Home Tin Nước Úc Hình mẫu chống dịch Úc và New Zealand chật vật tiêm phòng COVID-19
Tin Nước Úc

Hình mẫu chống dịch Úc và New Zealand chật vật tiêm phòng COVID-19

Chiến dịch triển khai vaccine chậm chạp của Úc đang làm dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ. Thực trạng tương tự cũng đang xảy ra tại New Zealand khi chiến lược tiêm chủng của nước này bị đánh giá là yếu kém.

Theo trang The Guardian (Anh), Úc và New Zealand từng được coi là những hình mẫu chống dịch thành công trên thế giới, khi đã kiểm soát được sự bùng phát của virus SARS-CoV-2 và số ca tử vong thấp trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn càn quét ở nhiều nơi trên thế giới.

Cuộc sống thường ngày của người dân ở các thành phố Sydney (Úc) và Auckland (New Zealand) phần lớn đã trở lại bình thường như trước đại dịch. Các nhà hàng đông đúc, rạp hát đã mở cửa trở lại, văn phòng trở nên bận rộn và thậm chí nhiều người đã từ bỏ đeo khẩu trang. Hoạt động đi lại quốc tế cũng đã trở thành hiện thực nhờ “bong bóng du lịch xuyên Tasman” mới – một hành lang du lịch song phương không cần cách ly giữa hai quốc gia láng giềng.

Nhân viên y tế chuẩn bị vaccine Pfizer tại một bệnh viện ở thành phố Brisbane, Úc. Ảnh: AAP

Dù đã giành chiến thắng trong cuộc chiến chống COVID-19 trong năm qua, nhưng “Xứ sở Kangaroo” và “Xứ sở kiwi” hiện đang phải vật lộn với một cuộc khủng hoảng mới, đó là chiến dịch triển khai vaccine.

Tốc độ phân phối vaccine ì ạch của Úc, do hàng loạt sai lầm của chính phủ và nguồn cung nước ngoài chậm trễ, đã khiến hoạt động đi lại quốc tế không thể trở lại như bình thường cho đến năm 2024. Trong khi đó, New Zealand, quốc gia bắt đầu tiêm chủng từ tháng 2, cho đến nay mới chỉ tiêm liều vaccine đầu tiên cho 4,5% dân số đủ tiêu chuẩn.

Trái lại, Mỹ và Anh, những quốc gia từng bị chỉ trích về cách tiếp cận với đại dịch, lần lượt đã tiêm mũi vaccine đầu tiên cho 50% và 60% dân số. Tại Mỹ, đã có 131,2 triệu dân được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Còn ở Anh, con số này lên đến 32 triệu người.

Dù có dân số ít hơn và hệ thống y tế không phải chịu áp lực từ việc điều trị các ca COVID-19, nhưng vaccine vẫn là chiếc chìa khóa rất quan trọng đối với cả Úc và New Zealand.

Chiến dịch tiêm chủng bị phớt lờ tại Úc

Một nhân viên vận chuyển lô vaccine AstraZeneca đầu tiên được sản xuất tại Úc. Ảnh: Getty Images

Tại Úc, ban đầu chính phủ đã áp dụng phương pháp tiếp cận chờ đợi vaccine để tiêm chủng. Với số ca mắc COVID-19 thấp, kế hoạch của họ là đảm bảo các loại vaccine an toàn và hiệu quả đang được sử dụng ở Anh và Mỹ. Quốc gia này đã đầu tư nhiều loại vaccine, bao gồm Pfizer, AstraZeneca, Novavax và vaccine do Đại học Queensland phát triển. Nhưng đến nay, chỉ có Pfizer và AstraZeneca có sẵn.

Vaccine của Đại học Queenland đã bị loại bỏ sau khi sau khi cho kết quả dương tính HIV giả trong một số xét nghiệm. Còn dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của Novavax vẫn đang được thu thập, phân tích và cần thêm thời gian. Điều này có nghĩa là Úc buộc phải dựa vào 2 loại vaccine còn lại. Nhưng một trong số đó, vaccine Pfizer đang bị thiếu hụt trầm trọng.

Vào giữa tháng 4, trước thông tin vaccine AstraZeneca có liên quan đến hiện tượng máu đông hiếm gặp, Thủ tướng Scott Morrison thừa nhận rằng hầu hết người dân có thể không được tiêm chủng vào cuối năm.

Úc hiện khuyến nghị chỉ tiêm vaccine AstraZeneca cho người trên 50 tuổi, trong khi người trẻ được tiêm vaccine Pfizer trong bối cảnh nguồn cung hạn chế. Chính phủ nước này đang đảm bảo các liều bổ sung của vaccine Pfizer/BioNTech, nhưng dự kiến phải đến cuối năm 2021 mới có đủ vaccine.

Giới chức y tế bang New South Wales đã yêu cầu Chính phủ nhận lỗi sau khi Thủ tướng Morrison đổ trách nhiệm cho các bang về việc triển khai tiêm chủng chậm chạp, dù họ nhận được liều lượng thấp hơn nhiều so với con số đã cam kết. Thủ hiến bang Queensland cũng cho rằng chính phủ liên bang đáng bị lên án khi đổ hoàn toàn trách nhiệm cho các bang.

Các bác sĩ Úc cũng chỉ trích việc triển khai vaccine của quốc gia này là vô cùng tồi tệ, sau khi họ đưa ra thông điệp gây nhầm lẫn, dẫn đến tình trạng quá tải cuộc gọi từ bệnh nhân.

Nếu việc triển khai vaccine vẫn diễn ra với tốc độ bằng mức trung bình gần 36.000 liều/tuần hiện nay, có thể Úc phải mất đến gần 40 tháng để đạt mục tiêu tiêm chủng 45 triệu liều vaccine cho người dân trên 18 tuổi.

Các chuyên gia cho biết việc trì hoãn tiêm chủng có thể tàn phá ngành du lịch, khi Úc “bỏ lỡ nhu cầu ưu tiên” từ du khách ở các quốc gia đang mở cửa. Hiện tại, chính phủ hy vọng một số vấn đề về du lịch của đất nước có thể được giải quyết thông qua bong bóng du lịch với New Zealand.

New Zealand chờ phân phối vaccine

Người đứng đầu ngành y tế của New Zealand Ashley Bloomfield và Thủ tướng Jacinda Ardern. Ảnh: Getty Images

Thực trạng tiêm chủng ở New Zealand hoàn toàn khác Úc, nhưng kết quả cũng tương tự. Người dân nước này khó có thể được tiêm phòng đầy đủ cho đến Giáng sinh.

Trước những bê bối và nguồn cung chậm trễ của vaccine AstraZeneca, Chính phủ New Zealand vẫn đảm bảo đủ vaccine Pfizer cho toàn bộ người dân.Tuy nhiên, dù đã triển khai tiêm chủng vào tháng 2, quốc gia này đang bị chỉ trích vì tốc độ tiêm chủng chậm chạp.

Dự kiến, ít nhất 1,1 triệu liều vaccine sẽ được tiêm chủng vào cuối tháng 6, nhằm đạt mục tiêu tiêm chủng cho trên 1/3 dân số trưởng thành của nước này.

Mặc dù đang đứng sau Úc về tỷ lệ tiêm chủng bình quân đầu người, các quan chức New Zealand cho biết chiến lược tiêm chủng của quốc gia này, không giống như Úc và vẫn đang trên đà đạt mục tiêu vào cuối năm nay.

Vào tuần trước, người đứng đầu ngành y tế New Zealand, Tiến sĩ Ashley Bloomfield, nhấn mạnh dù New Zealand đã mất 6 tuần để tiêm 100.000 liều vaccine đầu tiên, nhưng chỉ cần một tuần nữa để con số đó đạt 150.000.

Nhà tiêm chủng học tại Đại học Auckland, đồng lãnh đạo tổ chức Global Vaccine Data Network, cho biết New Zealand đã có nhiều thời gian chuẩn bị cho cơ sở hạ tầng cần thiết để triển khai tiêm chủng sớm hơn.

“New Zealand không bị áp lực vì hệ thống y tế quá tải, nên đáng lẽ chúng tôi phải có nhiều thời gian chuẩn bị và một số việc phải được thực hiện sớm hơn”, bà nói.

Bên cạnh đó, một trong những thách thức mà chính phủ sẽ phải đối mặt trong những tháng tới là đảm bảo có đủ nhân viên quản lý vaccine cũng như nhân viên hỗ trợ được đào tạo bài bản.

“Mỗi mùa cúm, chúng tôi tiêm phòng cho khoảng 1,7 triệu người trong vài tuần, và điều này cho thấy New Zealand có thể đạt được mục tiêu tiêm phòng COVID-19 đã đề ra”, bà  Petousis-Harris nói.

Là một phần của kế hoạch tiêm vaccine COVID-19, quốc gia này có kế hoạch chủng ngừa cho khoảng 3 triệu người trưởng thành vào cuối năm nay.

Bong bóng du lịch New Zealand – Úc sẽ mở ra cơ hội phục hồi kinh tế của hai quốc gia. Ảnh: Heraldsun

Hiện tại, cả Úc và New Zealand đều an toàn và nền kinh tế của họ đang trên đà phục hồi. Nhưng câu hỏi đặt ra là người dân có thể an toàn trong thời gian bao lâu, khi ngày càng có nhiều biến chủng virus mới nguy hiểm hơn xuất hiện, nếu không tiêm vaccine đầy đủ.

Ở New Zealand, hầu hết người dân dường như đều ủng hộ việc đóng cửa đất nước. Cuộc khảo sát năm ngoái cho thấy có khoảng 75%- 85% người New Zealand muốn đóng cửa biên giới cho đến khi dịchCOVID-19 được kiểm soát. Người dân cũng không lo ngại về nền kinh tế của đất nước.

Một cuộc khảo sát của Spinoff hồi tháng 2 cho biết chỉ 7% người New Zealand cảm thấy nền kinh tế đang ở tình trạng tồi tệ hơn những khu vực khác, 57% người dân cho rằng nền kinh tế của họ vẫn tốt hơn nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo Báo Tin tức

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...