Home Tin Nước Úc Chọn mặt gửi vàng khi làm Visa Úc
Tin Nước Úc

Chọn mặt gửi vàng khi làm Visa Úc

Lỗi của ai khi một bộ hồ sơ thật được thực hiện mà bị từ chối?

Chúng ta đang sống tại quốc gia đa văn hóa nhất thế giới, sự hỗ trợ về pháp lý nói chung và luật di trú nói riêng là không thể thiếu trong bất cứ cuộc sống của bất cứ ai. Đặc biệt trong những năm gần đây, có những dịch vụ di trú được tạo dựng với mục đích duy nhất để lừa đảo những đối tượng yếu mềm trong suy nghĩ. Có những khi tôi gặp khách hoảng hồn khi nhận được kết quả từ chối của Bộ Di Trú (“Bộ”), cũng có những khi tôi gặp khách tuyệt vọng. Vậy thì lỗi của ai khi một bộ hồ sơ thật được thực hiện mà bị từ chối? Tôi nên chọn mặt nào để gửi vàng?

 

Chọn mặt gửi vàng

Cuối năm 2014, ông Tiến sĩ Christopher Kendall đã có nghiên cứu và duyệt lại cách làm việc của Office of the Migration Agents Registration Authority (OMARA), Sở Đăng Ký Đại Diện Di Trú và ông đã đưa ra 24 khuyến nghị. Bà thứ trưởng, Michaelia Cash cho biết rằng chính phủ sẽ áp dụng các khuyến nghị của ông Kendall nhằm mục đích giảm bớt các thủ tục không cần thiết và phát triển các dịch vụ di trú. Bà cũng nhấn mạnh, các Đại Diện Di Trú (ĐDDT) đóng góp phần rất lớn cho Bộ và cần những người liêm chính để thực hiện các công việc này vì những khách hàng sử dụng dịch vụ di trú là những người dễ bị tấn công nhất.

Quan niệm của những bậc đàn anh luật sư/trạng sư chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực di trú thì thường cho rằng công việc của ĐDDT chỉ đơn giản là điền đơn mà sao lại thu phí rất cao, thậm chí cao hơn cả họ. Kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Kendall cũng đã khẳng định rằng vai trò của ĐDDT rất quan trọng, đóng góp phần quan trọng cho việc xét duyệt hồ sơ của Bộ dễ dàng hơn.

Người viết cho rằng luật di trú rất phức tạp, chính sách thường xuyên thay đổi, bởi vậy sự hiểu biết và đòi hỏi cập nhật thường xuyên về luật và chính sách là điều bắt buộc. Vậy thì ai là người thích hợp nhất khi mình gặp rắc rối? 

Dưới đây, Tạ Quang Huy sẽ phân tích các luồng mà được nhiều người Việt Nam hay sử dụng:

 

Luật sư/Trạng sư

Luật sư là những người tư vấn pháp luật. Phải có đăng ký với Luật Viện và có giấy phép hành nghề của Luật Viện. Họ phải tốt nghiệp cử nhân luật cộng thêm tập sự. Độc giả nên lưu ý, những người có Cao học Luật hoặc Tiến sĩ Luật hoặc Cử nhân Luật được cấp tại nước ngoài, ví dụ như Việt Nam thì cũng chưa chắc hẳn phải là luật sư và cũng chưa chắc được hành nghề tại Úc.

Khi đã trở thành luật sư thì những người này có thể lựa chọn chuyên ngành của mình theo sở thích, ví dụ nhiều người thích làm bàn giấy về các thủ tục kinh doanh như hợp đồng bất động sản, có người thích chuyên về luật hình sự.

Luật sư có hai loại, một loại làm bàn giấy (solicitor) và còn loại kia gọi là trạng sư (barrister). Trạng sư không nhận khách trực tiếp và vai trò của họ đa số là nghiên cứu, biện hộ và ‘tranh cãi’ trước Tòa án. Hiện tại luật sư/trạng sư chưa chắc được hành nghề tư vấn di trú nếu họ không có đăng ký của Sở Đăng Ký Đại Diện Di Trú, trực thuộc Bộ Di Trú.

 

Chọn mặt gửi vàng

Tạ Quang Huy cũng xin nhắc rằng, một trong 24 khuyến nghị của Tiến sĩ Kendall (cũng là một trạng sư), luật sư sẽ được hành nghề tư vấn di trú mà không cần phải đăng ký với Sở Đăng Ký Đại Diện Di Trú trong thời gian ngắn sắp tới, vì họ đã phải thực hiện quá nhiều điều kiện nghiêm khắc của Luật Viện. Đây là một sự thay đổi lớn cho ngành tư vấn luật di trú.

 

Đại Diện Di Trú

Đại Diện Di Trú là những Migration Agent có đăng ký với Sở Đăng Ký Đại Diện Di Trú, trực thuộc Bộ Di Trú. Đa số ĐDDT tự mở văn phòng và làm việc cho chính mình. Vai trò của ĐDDT thường là tư vấn, điền đơn và hỗ trợ khách hàng và thậm chí có kiêm cả lĩnh vực tư vấn giáo dục nếu thực hiện các thủ tục xin visa cho du học sinh.

Những ĐDDT có nhiều kinh nghiệm hoặc chuyên môn thì chuyên làm giải trình pháp lý hỗ trợ cho các hồ sơ phức tạp như cho người sinh sống bất hợp pháp. Tất nhiên, để thực hiện được công việc này cũng cần đòi hỏi kinh nghiệm và kiến thức nghiên cứu luật và án lệnh của Tòa án cấp cao như Tòa án Liên bang hoặc Tòa án Tối cao.

Còn có những ĐDDT chuyên sâu hơn vào những việc như chống trục xuất, hồ sơ rắc rối tới sức khoẻ, tiền án tiền sự và những các hồ sơ Toà Tái Cứu Xét Di Trú.

Các công việc của ĐDDT không chỉ ngưng tại việc điền đơn như nhiều người thường nghĩ. Tôi cho rằng ngành nghề nào cũng có tầng lớp chuyên môn, bởi vậy khi gặp rắc rối về trường hợp riêng của chính mình thì tôi khuyên độc giả nên tìm hiểu những người nào có chuyên môn nhất định để thực hiện. Điều này cũng có nghĩa nếu độc giả gặp phải rắc rối như Bộ có ý định huỷ visa du học vì không đi học, thì người thực hiện hồ sơ nên phải là ĐDDT chứ không phải là trung tâm đã từng ghi danh du học cho bạn vì họ không có đủ cơ sở để làm việc với Bộ. Tất nhiên, người có chuyên môn về lĩnh vực ‘huỷ visa’ thì càng tốt. 

Nếu bạn có hỏi tôi rằng một ĐDDT có thể giỏi về tất cả luật di trú không thì câu trả lời của tôi sẽ là ‘không’. Như viết trên, luật di trú khá phức tạp và thay đổi thường xuyên. Đa số các công việc của ĐDDT chỉ ngưng tại cấp Bộ và chỉ có một phần nhỏ được thực hiện tại cấp Tòa.

 

Chọn mặt gửi vàng

 

Trang web Bộ Di Trú/Nhân viên Bộ Di Trú

Tôi cho rằng trang web của Bộ chỉ đơn giản là trang thông tin hướng dẫn, nhưng để cụ thể thì không vì nội dung của trang này không có giá trị pháp lý. Thậm chí có những khi điện thoại tới tổng đài của Bộ và được tư vấn nhưng các câu trả lời đó chưa chắc đã được hoàn toàn áp dụng cho trường hợp cá nhân của người gọi. Đôi khi chỉ cần một thông tin không đúng cũng đã thay đổi hẳn kết quả của hồ sơ, huống gì thông tin đó không có giá trị?

Trang web của Bộ chỉ mang tính chất tham khảo và không nên sử dụng hoàn toàn để xem mình có đủ điều kiện xin được visa. 

 

Chọn mặt gửi vàng

 

Thông tin từ người thân

“Tôi đã từng làm hồ sơ bảo lãnh vợ tôi, để tôi chỉ cho” hoặc “Thường là Bộ Di Trú cần cái này và cái này”… Đó là những câu nói mà Tạ Quang Huy thường gặp khi khách hàng đem bản quyết định từ chối visa để xin khiếu nại với Tòa.

Người thân thường hay giúp đỡ lẫn nhau là điều dễ hiểu nhưng cũng có thể đem lại hậu quả nghiêm trọng vì những gì người thân mình từng trải qua có thể đã ‘lỗi thời’, vì luật và chính sách di trú thay đổi quá nhanh. 

Ví dụ:

Bà Trang tới Úc được 10 năm với 2 đứa con của mình theo diện chồng bảo lãnh. Giờ thì con trai lớn (Vũ) đã trưởng thành và muốn bảo lãnh cô bạn gái lâu năm tới Úc định cư theo diện đính hôn.

Biết được vậy, bà Trang nhắc con mình viết thư thường xuyên và khi nào có công việc ổn định thì mới bảo lãnh.

Phân tích: 

Thời gian bà Trang làm hồ sơ cách đây cũng đã 10 năm, lý thuyết thực hiện hồ sơ theo diện đính hôn mặc dù còn tồn tại nhưng cách thức chứng minh mối quan hệ như viết thư thì liệu còn sử dụng được hay không trong khi Facebook, Tango, Viber hay các phần mềm điện thoại hiện nay khá phổ biến?

Vũ không nhất thiết phải đợi tới khi tìm được công việc lương cao hay ổn định mới bảo lãnh được vị hôn thê của mình vì việc bảo trợ tài chính cho hồ sơ theo diện này đã không còn tồn tại kể từ 1/1/2013.

Ví dụ trên cho thấy rằng Vũ sẽ gặp khó khăn khi thực hiện hồ sơ bảo lãnh vị hôn thê của mình vì nghi ngờ cố tình tạo bằng chứng hoặc bằng chứng không có tình chất logic. Thứ 2, liệu đợi tới khi nào có công việc ổn định thì mối quan hệ của họ còn nóng bỏng hay không?

 

Đảm bảo 100%

Nếu có ai nói rằng họ đảm bảo được cho quý vị xin được visa thì người đó đang lừa dối quý vị. Tôi đã từng nghe các câu chuyện kể rằng $60,000 sẽ được đảm bảo quốc tịch sau khi xin tỵ nạn và người đó là nhân viên cấp cao của Bộ. Tôi cũng đã từng nghe rằng nếu hồ sơ thực hiện tại văn phòng ABC nào đó sẽ được đảm bảo 100% vì họ có “đường dây”.

Tất cả đều là lừa đảo, không có xác thực và độc giả nên thận trọng để tránh sự cám dỗ vô lương tâm và vô đạo đức của các cá nhân này. 

Khi một ai đó liên lạc cho văn phòng tư vấn luật di trú thường là những người đang lâm vào cảnh ‘rắc rối’ và nhiều khi tuyệt vọng vì luật di trú thay đổi cả một thế hệ con người và sai một bước có thể thay đổi cả một tương lai. Vậy thì, nên chọn ai?

 

Chọn mặt gửi vàng

Tôi khuyên rằng quý vị nên chọn người nào đó chuyên về lĩnh vực quý vị đang cần. Ví dụ, quý vị muốn bảo lãnh cho người chồng/vợ của mình từ Việt Nam qua thì quý vị nên tìm những người chuyên làm hồ sơ theo diện này. Hoặc cần một ai đó làm bảo lãnh cho người nhà qua du học thì nên tìm người có chuyên môn. Tôi tin rằng trên vài ngàn ĐDDT đang làm việc chắc chắn sẽ giúp được quý vị chọn được nơi “gửi vàng”.

 

 

Tạ Quang Huy

Đại Diện Di Trú Úc Châu

 Nguồn: Báo Tinh Nhanh

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...