Trong một báo cáo được công bố bởi Viện Nghiên cứu Dân số Úc, nhà nhân khẩu học Bob Birrell cho rằng các di dân không có PR bằng những phân loại visa khác đang đổ dồn sang xin visa vợ chồng.
Tiến sĩ Birrell nói rằng điều này có thể là do Úc có “một số quy tắc dễ dãi nhất về điều kiện bạn đời/vợ chồng trong các nước phương Tây”, đồng thời kêu gọi siết chặt hệ thống visa vợ chồng.
Trong báo cáo của mình, Tiến sĩ Birrell đã vẽ ra hai con đường mà phần lớn visa vợ chồng ở Úc hình thành.
Con đường thứ nhất: Một người ngoại quốc ở Úc với visa ngắn hạn (thường là visa du học) và tìm được một người ở Úc sẵn sàng bảo trợ họ để nộp hồ sơ xin PR nhóm visa vợ chồng.
Photo: SBS
Ông Birrell dẫn chứng số liệu của chính phủ Úc cho thấy, 11,048 người có visa vợ chồng từng giữ visa du học trong năm 2016-17, và con số này là 9,257 người trong năm 2017-18.
Con đường thứ hai: Một cư dân Úc (thường là người sinh ra ở châu Á và mới thành cư dân Úc) quay lại quê nhà để chọn bạn đời – một người mà gia đình quen biết hay ở trong mạng lưới cộng đồng của họ.
Ông Birrell cho biết có ít nhất 1/3 visa vợ chồng xuất phát từ con đường này.
Trong số các quy tắc được đề xuất thắt chặt, Tiến sĩ Birrell cho rằng:
– Nên tăng độ tuổi mà một người trưởng thành có thể bảo trợ bạn đời, từ 18 lên 21 tuổi.
– Đảm bảo người bảo trợ có thể lo cho bạn đời của mình mà không dùng đến tiền trợ cấp chính phủ – yêu cầu chứng minh thu nhập ổn định tương đương ít nhất $34,000/năm.
– Thêm bằng chứng xác nhận mối quan hệ là thật, trước khi nộp hồ sơ xin visa vợ chồng lần thứ nhất, và phải chứng minh một lần nữa sau hai năm sống ở Úc.
Hiện nay, di dân có thể làm việc, sinh sống và học tập tại Úc trong thời gian yêu cầu xin visa vợ chồng vĩnh viễn của họ được xử lý.
Theo Tiến sĩ Birrell, tính đến tháng Sáu 2018, đang có 1.4 triệu người ở Úc với visa nhập cảnh tạm thời, trong đó 673,000 người từng là du học sinh. Con số này chưa tính người New Zealand.
Tuy nhiên, nhà nhân khẩu học Liz Allen thuộc Đại học Quốc gia Úc nói với SBS News rằng “Không có bằng chứng cho thấy hệ thống visa vợ chồng đang bị lạm dụng bởi các đương đơn muốn lừa gạt chính phủ Úc để có PR”.
Trong khi đó, Liên đoàn Các Hội đồng Sắc tộc Úc (FECCA), tổ chức cao nhất đại diện cho những người Úc có nguồn gốc đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ, đã bác bỏ lập luận cho rằng hệ thống visa vợ chồng của Úc là một cách dễ dàng để đưa di dân vào nước này.
Chủ tịch của FECCA, bà Mary Patetsos, cho rằng “Quy trình nộp đơn xin visa vợ chồng rất nghiêm ngặt, và 75% trong số các trường hợp thì đương đơn cũng phải chờ đợi gần hai năm để đơn của họ được xử lý. Chi phí để xin visa vợ chồng rất đắt, ở mức gần $8,000 đối với các đương đơn”.
Dữ liệu được công bố bởi chính phủ Úc cho thấy, 39,799 visa vợ chồng đã được cấp trong năm 2017-18, giảm từ mức 47,825 visa vợ chồng được cấp trong năm trước đó.
Theo Vtimes