan tới việc sử dụng bộ kit xét nghiệm mới được phân phát tới các bang.

“Chúng tôi nhận được phàn nàn về độ chính xác (của bộ kit xét nghiệm) từ một bang, sau đó chúng tôi kiểm tra thêm 2 bang khác. Chúng tôi phát hiện ra rằng có nhiều số liệu khác nhau về độ chính xác trong kết quả xét nghiệm các mẫu dương tính, một số nơi có tỷ lệ 6% trong khi một số nơi khác có tỷ lệ 71%”, Raman R. Gangakhedkar, nhà khoa học tại ICMR, cho biết hôm 21/4.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho một người đàn ông tại khu ổ chuột ở Mumbai, Ấn Độ hôm 16/4. Ảnh: AFP.

Chính quyền bang Rajasthan, phía tây Ấn Độ ngày 21/4 thông báo sẽ không sử dụng bộ kit xét nghiệm nhanh do Trung Quốc sản xuất, vì độ chính xác của thiết bị này trong việc xét nghiệm các ca Covid-19 chỉ đạt 5,4%, trong khi tỷ lệ chính xác được kỳ vọng là 90%.

“Điều này không ổn, vì khi có nhiều số liệu khác nhau chúng tôi cần điều tra thêm, ngay cả khi đây là đợt bộ xét nghiệm đầu tiên. Chúng tôi đã xác nhận với cả 3 bang và nhận thấy rằng kết quả vẫn chính xác ở một mức độ nào đó. Dịch bệnh này mới xuất hiện 3 tháng rưỡi, do vậy tất cả công nghệ sẽ phải cải tiến dần qua thời gian. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không thể bỏ qua những kết quả này”, ông Gangakhedkar nói, đồng thời cho biết ICMR sẽ cử các nhóm chuyên gia tới thực địa để xác minh kết quả.

Ngoài ra, ICMR cũng thu hồi bộ kit xét nghiệm nhanh của Trung Quốc tại bang Tây Bengal sau khi các thiết bị này cho ra những kết quả chưa rõ ràng. Chính quyền Tây Bengal cho biết các bộ xét nghiệm lỗi của Trung Quốc buộc giới chức bang này phải tiến hành xét nghiệm thêm, từ đó làm chậm lại quá trình chẩn đoán Covid-19.

Trước đó, truyền thông địa phương đưa tin hàng chục nghìn bộ đồ bảo hộ xuất xứ từ Trung Quốc được cho là không đạt tiêu chuẩn và không thể sử dụng tại Ấn Độ. Trong 170.000 bộ đồ bảo hộ Trung Quốc được đưa tới Ấn Độ hôm 5/4, có 50.000 bộ bị đánh giá không đạt chất lượng yêu cầu.

Một số nước bày tỏ quan ngại về việc Ấn Độ không xét nghiệm Covid-19 trên quy mô lớn, trong khi nước này có tới 1,3 tỷ dân. Ấn Độ cho đến nay ghi nhận 645 ca tử vong và 20.080 ca mắc Covid-19.

Đại học Mỹ dừng sử dụng bộ xét nghiệm Trung Quốc

Các nhân viên kiểm tra các bộ kit xét nghiệm tại nhà máy ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: China Daily)

Theo SCMP, cũng liên quan tới trang thiết bị y tế của Trung Quốc, Trường Y thuộc Đại học Washington, Mỹ đã quyết định tạm dừng sử dụng bộ kit xét nghiệm của Lingen Precision Medical Products, một doanh nghiệp chuyên nghiên cứu, sản xuất và phân phối thiết bị y tế có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc), sau khi phát hiện một phần trong số các bộ kit có dấu hiệu bị nhiễm khuẩn. Đại học Washington được cho là đã chi 125.000 USD để mua số kit xét nghiệm này.

“Tôi vừa khuyến cáo mọi người, những ai có các bộ kit xét nghiệm này, tạm dừng và không sử dụng chúng nữa. Không thể nói là tôi không thất vọng được”, Geoff Baird, chủ tịch tạm quyền của Khoa Y học Thí nghiệm Đại học Washington và là thành viên trong nhóm tìm mua các bộ kit xét nghiệm, cho biết.

Trước đó, Đại học Washington đã chuyển hàng chục nghìn bộ kit xét nghiệm Covid-19 từ Trung Quốc bằng đường hàng không, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt thiết bị tại Mỹ.

Theo Geoff Baird, lần đầu tiên ông biết thông tin về các vấn đề liên quan tới bộ kit xét nghiệm từ Trung Quốc vào ngày 16/4. Khi đó, một đồng nghiệp thông báo cho Baird rằng, một lượng chất lỏng đựng trong các ống truyền dẫn do ông gửi tới dường như bị đổi màu.

Baird cho biết ông ngay lập tức tới nơi Đại học Washington lưu trữ các bộ kit xét nghiệm để kiểm tra. Nhiều ống dẫn dường như không có vấn đề gì. Tuy nhiên, phần chất lỏng trong một vài ống có hiện tượng chuyển màu – dấu hiệu cho thấy đã có sự phát triển của vi khuẩn. Một số ống khác dường như bị mờ đục.

Baird ước tính khoảng vài phần trăm trong số các bộ kit xét nghiệm mà ông đã xem đã bị ảnh hưởng. Các cuộc xét nghiệm từ phòng thí nghiệm sau đó xác nhận vi khuẩn có tên gọi Stenotrophomonas maltophilia đã phát triển trong các mẫu kit bị nhiễm khuẩn. Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ cho biết S. maltophilia có thể gây ra các vấn đề cho những người có hệ miễn dịch kém hoặc trong môi trường bệnh viện.

Baird thông báo ông đã dừng đặt mua thêm các bộ kit xét nghiệm sau khi phát hiện vấn đề trên. Ông cũng cho biết đã phân phát 20.000 bộ kit xét nghiệm cho cơ quan y tế hạt King và Seattle và 15.000 bộ khác cho phòng thí nghiệm y tế công cộng của bang Washington.

Trước đó, cơ quan Y tế bang Washington ngày 19/4 đã thu hồi 12.000 bộ xét nghiệm được phân phát cho các cơ quan y tế địa phương và các đối tác của cơ quan cấp bang. Một số lượng lớn bộ gạc và ống truyền dẫn từ một nhà cung cấp khác dự kiến sẽ được chuyển tới Washington trong tuần này.

Mỹ đang phải đối mặt tình trạng thiếu hụt vật tư y tế khi số ca tử vong vì Covid-19 lên tới hơn 42.000 người, còn số ca nhiễm cũng gần 800.000 người. Ông Baird cho biết Mỹ vẫn thiếu trầm trọng các bộ kit xét nghiệm để sử dụng trong cuộc chiến chống dịch.

Ngoài Mỹ, Anh đã trả 20 triệu USD để mua 2 triệu bộ xét nghiệm từ Trung Quốc, nhưng rốt cuộc vẫn để trong kho. Các nhà khoa học và bác sĩ tại Đại học Oxford kết luận các bộ xét nghiệm tại nhà được cho là có khả năng phát hiện kháng thể Covid-19 do Anh đặt mua từ 2 công ty Trung Quốc không đủ chính xác để có thể sử dụng.

Trước đó, thành phố Madrid, Tây Ban Nha quyết định ngừng sử dụng bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 do công ty Bioeasy có trụ sở tại Quảng Đông, Trung Quốc sản xuất sau khi phát hiện tỉ lệ chính xác chỉ đạt 30%.

Theo Dân trí

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *