Trước chuyến đi băng qua nước Pháp để sang Anh, ông Hải gọi cú điện thoại cuối cùng về nhà, nhưng từ đó bặt vô âm tín.
“Ba ơi, 13 năm qua ba ở đâu. Ba có còn tồn tại đâu đó trên cuộc đời này không. Mọi người vẫn đồn nhau ba mất rồi, đừng tìm kiếm ba nữa, nhưng hôm qua trong giấc ngủ, con lại thấy ba. Con thấy ba trở về với chiếc ba lô sờn cũ. Ba ôm lấy con, rồi hai ba con mình cùng khóc…
Trái tim con mách bảo rằng ba vẫn còn, ba vẫn cười, ba vẫn tồn tại, chỉ là ba đang ở một nơi nào đó không có con, không có mẹ, không có anh chị, không có họ hàng. Dù là một tia hy vọng nhỏ nhoi, con và anh chị sẽ không bỏ cuộc”.
Đó là những dòng chia sẻ của Phạm Thành Vinh, 24 tuổi, phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò, Nghệ An, trong bức thư đăng tải mới đây. Ông Phạm Văn Hải, bố anh, sinh năm 1963, đã mất tích 13 năm trước trên chuyến xe xuyên nước Pháp.
Từ đó đến nay, nhà Vinh đã đăng hàng trăm mẩu tin trên các page cộng đồng người Việt ở nước ngoài hy vọng có thông tin về ông, nhưng như “mò kim đáy bể”.
Ông Hải đi theo một đường dây sang Đức làm ăn năm 2002, sau nhiều năm ở nhà buôn cá nhưng không dư dả. Bốn năm làm xây dựng ở một công trường gần Berlin, ông cũng gửi được tiền về cho vợ mình, trả gần hết số nợ lo cho ông đi, ước chừng 3.000 đôla.
Kinh tế dần trở nên khó khăn, ông Hải quyết định tìm cơ hội mới. Một đêm tháng 3/2006, ông lên chuyến xe tải vượt biên từ Đức sang Anh, cùng với 5 người Việt khác, tất cả ngồi sau thùng xe. Nếu trót lọt, xe sẽ tới nơi sau khoảng 6 tiếng.
Ông Phạm Văn Hải (bên phải) chụp ảnh cùng một người bạn. Ông mất tích ở địa phận nước Pháp, khi đang đi xe từ Đức sang Anh năm 2006. Ảnh: T.V. |
Chiều hôm đi, ông điện về nhà, giọng hồ hởi, dặn mọi người đừng lo, “sẽ về khi kiếm đủ tiền xây nhà 2 tầng cho các con”. Nhưng đó là cuộc điện thoại cuối cùng của ông.
Sau này, có người đi cùng chuyến xe hôm đó kể, trước khi lên xe, họ được dặn dò nếu chủ xe hô có biến, lập tức phải nhảy xuống ngay. Khi tới địa phận nước Pháp, lúc nửa đêm, thấy phía trước ồn ào, nghi có kiểm tra, chủ xe ra tín hiệu, 5 người cùng đoàn vội vã ôm hành lý nhảy xuống, chỉ có ông Hải vẫn ngồi lại, không rõ vì sao.
Từ đêm đó, thi thoảng bà Thảo, vợ ông, lại nhận được điện thoại lúc 2 giờ sáng, nhưng đầu dây bên kia im lặng. “Một lần nửa đêm, tôi nhấc máy, nghe thấy tiếng rên ‘ư ử’ trong điện thoại. Tôi vội vàng cúp máy”, bà kể. Những cuộc gọi “ma” ấy xuất hiện trong tháng sau ngày ông Hải mất tích, rồi chấm dứt. Trước đây, mỗi tháng ông gọi về nhà 1-2 lần, bằng điện thoại hoặc qua webcam từ quán internet.
Cả năm trôi qua trong im lặng, bà Thảo và các con vẫn hy vọng ông đang bị ốm, hay xấu nhất là bị giam, và sẽ gọi về sau. Ba người họ hàng ở Đức đã nhờ các mối thân quen ở Anh, Pháp, dò hỏi tin từ các khu lao động, nhập cư, lân la hỏi cả các trại giam…, đều bặt vô âm tín.
“Ban ngày mẹ vẫn cứng rắn, vẫn an ủi động viên chúng tôi ba sẽ về sớm thôi. Nhưng có lần tôi tỉnh giấc, thấy mẹ ngồi khóc giữa đêm, nước mắt rơi nhòe cả 6-7 bức thư ba gửi về trước đó”, Vinh, người con út, kể lại.
13 năm qua, bà Thảo nghe được nhiều luồng thông tin khác nhau: Có người bảo nhìn thấy ông Hải bị mất trí nhớ, lang thang ở bến tàu, gần chân tháp Eiffel, có người lại bảo ông đã lấy vợ khác, cũng có người bảo đừng hy vọng gì nữa… Nhưng mọi thứ vẫn rất mơ hồ, không thể xác thực.
Hy vọng ngày càng mong manh, những tờ rơi, thông báo tìm ông Hải trên các cộng đồng Việt ở nước ngoài vẫn đều đặn được gia đình họ phát đi mỗi năm. Không biết ngoại ngữ, Vinh và hai anh chị năm lần bảy lượt nhờ người quen biết dịch hộ sang tiếng Pháp, Anh, Đức, đăng trên các trang mạng xã hội. Anh trai của Vinh vài năm trước đi lao động xuất khẩu ở Đài Loan cũng đăng lên các fanpage ở đây, hy vọng có ai đó ra nước ngoài từng nhìn thấy cha mình.
Năm 2016, kỳ vọng sẽ sang châu Âu để tăng cơ hội tìm thấy ba, cậu con trai út Thành Vinh nộp hồ sơ vào một trung tâm du học ở TP HCM. Cậu học tiếng Đức, chuẩn bị mọi thủ tục cùng số tiền 300 triệu đồng. Nhưng một ngày, giám đốc trung tâm người nước ngoài biến mất. Lúc này, Vinh mới biết bị lừa.
Số tiền dành dụm của mẹ tan biến, Vinh tuyệt vọng nói hay cho cậu đi vượt biên như cha đợt trước, nhưng mẹ nhất quyết phản đối. Bà sợ con trai sẽ biến mất như chồng.
Chàng trai 24 tuổi tâm sự vài năm trở lại đây, mẹ cậu theo đạo Phật, ăn chay, để thanh thản hơn. Bà nói “không gặp lại được nhau có lẽ là duyên phận”. Nhưng Vinh và hai anh chị không muốn bỏ cuộc. Hình ảnh người cha chở 3 chị em đi ăn kem, lời hứa “sẽ trở về mua cho con quần áo đẹp” vẫn trở lại trong giấc mơ của Vinh, thôi thúc cậu phải làm điều gì đó.
Khoảng một tháng trở lại đây, Vinh và hai anh chị tiếp tục đăng thông tin tìm cha lên nhiều fanpage.
“Tôi không thể ngăn các con tìm ba của chúng. Hy vọng ông ấy vẫn còn sống, dù đang ở đâu, làm gì cũng được. Với tôi, đó luôn là người đàn ông tốt nhất, yêu thương vợ con nhất. Nếu ông không liên lạc, chắc hẳn có lý do đặc biệt nào đó”, bà Thảo nói.
Sắp tới gia đình sẽ đăng thông tin lên các trang mất phí ở nước ngoài để tăng khả năng tìm kiếm, dù “có thể sẽ mất thêm nhiều năm nữa, dù chỉ biết một chút thông tin”, Vinh nói.
“Ba ơi, gia đình mình không còn cực khổ, cơ hàn như những ngày xưa. Nhưng khi có tất cả rồi lại chẳng có ba. Con mong đợi một phép màu mang ba trở về. Chúng ta nợ nhau một cuộc đoàn tụ”, Vinh viết trong bức thư gửi cho cha.
Theo Vnexpress