Thay vào đó, Hội đồng trao giải Nobel quyết định trao giải cho công trình nghiên cứu từ… ớt cay, một bất ngờ bởi chẳng ai dự đoán chúng sẽ đoạt giải.
Theo hãng tin CNN, giải Nobel y học năm nay đầy những bất ngờ khi 2 nhà khoa học David Julius và Ardem Patapoutian được vinh danh về cơ chế cảm nhận nhiệt độ cũng như áp suất thông qua xung thần kinh.
Đây là một bất ngờ bởi công trình này vốn không nằm trong nhóm dự đoán được giải Nobel y học năm nay. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến những nghiên cứu trong công nghệ vaccine mRNA của Pfizer hay Moderna được đánh giá cao nhưng lại không đoạt giải.
Ông Julius hiện đang là giáo sư của trường đại học California còn Pataputian là giáo sư của Viện y học Howard Hughes.
“Khả năng cảm nhận nóng, lạnh và xúc giác của chúng ta đóng vai trò quan trọng cho khả năng sinh tồn cũng như việc tương tác với thế giới xung quanh”, Hội đồng trao giải Nobel tuyên bố.
Theo giáo sư David Paterson, Chủ tịch hội sinh lý học Anh (PSUK), nghiên cứu của Julius và Patapoutian có thể được ứng dụng để chữa trị cho nhiều loại bệnh, nhất là đau mãn tính. Trong khi đó Thư ký hội đồng Nobel, ông Thomas Perlmann cho biết công trình trên đã giúp giải thích ở cấp độ phân tử về cách thức nhiệt độ và những kích thích cơ học được chuyển đổi thành tín hiệu thần kinh như thế nào.
Ớt cay đánh bại Pfizer/Moderna
Hãng tin CNN cho biết công trình nghiên cứu của Julius bắt đầu từ ớt cay, hay nói đúng hơn là chất Capsaicin cay nồng trong ớt gây ra cảm giác nóng rát. Nhà khoa học này đã tìm hiểu cảm giác cay trong ớt đã tác động đến dây thần kinh như thế nào, qua đó đi sâu vào nghiên cứu cấp độ phân tử phản ứng của các tế bào thần kinh với nhiệt độ.
Giáo sư Julius và nhóm của mình đã phát triển được cả một kho thư viện hàng triệu mã DNA trong gen người có liên quan đến phản ứng thần kinh cho cảm giác đau, nóng và xúc giác.
Trong khi đó, giáo sư Patapoutian lại dùng các tế bào nhạy cảm với áp suất trong da và nội tạng để tìm hiểu phản ứng kích thích cơ học với hệ thống thần kinh. Tương tự, công trình này cũng phát hiện 72 mẫu gen khiến tế bào phản ứng khi tiếp xúc với Micropipette.
Micropipette là một dụng cụ dùng để hút xả một lượng lớn mẫu chính xác từ nơi này đến nơi khác. Chúng thường được dùng trong các phòng thí nghiệm hóa, hóa lý, sinh hóa, hóa dược hay dược liệu,….
Về vấn đề tại sao nghiên cứu này lại đoạt giải mà không phải các công trình như vaccine mRNA, Hội đồng Nobel cho rằng các nghiên cứu của Pfizer hay Moderna chỉ dựa trên những phát hiện cơ bản đã được đề cử mà không có gì mới. Trái lại công trình của Julius và Patapoutian lại đóng góp quan trọng mới cho sinh lý học cũng như y học.
Đồng quan điểm, giáo sư Mike Caterina của trường y dược John Hopkins (JHSM) cho biết nghiên cứu của Julius và Patapoutian là một sự kiện vô cùng trọng đại trong mảng xúc giác cơ thể người.
“Đây là nghiên cứu mang tầm cỡ đột phá trong mảng xúc giác. Mọi người đều biết hệ thần kinh sẽ nhận tín hiệu nhưng không rõ cơ chế ở cấp phân tử là như thế nào”, giáo sư Caterina nhấn mạnh.
Nguồn ảnh: Reuters
Quay trở lại với giáo sư Julius, ông cho biết mình đã bất ngờ đến “đứng hình” và tưởng đây là một trò đùa khi nhận được cuộc gọi từ Hội đồng Nobel.
Vị giáo sư này cùng ông Patapoutian sẽ chia đôi khoản tiền thưởng hơn 10 triệu Krona, tương đương 1,14 triệu USD.
Hiện giải y học là phần thưởng đầu tiên trong chuỗi giải Nobel được trao trong năm nay. Do ảnh hưởng của đại dịch nên đây đã là năm thứ 2 lễ tổ chức trao giải cũng như tiệc mừng tại Stockholm-Thụy Điển bị hủy bỏ.
*Nguồn: CNN
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị