Tin Tức Nước Úc – Quyết định mới của chính quyền Úc liên quan đến tai nạn thảm khốc của chuyến bay Hãng Lion Air đâm xuống biển sáng 29-10.
Theo báo The Jakarta Post, thông báo của Bộ Ngoại giao và thương mại Úc đăng tải trên website nói rõ các quan chức và nhân viên chính phủ không được sử dụng máy bay của hãng hàng không giá rẻ Lion Air của Indonesia.
Trong tai nạn làm thiệt mạng 189 người vào sáng nay, Bộ Tài chính Indonesia xác nhận có khoảng 20 nhân viên của các bộ khác nhau của chính quyền Jakarta.
Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati đã có mặt tại Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia (Basarnas) ở thủ đô Jakarta để nắm tình hình và tỏ rõ rất đau buồn vì thiệt hại quá lớn.
Bà cho biết các nhân viên nói trên đang trên đường trở về cơ quan làm việc ở Pangkal Pinang sau kỳ nghỉ cùng gia đình dịp lễ cuối tuần vừa qua ở thủ đô Jakarta.
Hiện lực lượng cứu hộ đã xác định được vị trí hai hộp đen máy bay. Theo Hãng hàng không Lion Air, chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 mang số hiệu JT 610 là máy bay mới xuất xưởng năm nay, và vừa được đưa vào sử dụng hồi giữa tháng 8 vừa qua.
Cơ trưởng của chuyến bay là ông Bhavye Suneja và cơ phó Harvino. Cơ trưởng Bhavye Suneja đã có hơn 6.000 giờ bay an toàn trong khi đó cơ phó Harvino cũng đã có hơn 5.000 giờ bay chưa gặp sự cố.
Giám đốc điều hành Lion Air, ông Edward Sirait tuy vậy thừa nhận chiếc Boeing 737 MAX 8 gặp nạn nói trên đã từng gặp một sự cố kỹ thuật trong một chuyến bay trước, từ Denpasar đi Cengkareng ở Jakarta, nhưng đã được sửa chữa theo đúng thủ tục.
Tuy nhiên cũng cần nhớ rằng Lion Air bị Liên minh châu Âu (EU) cấm hoạt động trên lãnh thổ này từ năm 2007 đến 2016 vì chưa đảm bảo an toàn.
Theo ông Sirai, Hãng Lion Air đã sử dụng 11 chiếc máy bay cùng loại Boeing 737 Max 8, và các máy bay khác không có cùng lỗi kỹ thuật như vậy. Tuy nhiên, ông Sirai không nói rõ đó là lỗi kỹ thuật gì. Ông cho biết thêm rằng hãng không có ý định ngừng sử dụng phi đội Boeing 737 Max 8 của mình.
Trong cuộc họp báo chiều nay, ông Sirai cũng xác nhận phi công là người Ấn Độ và trong số hành khách có một người quốc tịch Ý.
Người phát ngôn của hãng, Danang Mandala Prihantoro cho biết: “Hãng rất lo ngại về sự cố trên và sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan và tất cả các bên liên quan để làm rõ nguyên nhân vụ việc”.
Lion Air là một trong những hãng hàng không non trẻ nhất của Indonesia với các tuyến bay nội địa và quốc tế. Đây cũng là hãng hàng không giá rẻ lớn thứ 2 ở Đông Nam Á, chỉ sau AirAsia, và có tốc độ tăng trưởng rất nhanh.
Vụ rớt máy bay của Hãng Lion Air đến thời điểm này:
– Dòng máy bay: Boeing 737 MAX 8
– Ngày đưa vào sử dụng: 15-8-2018
– Lộ trình: Jakarta – Pangkal Pinang
– Thời gian bay: 1 giờ 10 phút
– Cất cánh 6h20 sáng 29-10, mất liên lạc lúc 6h33
– Hiện đã tìm thấy mảnh vỡ máy bay trên khu vực biển Tây Java cùng một số mảnh thi thể và vật dụng của hành khách.
– Có 189 người trên máy bay, trong đó có 2 trẻ sơ sinh và một trẻ nhỏ. Đã tìm thấy một số thi thể.
– Phi công là người Ấn Độ, có kinh nghiệm bay loại máy bay này là 6.000 giờ. Anh đã làm việc cho Lion Air được 7 năm 8 tháng. Trước khi đầu quân cho hãng hàng không Indonesia, anh là phi công Boeing 737 tập sự tại Hãng Emirates 4 tháng.
– Đêm trước xảy ra vụ rơi, chiếc Boeing này đã gặp trục trặc kỹ thuật.
– Trước khi rơi, phi công có liên lạc xin quay máy bay về sân bay.
– Máy bay mất độ cao, rồi lấy lại độ cao, rồi rơi xuống biển.
– Lion Air bị EU cấm từ 2007 đến 2016.
Theo Tuổi Trẻ