Home Sức Khỏe Mỹ thử nghiệm vaccine ngừa HIV bằng công nghệ mRNA
Sức Khỏe

Mỹ thử nghiệm vaccine ngừa HIV bằng công nghệ mRNA

Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) khởi động thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một đánh giá ba loại vaccine HIV dựa trên công nghệ mRNA.

Đây là công nghệ được sử dụng trong các loại vaccine Covid-19 phổ biến như Pfizer và Moderna. Nghiên cứu có tên gọi HVTN 302, do Mạng lưới Thử nghiệm vaccine HIV tiến hành, NIAID cho biết hôm 14/3. Thử nghiệm diễn ra tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle.

Anthony Fauci, Giám đốc NIAID, cố vấn cấp cao của Nhà Trắng về Covid-19, cho biết: “Việc tìm ra một loại vaccine HIV từ lâu là thách thức khoa học khó khăn. Với sự thành công của vaccine Covid-19 an toàn và hiệu quả cao, chúng tôi có cơ hội tuyệt vời để tìm hiểu công nghệ mRNA có thể đạt được kết quả tương tự, nhằm chống lại sự lây nhiễm HIV hay không”.

Vaccine mRNA nói chung hoạt động bằng cách cung cấp vật liệu di truyền, hướng dẫn cơ thể tạo ra một loại protein của mầm bệnh mục tiêu (chẳng hạn virus) để hệ miễn dịch nhận diện và ghi nhớ. Từ đó, cơ thể tạo ra phản ứng khi tiếp xúc với mầm bệnh thực tế.

Nghiên cứu HVTN 302 sẽ kiểm tra xem ba loại vaccine HIV mRNA có an toàn, hiệu quả hay không. Mỗi ứng viên vaccine được thiết kế để trình diện protein đột biến trên bề mặt HIV – loại protein tạo điều kiện thuận lợi cho virus xâm nhập tế bào người. Các vaccine mã hóa cho những protein khác nhau, nhưng đều mang tính ổn định và có mối liên hệ cao. Không vaccine nào trong số ba loại có thể khiến người dùng nhiễm HIV.

Hình ảnh hiển vi điện tử cho thấy một tế bào bị nhiễm virus HIV. Ảnh: NIAD

Hình ảnh hiển vi điện tử cho thấy một tế bào bị nhiễm virus HIV. Ảnh: NIAD.

Nghiên cứu HVTN 302 sẽ tuyển dụng 108 tình nguyện viên trưởng thành, tuổi từ 18 đến 55 tại Mỹ. Mỗi người tham gia được chỉ định ngẫu nhiên vào một trong 6 nhóm. Mỗi nhóm được tiêm chủng ba lần bằng ba loại vaccine. Ba nhóm đầu tiên tiêm bắp 100 mcg trong lần đầu tiên. Các nhóm còn lại sẽ được tiêm liều 250 mcg. Họ được đánh giá hai tuần sau để đảm bảo các tiêu chí cần đáp ứng.

Các nhà khoa học từ đó kiểm tra phản ứng an toàn và miễn dịch, thông qua xét nghiệm máu và hạch bạch huyết. Nhân viên y tế sẽ giám sát chặt chẽ tình trạng sức khỏe, sự an toàn của tình nguyện viên trong quá trình nghiên cứu. Thử nghiệm dự kiến kết thúc vào tháng 7/2023.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), HIV tiếp tục là vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu trong những năm gần đây. Căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của 36,3 triệu người. HIV vẫn chưa có cách chữa trị, người bệnh chỉ sử dụng các loại thuốc dự phòng như ARV để kiểm soát sự phát triển của virus, khiến HIV không thể tiến triển thành AIDS.

Theo VnExpress.net

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Gạo có 5 dấu hiệu này nhất quyết đừng mua vì có thể chứa chất gây ung thư gan

Theo chuyên gia dinh dưỡng, gạo là một trong số các thực...

Nghiên cứu mới nhất của Úc cho thấy một điều đặc biệt ở trẻ sinh mổ

Sinh mổ được xem là phương pháp tối ưu trong những trường...

Cô bé gần 2 tuổi hết sạch 100 khối u khiến bác sĩ cũng ngỡ ngàng

Khi Rachael Young chào đời với hơn 100 khối u trong cơ...