Home Bí ẩn Sự thật ảm đạm đằng sau tên gọi Black Friday
Bí ẩn

Sự thật ảm đạm đằng sau tên gọi Black Friday

Nguồn gốc của “thứ sáu đen tối” có phần ảm đạm giống với tên gọi của nó, gợi nhắc về giai đoạn nước Mỹ lâm vào khó khăn trong quá khứ vì khủng hoảng tài chính.

Trước khi được biết đến là ngày mua sắm với giá siêu rẻ, Black Friday lại ẩn chứa sự thật có phần tăm tối đằng sau, theo Huff Post.

Số đông thường nghĩ cái tên “thứ sáu đen tối” xuất phát từ thuật ngữ “in the black” trong tiếng Anh, chỉ tình trạng doanh nghiệp ăn nên làm ra, tạo ra lợi nhuận.

Trên thực tế, khái niệm này ban đầu lại gắn với một giai đoạn lịch sử khó khăn của nước Mỹ. Cụm từ Black Friday lần được sử dụng vào ngày 24/9/1869 và không liên quan gì đến việc mua sắm cho mùa lễ hội cuối năm.

Khái niệm Black Friday lần đầu xuất hiện năm 1869, khi 2 nhà đầu tư Mỹ lũng đoạn giá vàng, làm khủng hoảng thị trường chứng khoán. Ảnh: BI.

Nhờ vào mối quan hệ với chính phủ, hai nhà đầu tư Jim Fish và Jay Gould nổi tiếng ở phố Wall thời bấy giờ đã gây lũng đoạn thị trường vàng, đẩy nước Mỹ rơi vào khủng hoảng tài chính trong nhiều năm.

Dù tình hình kinh tế ổn định lại sau đó, nhiều nhà kinh doanh vẫn ghi nhớ sự kiện này như một bài học kinh nghiệm khó quên.

Đến những năm 1950 của thế kỷ trước, ý nghĩa quen thuộc mà mọi người biết tới về Black Friday mới được sử dụng lần đầu.

Cảnh hàng nghìn người dân Mỹ tấp nập, chen lấn đi mua sắm sau dịp nghỉ Lễ Tạ ơn đã xảy ra từ những năm 1950 của thế kỷ trước. Ảnh: Reuters.

Khi đó, cảnh sát tại bang Philadelphia đã dùng cụm từ này để nói về tình trạng người dân đổ xô đi sắm sửa sau ngày Lễ Tạ ơn, gây nên nhiều cuộc hỗn loạn vượt tầm kiểm soát.

“Sở Cảnh sát Philadelphia sử dụng Black Friday để mô tả cảnh tắc đường và sự đông đúc, người chen người trong các cửa hàng bán lẻ ở trung tâm thành phố”, David Zyla, nhà thiết kế từng đạt giải Emmy viết trong cuốn sách How to Win at Shopping.

Ngoài ra, tác giả còn đề cập đến chuyện nhiều nhân viên cửa hàng trong giai đoạn này thường gọi điện báo ốm, xin nghỉ làm để kéo dài kỳ nghỉ lễ của họ, dẫn đến tình trạng thiếu người đón tiếp và phục vụ dòng người kéo đến shopping.

Ngoài ra, thuật ngữ “thứ sáu đen tối” cũng được nhắc đến khi nói về trận thi đấu bóng bầu dục giữa lực lượng quân đội và hải quân Mỹ diễn ra thường niên tại Philadelphia.

Một lượng lớn người hâm mộ và du khách đổ xô về sân vận động, khiến cảnh sát phải làm việc trong nhiều giờ liền mới giải tán được đám đông và cảnh tắc đường.

Những nhà bán hàng từng cố đổi tên ngày hội mua sắm lớn nhất năm thành Big Friday nhưng không đạt hiệu quả mong muốn. Ảnh: NY Times.

Điều dễ hiểu là các nhà bán hàng tại Mỹ không thích dùng thuật ngữ Black Friday gợi cảm giác tiêu cực để nói về ngày gặt hái doanh thu lớn nhất trong năm của họ.

Vào năm 1961, các chuyên gia quan hệ công chúng đã cố gắng thay đổi nhận thức người dân bằng cách đổi tên thành Big Friday (tạm dịch: thứ sáu lớn), ý chỉ một ngày đi chơi, mua sắm vui vẻ của các gia đình.

Tuy nhiên, không mấy người hưởng ứng sự thay đổi này và cái tên Big Friday trở nên mờ nhạt. Sang đến thập niên 1980, Black Friday đã thành khái niệm lan rộng khắp nước Mỹ, với ý nghĩa tích cực là ngày hội mua sắm giá rẻ, khuyến mãi lớn nhất trong năm.

“Ngày nay, các nhà bán lẻ không mấy quan tâm đến nguồn gốc của tên gọi. Họ chỉ tập trung tận dụng tối đa sự công nhận rộng rãi của mọi người về nó để thu về khoản tiền khổng lồ. Chỉ riêng doanh số bán hàng trực tuyến trong ngày Black Friday vào năm 2019 đã đạt mức kỷ lục 7,2 tỷ USD, tăng 14% so với năm trước đó”, Zyla cho biết.

Theo Zing

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Chuyện gì đang xảy ra ở New Zealand vậy?

Bão Gabrielle quét qua đảo Bắc ở New Zealand đã khiến hạ...

Bí mật hơn 100 năm tuổi: Điều gì được giấu trong chai bia ở ga Michigan?

Hai công nhân tên là Lukas Nielsen và Leo Kimble đã phát...

Câu chuyện thương tâm về 3 phi hành gia duy nhất đã hi sinh ngoài vũ trụ

Năm 1971, ba nhà du hành vũ trụ người Nga đã phá...

Tìm hiểu về ngôi làng bánh quy gừng biến mất ở Úc

Những lý do đằng sau sự biến mất của làng bánh quy...