(www.Alouc.com) – Kết quả này nằm trong nỗ lực của Ủy ban chuyên trách về Người lao động nhập cư khi kêu gọi cần có các biện pháp kết nối và giao tiếp tốt hơn với những người hưởng visa ở Úc.
Việc lao động quốc tế trong các ngành như nông nghiệp, khách sạn, bán lẻ và nhà hàng bị các chủ lao động vô đạo đức ép phải làm việc nhiều hơn với mức lương thấp đã trở thành một vấn đề nhức nhối. Tình trạng này ảnh hưởng đến cả học sinh và khách du lịch lao động (backpackers).
Theo một báo cáo của Ủy ban chuyên trách về Lao động Nhập cư (The Migrant Workers Task force) sau cuộc họp gần nhất, từ việc rà soát tất cả hoạt động giao tiếp kết nối với những người mang visa cho thấy vẫn còn một số rào cản trong quá trình tiếp cận thông tin của họ.
Hơn nữa, những người biết mình đang bị “bóc lột” thường sợ lên tiếng vì lo rằng visa có thể bị loại bỏ hoặc một số người đã bị ép ở quá hạn visa và sợ bị trục xuất.
Ủy ban cho biết vấn đề này còn nhiều việc cần làm và những chủ thuê lao động bị phát hiện vi phạm vẫn chưa được xử lý thích đáng. Người lao động sẽ được khuyến khích liên lạc nặc danh với các cơ quan như Giám sát viên Việc làm Công bằng (Fair Work Ombudsman – FWO) và một công cụ trực tuyến sẽ được thiết lập để họ cung cấp thông tin.
“Quan trọng là, họ sẽ có thể cung cấp thông tin qua công cụ trình báo trực tuyến bằng ngôn ngữ của họ. Công cụ trình báo mới sẽ vừa trợ giúp cho mọi người và vừa cho chúng tôi hiểu rõ hơn về phạm vi và quy mô của vấn đề,” Giáo sư Allan Fels, Chủ tịch Ủy ban chuyên trách nói.
Ông cũng thông báo rằng sẽ có một giao thức báo cáo mới do FWO và Bộ Nhập cư và Bảo vệ biên giới (DIBP) đồng thuận để nghiên cứu hợp tác thử nghiệm cách giao tiếp hiệu quả nhất với người hưởng visa, đảm bảo thông điệp về quyền lợi nơi làm việc được truyền tải đơn giản, rõ ràng và hữu ích.
Ủy ban cũng nhất trí rằng trong khi lệnh ân xá theo luật nhập cư không phù hợp, nếu những người mang visa ngắn hạn có quyền làm việc nghi ngờ bị lạm dụng và báo cáo trường hợp của họ với FWO, DIBP thường sẽ không hủy visa, bắt giam hay trục xuất những cá nhân đó.
Nhưng họ sẽ phải chịu trách nhiệm tuân thủ các điều khoản visa trong tương lai và không phạm phải những lý do hủy visa cơ bản như an ninh quốc gia, lý lịch, sức khỏe hay có tiền sử gian lận.
Đối với những người mang visa ngắn hạn không có quyền làm việc, DIBP không cam kết trước được gì ngoại trừ sẽ xem xét từng trường hợp một cách hợp lý nhất có thể.
Ông Fels cũng xác nhận rằng Ủy ban Cadena, một ủy ban chuyên trách hợp tác dẫn đầu bởi Lực lượng Biên giới Úc (Australian Border Force) và FWO, đã và đang tiếp tục nhắm đến những người có liên quan trong việc gian lận visa có tổ chức, việc làm trái phép và lạm dụng lao động nước ngoài trong những tháng vừa qua.
“Ủy ban đã giải quyết những vụ lạm dụng lao động nhập cư nghiêm trọng, tập trung chủ yếu vào các tổ chức môi giới lao động, bao gồm cả những tổ chức hoạt động ở nước ngoài. Những nỗ lực trong tương lai sẽ hướng tới ngăn chặn lạm dụng lao động bằng việc hợp tác với các cơ quan ở các quốc gia khác,” ông nói.
Tính đến 12/01/2017, Ủy ban Cadena đã nhận được 267 cáo buộc để điều tra và hoàn thành 13 phi vụ, tìm ra bằng chứng cho những hành vi sai trái nghiêm trọng, trong đó có hành vi liên quan đến ma túy trái phép, vũ khí trái phép và thu nhập trái phép của tội phạm.
“Ủy ban vô cùng ủng hộ việc đẩy mạnh thực thi pháp luật đối với các tổ chức bị cáo buộc bóc lột sức lao động của công nhân viên,” ông Fels kết luận.