Home Tin Nước Úc Hậu thảm họa cháy rừng ở Úc: Sự biến mất vĩnh viễn của loài cá thiên hà?
Tin Nước Úc

Hậu thảm họa cháy rừng ở Úc: Sự biến mất vĩnh viễn của loài cá thiên hà?

Hình ảnh cá thiên hà với tên khoa học Galaxias tantangara. Nguồn: Internet

Sinh vật đẹp đẽ này – cá thiên hà – có thể đối mặt nguy cơ tuyệt chủng nếu không được giải cứu khỏi tro bụi sau cháy rừng.

Một nhiệm vụ giải cứu tuyệt vọng loài cá thiên hà (Galaxias tantangara) với môi trường sống duy nhất được biết đến là trong công viên quốc gia Kosciuszko, Australia, có thể là hy vọng cuối cùng cho loài này.

Hình ảnh cá thiên hà với tên khoa học Galaxias tantangara. Nguồn: Internet

Cuộc giải cứu không chính thức

Vào giữa tháng 1/2020, Phó G.S Mark Lintermans, một nhà khoa học nước ngọt tại Đại học Canberra, Úc đã đến khu vực vườn quốc gia Kosciuszko để làm sốc điện với cá và cứu chúng khỏi sự tuyệt chủng.

Loài cá trong chiến dịch trên là cá thiên hà với tên khoa học Galaxias tantangara, một loài nước ngọt đặc hữu phát triển đến khoảng 10cm và được biết là chỉ sống hoang dã ở con suối Tantangara dài 3 km, trong công viên quốc gia Kosciuszko.

Các nhà khoa học ước tính có thể có một vài ngàn con cá thiên hà còn tồn tại trước khi xảy ra các vụ cháy rừng mùa hè năm 2019. Cũng như nhiều loài, hiện tại họ không chắc có bao nhiêu con còn lại sau những thảm họa đó.

Loài cá này được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đánh giá là cực kỳ nguy cấp, nhưng nó không được liệt kê là bị đe dọa ở Úc vì chưa được đánh giá chính thức. Chính vì thế cuộc giải cứu loài cá này không có sự tham gia giám sát hoặc tài trợ từ cơ quan bảo tồn cấp nhà nước.

PGS Lintermans và Văn phòng Công nghiệp nhỏ New South Wales (một bộ phận của Chính phủ New South Wales, chịu trách nhiệm quản lý và phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp và an toàn sinh học ở New South Wales) đã tổ chức một nhiệm vụ giải cứu vào ngày 15/1.

Địa ngục nước ngọt sau thảm họa cháy rừng ở Úc: Sự biến mất vĩnh viễn của loài cá thiên hà? - Ảnh 1.

PGS Lintermans và chiến dịch của mình. Nguồn: Internet

Ông nói rằng vào thời điểm đó, không rõ liệu đám cháy có ảnh hưởng đến loài này hay không nhưng dự báo sẽ có một trận mưa lớn trút xuống khu vực này.

Theo PGS Lintermans: “Cá có thể sống sót sau trận hỏa hoạn khá tốt, nhưng nguy hiểm đe dọa mạng sống của chúng là mưa sẽ rửa trôi tro vào nước và biến nó thành dung dịch giống như Vegemite lỏng (một loại bơ có màu nâu đen, vị mặn mặn, mùi hơi khó chịu và được xem là “linh hồn ẩm thực của nước Úc”). Dòng nước tro đó làm cá bị ngột thở, khó tìm kiếm thức ăn và hủy hoại môi trường sinh sản của chúng.”

Dòng nước sau khi mưa không chỉ có tro của đám cháy mà còn có lá rụng. Khi chất hữu cơ bị phân hủy, nó hút oxy từ nước, có khả năng gây ra cá chết hàng loạt. Tro và vật liệu hữu cơ phân hủy đã gây ra cái chết của hàng ngàn con cá bản địa tại hơn 20 địa điểm khác nhau trên lưu vực sông Murray-Darling và ở các khu vực ven biển của bang NSW trong hai tuần qua.

Tại con suối Tantangara, nhóm của PGS Lintermans đã sử dụng một kỹ thuật được gọi là câu cá ba lô. Các nhà khoa học chạy một dòng điện trực tiếp vào dòng suối, làm cho cá ngừng bơi và sau đó họ đơn giản bắt chúng bằng một cái lưới nhỏ. Khi không có dòng điện trong thùng chứa đầy nước, chúng hồi phục trong vòng vài giây.

Chuyến đi đến Tantangara đã thành công tốt đẹp. PGS Lintermans đã lãnh đạo cuộc giải cứu 142 con cá thiên hà và chuyển chúng đến một trại sản xuất được kiểm soát nhiệt độ. Ông muốn thu thập 500 cá thể giúp cho loài này có cơ hội tốt nhất để đảm bảo một quần thể đa dạng di truyền trong điều kiện nuôi nhốt, nhưng 142 con cũng được coi là đủ để mang lại hy vọng.

Chuyến đi thứ hai của đoàn để giải cứu một loài khác, thiên hà đuôi ngắn, đã không thành công. Giống đuôi ngắn sống gần Numeralla, phía đông bắc Cooma, trong hai luồng nước cách nhau ở một con suối có sự sinh sống của cá hồi săn mồi.

Loài cá này bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, ngôi nhà của nó thu hẹp lại chỉ vỏn vẹn một vũng bùn. Chỉ khoảng 30 con cá có thể được phục hồi.

Nỗi ám ảnh mang tên tuyệt chủng

PGS Lintermans lo sợ cho tương lai của cả hai loài. Ông nói rằng sự căng thẳng khi làm việc trong lĩnh vực bảo tồn thậm chí còn lớn hơn những gì ông cảm thấy khi phục vụ như một lính cứu hỏa tình nguyện lúc còn trẻ.

Địa ngục nước ngọt sau thảm họa cháy rừng ở Úc: Sự biến mất vĩnh viễn của loài cá thiên hà? - Ảnh 2.

Ngôi nhà duy nhất được biết đến của cá thiên hà là một con lạch dài 3km trong công viên quốc gia Kosciuszko. (Ảnh: Chris Walsh)

Ông chia sẻ: “Nếu chúng ta không hiểu đúng, không đến sớm, chúng ta có thể mất một loài mãi mãi. Tôi không muốn điều đó ám ảnh trong đầu tôi. Đây chính là công việc của tôi trong suốt 35 năm qua.”

Hai loài cá thiên hà này nằm trong số vô số loài mà các nhà khoa học cho biết vẫn chưa nhận được nhiều sự chú ý sau cuộc khủng hoảng cháy rừng, nhưng sẽ cần đến nó.

Chính phủ Úc đã được các chuyên gia khen ngợi về phản ứng ban đầu đối với tình trạng khẩn cấp của động vật hoang dã , bao gồm cả việc đưa ra một phân tích nhanh chóng cho thấy môi trường sống được biết đến của 331 loài bị đe dọa và được liệt kê trên toàn lãnh thổ quốc gia này.

Nhưng các chuyên gia cũng lo ngại cho các loài không nằm trong danh sách đó. Trong khi hoàn cảnh của gấu túi và thú mỏ vịt nhanh chóng được quan tâm thì cá, ếch, bò sát, côn trùng và các động vật không xương sống khác đã nhận được ít sự chú ý hơn.

Trong số 89 loài cá nước ngọt của Úc bị IUCN đe dọa toàn cầu, chỉ có 38 loài được công nhận theo luật môi trường quốc gia có nguy cơ và cần được bảo vệ. Ước tính khoảng một phần tư các loài cá nước ngọt vẫn chưa được mô tả.

PGS Lintermans nói rằng nếu loài cá thiên hà được bảo đảm sự bảo vệ chính thức, điều này sẽ mang lại cho nó một chương trình theo dõi và nghiên cứu sâu hơn về sự phân bố của nó và các mối đe dọa mà nó phải đối mặt.

“Tôi thực sự đã đề cử nó lên chính phủ liên bang cách đây khá lâu, nhưng nó vẫn chưa được xem xét một cách kỹ lưỡng. Sự bỏ bê các loài cá đã thực sự đặt chúng ta vào thế khó trong việc giải cứu hoặc theo dõi chúng.”, ông nói.

Ông nói rằng một phần lý do cho sự tiến bộ chậm chạp là việc chuyển sang một danh sách hoạt động duy nhất cho các loài bị đe dọa, theo đó danh sách đang được đánh giá lại ở cấp quốc gia. Các nhà môi trường cũng chỉ ra những cắt giảm sâu về tài trợ cho bảo vệ môi trường kể từ năm 2013.

PGS Lintermans nói rằng chính phủ Úc đang làm những gì có thể để đối phó với các đám cháy trong điều kiện bất lợi, bao gồm yêu cầu các nhà khoa học hàng đầu cho lời khuyên về các chiến lược phục hồi tại các sự kiện bàn tròn. Ông đã tham dự một buổi họp được tổ chức bởi Bộ trưởng môi trường Úc, Sussan Ley .

Một số nhà khoa học tham dự hôi nghị này cho biết cuộc thảo luận tập trung vào sự cần thiết phải cải thiện việc theo dõi các loài, lặp lại một điểm trước đó được nêu ra bởi Helene Marsh, Chủ tịch ủy ban khoa học về loài bị đe dọa của chính phủ.

David Lindenmayer, giáo sư tại Trường Môi trường và Xã hội Fenner của ANU, nói rằng có rất ít hy vọng học được bất cứ điều gì về tác động của hỏa hoạn đối với các loài bị đe dọa mà không thu thập dữ liệu tốt hơn.

PGS Lintermans nhấn mạnh công việc bảo tồn cần phải mở rộng hơn không chỉ dừng lại ở động vật có vú, chim và thực vật, thực vật thủy sinh cũng quan trọng như chúng.

Theo Soha

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...