Home Kinh Tế “Thế giới nhìn đến Việt Nam như một biểu tượng của kỷ nguyên hậu Covid”
Kinh Tế

“Thế giới nhìn đến Việt Nam như một biểu tượng của kỷ nguyên hậu Covid”

Trao đổi với PV, PGS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), cho rằng, quá trình phục hồi hậu đại dịch cần một cuộc cải cách sâu rộng và mạnh mẽ với tầm nhìn Việt Nam 2045 chứ không đơn thuần là cải thiện môi trường kinh doanh và phấn đấu dựa trên mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn.

"Thế giới nhìn đến Việt Nam như một biểu tượng của kỷ nguyên hậu Covid"

Động lực và định tố quan trọng nhất cho công cuộc phát triển của Việt Nam các năm tới là sự nỗ lực và bước tiến trong tạo lập nền móng vững chắc một quốc gia tiên tiến vào năm 2045.

Vì vậy, mỗi bước đi cải cách hay quyết sách đầu tư đều cần thấm nhuần mục tiêu chiến lược này.

Việt Nam vừa làm vừa học trong biến cố khó lường như Covid-19

Dư âm những tác động từ dịch bệnh vẫn còn. Song đến thời điểm này, một tín hiệu tích cực là ít ai còn nói đến những khó khăn vì dịch bệnh nữa mà nhắc nhiều hơn đến phục hồi. Ông có nghĩ nền kinh tế đang thoát dần khỏi cái bóng Covid-19, bước sang một trang mới?

– Đại dịch Covid-19 là một biến cố đã làm cả thế giới kinh hoàng, bấn loạn. Nó buộc hầu hết các nước phải đưa ra những biện pháp hạn chế khắc nghiệt chưa từng có, đặc biệt trong đi lại, hoạt động sản xuất kinh doanh, giáo dục và sinh hoạt cộng đồng.

Đại dịch đã gây nên những tổn thất to lớn chưa từng có cho thế giới, cả về kinh tế và sinh mạng. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, chúng ta cũng thấy được điểm tích cực của đại dịch Covid-19. Nó đã thúc đẩy nhiều quốc gia nỗ lực mạnh mẽ hơn trong chuyển đổi số, chấp nhận quả cảm hơn trước đổi thay và nâng cao khả năng ứng đáp linh hoạt trước các thách thức khắc nghiệt bất thường.

Thế giới nhìn đến Việt Nam như một biểu tượng của kỷ nguyên hậu Covid - 3

Đại dịch Covid-19 cũng làm cho mỗi cá nhân, doanh nghiệp và Chính phủ thấy rõ hơn giá trị của sự thanh bình và những cơ hội phát triển và hợp tác.

Thế giới cũng bắt đầu nhìn đến Việt Nam như một biểu tượng đang nổi lên của kỷ nguyên hậu Covid với khả năng mạnh lên sau đại dịch.

Nếu nhìn lại cả một hành trình, ông nghĩ chúng ta đã làm tốt những gì và thẳng thắn ra, cần rút kinh nghiệm điều gì?

– Đại dịch Covid-19 buộc mỗi quốc gia bộc lộ hết thảy những điểm mạnh yếu của mình. Về điểm mạnh, Việt Nam nổi lên như một quốc gia có bản lĩnh, tỉnh táo trong học hỏi, quả cảm rút ra những bài học đắt giá từ thực tế khắc nghiệt, và khả năng đưa ra những quyết sách linh hoạt và sáng suốt.

Chiến dịch huy động và tiêm phủ vaccine toàn dân, chiến lược sống chung với Covid-19 khi tình thế đã được kiểm soát, sự quyết đoán mở cửa, và thành công ấn tượng của SEA Games với những sân vận động chật kín và đầy khí thế là những minh chứng sống động.

Việt Nam cũng rất thành công trong quản lý vĩ mô và cải thiện môi trường đầu tư, duy trì tăng trưởng dương 2 năm đại dịch, năm 2020 và năm 2021. Ngân sách lành mạnh, đồng nội tệ ổn định, dự trữ ngoại tệ vượt 100 tỷ USD, và các nhà đầu tư nước ngoài thấy những cơ hội lớn và lâu dài hơn trong đầu tư vào Việt Nam. Hơn nữa, nền kinh tế thể hiện sức chống chọi cao khi cuộc chiến tranh Nga – Ukraine làm nhiều quốc gia rơi vào tình trạng chao đảo.

Về điểm yếu, chúng ta vẫn chưa có những cải cách đủ mạnh để tạo lập một thiết chế mạnh mẽ và hiệu lực cao cho những nhiệm vụ sống còn. Nếu chúng ta ý thức cao hơn sự hệ trọng của nhiệm vụ này thì sẽ không xảy ra sự vụ tham nhũng liên quan đến bộ thử Covid-19 Việt Á. Một thể chế mạnh mẽ và hiệu lực cao sẽ giúp nhiều người bình thường trở thành anh hùng khi đảm nhiệm những nhiệm vụ gian khó.

Thế giới nhìn đến Việt Nam như một biểu tượng của kỷ nguyên hậu Covid - 4

Chúng ta thực sự đang đứng trước những đòi hỏi rất cấp bách trong việc tạo lập nên một nền móng vững chắc cho đất nước trở thành một quốc gia hiện đại phát triển vào năm 2045.

Về mặt này, chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm gần đây của Ấn Độ. Mặc dù đi sau Việt Nam trong cải cách và có nhiều trở ngại thể chế nhưng họ đang tiến rất nhanh trong xây dựng hệ thống đường cao tốc (hoàn thành trung bình 50 km mỗi ngày và 18.000 km mỗi năm) và đầu tư phát triển điện tái tạo với nhịp độ ngày càng nhanh và tầm nhìn lớn (đầu tư 40-50 tỷ USD/năm vào điện tái tạo, coi đây là một ưu tiên chiến lược để hiện đại hóa hệ thống điện quốc gia và hạ giá thành điện sản xuất xuống mức khoảng 0,05-0,06 USD/kwh).

Trên phương diện này, chúng ta mặc dù có quyết tâm rất lớn nhưng tiến bộ còn rất chậm. Cụ thể là, chúng ta chỉ xây được hơn 1.200km cao tốc trong 10 năm qua; nghĩa là 3 ngày mới làm được 1km.

Bên cạnh đó, quy hoạch điện 8, dù đã có những bước tiến vượt bậc, vẫn chưa tạo ra một nền tảng chiến lược cần thiết để Việt Nam có thể tiến nhanh đến đẳng cấp của một quốc gia tiên tiến vào năm 2045.

Ông có thể chia sẻ một vài trải nghiệm cá nhân về những tiến triển mới đây của Việt Nam khi đất nước đang từng bước ra khỏi đại dịch?

– Trước hết, nhờ ứng dụng rộng rãi của các ứng dụng giao tiếp từ đại dịch Covid-19, tôi đã có được rất nhiều cuộc trao đổi và tiếp xúc với các cán bộ chính quyền trung ương và địa phương cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Một cảm nhận chung là sự sống động nỗ lực vươn lên và sự khát khao tham khảo học hỏi kinh nghiệm thế giới. Với động thái này, Việt Nam sẽ mạnh lên rất nhanh trong thời gian tới khi không gian số và không gian thực hội tụ ngày càng sâu.

Thứ hai, qua gặp mặt và trao đổi trực tiếp, tôi thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Singapore đang có những kế hoạch táo bạo để khai thác sức mạnh cộng hưởng của hai nước hậu Covid; đặc biệt trong lĩnh vực điện tái tạo, du lịch và thương mại. Nhiều kế hoạch đã được dồn nén, ấp ủ trong 2 năm đại dịch nên được chuẩn bị khá kỹ với quyết tâm lớn.

Thứ ba, chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hoa Kỳ trong dịp Hội Nghị Thượng đỉnh Đặc biệt ASEAN-  Hoa Kỳ vừa qua giúp Việt Nam tạo một ấn tượng lớn trong cộng đồng học giả quốc tế về một Việt Nam có quan điểm rõ ràng, bản lĩnh, sáng suốt và trách nhiệm.

Bài phát biểu của ông (phiên bản tiếng Anh) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) rất uy tín của Mỹ phát trên mạng Youtube đã được hàng chục nghìn lượt xem.

Chậm mở cửa, chúng ta có lỡ nhịp so với thế giới?

Vậy về chuyện mở cửa, chuyển sang thích ứng linh hoạt với Covid-19, ông có nghĩ đáng lẽ chúng ta nên làm sớm hơn?

– Mở cửa, phục hồi và phát triển hậu đại dịch là cuộc “chạy” đường trường. Tôi nghĩ chúng ta đã làm khoa học và đúng thời điểm. Công cuộc phát triển của Việt Nam có đi nhanh và xa được hay không tùy thuộc nhiều vào nền tảng và khả năng vượt qua thách thức hơn là nhanh chậm nắm bắt một vài cơ hội cụ thể.

Thế giới nhìn đến Việt Nam như một biểu tượng của kỷ nguyên hậu Covid - 8

Hồi cuối năm ngoái, nhiều chuyên gia nói về câu chuyện liệu Việt Nam có lỡ nhịp với thế giới?

– Tôi lại không nghĩ Việt Nam tụt hậu hay lỡ nhịp. Năm nay tăng trưởng kinh tế chúng ta tốt. Dự báo quốc tế đều đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam cao so với hầu hết các nước trong khu vực, kể cả Trung Quốc, với mức tăng trưởng khoảng trên 6% trong năm nay và năm 2023.

Thế giới nhìn đến Việt Nam như một biểu tượng của kỷ nguyên hậu Covid - 10

Mặc dù tăng trưởng trong quý I mới được 5% nhưng theo nhận định của tôi, trong bối cảnh kiểm soát Covid-19 tốt và tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine dần dần giảm nhiệt thì quý II của Việt Nam có thể đạt khoảng 6%, quý III là 7%, quý IV là 7-8%. Như vậy khả năng đạt 6-6,5% như mục tiêu đặt ra là khá hiện thực mặc dù vẫn còn nhiều ẩn số trong một thế giới đầy những biến động khó lường như hiện nay.

Điều tôi tâm đắc và muốn nhấn mạnh là chúng ta đang đúng trong quan điểm phát triển vững chắc. Tạo được tâm thế tốt cho người dân và doanh nghiệp và nỗ lực tối đa để họ nắm bắt các cơ hội toàn cầu nên là ưu tiên hàng đầu. Kinh nghiệm của Sri Lanka vừa qua cho thấy, nếu thiếu tầm chiến lược và ý thức ổn định vĩ mô thì gói tài trợ dù lớn và được triển khai nhanh cũng không tạo nên kết quả tốt. Nó thậm chí đã gián tiếp tạo nên những rối loạn kinh tế và chính trị gần đây ở Sri Lanka.

Đâu là thuận lợi, đâu là cản trở khi phục hồi?

Ông vừa nhắc tới việc chúng ta có tiền đề, điều kiện để phục hồi, ông có thể làm rõ hơn về ý này? Và liệu điều gì khiến ông lo lắng sẽ cản trở tiến trình phục hồi của Việt Nam?

– Từ một cái nhìn tổng quan, Việt Nam đang ra khỏi đại dịch với sức bật mới và những triển vọng thuận lợi trong cả tăng trưởng và thu hút đầu tư nước ngoài. Vị thế đất nước đang tiếp tục tăng lên.

Tuy nhiên, trong 3 động lực chủ đạo của công cuộc phát triển như đã nói ở trên – Tâm thế, Khai sáng và Kiến tạo thì Việt Nam còn hạn chế ở động lực thứ ba – Kiến tạo; trong khi rất mạnh ở động lực Tâm thế và khá mạnh ở động lực Khai sáng.

Để Kiến tạo trở thành một động lực mạnh mẽ ngang tầm với khát vọng phát triển của dân tộc, chúng ta không chỉ cần có tư duy đột phá mà cả tầm nhìn có tính cách mạng để xây dựng nền móng của một quốc gia hiện đại với tầm nhìn Việt Nam 2045.

Nếu thiếu tầm nhìn này, chúng ta không thể có một bộ máy công quyền ưu tú và một nền kinh tế thực sự tiên tiến. Vì vậy, với Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới này, cải thiện môi trường kinh doanh và nỗ lực thu hút đầu tư không đủ để tạo nên những bước tiến kỳ vĩ cho công cuộc phát triển. Nghĩa là chúng ta sẽ khó đi từ tốt (“good”) đến tuyệt vời (“great”) trong công cuộc phát triển nếu không có những cải cách có tính bước ngoặt.

Thế giới nhìn đến Việt Nam như một biểu tượng của kỷ nguyên hậu Covid - 12

Ông có thể đưa ra một ví dụ có tính minh họa và nỗ lực cải cách vượt bậc này?

– Tôi cho rằng, quyết tâm xây dựng hệ thống điện Việt Nam tiên tiến có đẳng cấp của các nước G7 trong 2-3 thập kỷ tới sẽ giúp Việt Nam có một “Điện Biên Phủ trong công cuộc phát triển”. Nó không chỉ giúp Việt Nam đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2045 trước sự kinh ngạc của thế giới mà còn giúp Việt Nam có một đội ngũ chuyên gia hùng hậu giúp thế giới đang phát triển nắm bắt cuộc cách mạng xanh trong sự cộng hưởng với cuộc cách mạng số.

Hiện nay, Chính Phủ đã có nỗ lực rất lớn trong soạn thảo quy hoạch điện 8 cho phát triển ngành điện Việt Nam cho tới năm 2030 với tầm nhìn đến 2045. Tuy nhiên, cách tiếp cận hiện nay cần có đột phá căn bản về tư duy bước đi cách mạng về tầm nhìn. Vào năm 2045, quy mô ngành điện nước ta sẽ lớn hơn các nước G7, trừ Mỹ. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thể có một hệ thống điện tiên tiến hàng đầu thế giới vào năm 2045 khi chúng ta đã trở thành một nước công nghiệp phát triển.

Thế giới nhìn đến Việt Nam như một biểu tượng của kỷ nguyên hậu Covid - 14

Trong nghiên cứu của mình, tôi thấy các nước, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ đang có nỗ lực rất lớn trong xây dựng hệ thống điện thông minh, khai thác tối đa năng lượng tái tạo cùng với đầu tư mạnh mẽ vào các nguồn tích trữ năng lượng để không chỉ đảm bảo đủ điện mà còn tăng độ tin cậy của hệ thống và giảm giá thành.

Việt Nam cần lưu ý là trong hệ thống điện thông minh, toàn xã hội có thể tham gia cung ứng và tích trữ điện năng theo thời gian ở mức giá dựa trên cung cầu. Như vậy, khi đó, doanh nghiệp và các hộ dân cùng tham gia với ngành điện trong hệ thống cung cấp và tiêu thụ điện một cách hài hòa, linh hoạt.

Với tầm nhìn này, Việt Nam có thể dễ dàng thu hút 300-500 tỷ USD với lãi suất thấp vào phát triển và chuyển đổi ngành điện trong 20-25 năm tới. Khi đó, Việt Nam sẽ có một hệ thống điện không thua kém bất kỳ quốc gia tiên tiến nào và đó là một minh chứng khẳng định Việt Nam thực sự bước vào hàng ngũ các quốc gia phát triển.

Điều cần nhấn mạnh thêm là nỗ lực này sẽ giúp tăng cường an ninh năng lượng của Việt Nam một cách căn bản. Nó không chỉ giúp đất nước giảm mức nhập khẩu hàng chục triệu tấn than hiện nay mà còn giúp giá thành điện giảm đáng kể trong các thập kỷ tới.

Thế giới nhìn đến Việt Nam như một biểu tượng của kỷ nguyên hậu Covid - 16

Không riêng gì Việt Nam, cả thế giới đang đối mặt với nỗi lo lạm phát hậu đại dịch? Ông có nghĩ đây là yếu tố cản trở quá trình phục hồi của chúng ta?

– Tôi không nghĩ là lạm phát sẽ kéo chậm lại quá nhiều chương trình phục hồi của chúng ta. Nhưng sự ảnh hưởng của nó tới người dân là có, đặc biệt là đối tượng yếu thế. Nhưng điều này cũng không tránh được vì ảnh hưởng biến động quốc tế. Tuy nhiên, cũng may là Việt Nam có thế mạnh nông nghiệp nên nguồn cung lương thực thực phẩm vẫn dồi dào, không quá lo lắng về an ninh lương thực.

Thêm nữa, hiện nay lạm phát vẫn mang tính cục bộ, ngắn hạn. Việc cần làm là tổ chức sản xuất hợp lý hơn. Không còn cách nào khác phải biến thách thức thành cơ hội. Tôi ví dụ như việc giá xăng dầu lên cao thì cũng là lúc thúc đẩy tiết kiệm chi phí và phát triển nhanh năng lượng tái tạo.

Làm sao để các tỉnh có tiềm năng lớn về nắng và gió đều có thể khai thác triệt để lợi thế vĩnh cửu này và có thể trở thành những địa phương giàu có và trong lành nhất ở Việt Nam các thập kỷ tới.

Thế giới nhìn đến Việt Nam như một biểu tượng của kỷ nguyên hậu Covid - 17

Cơ hội để vực dậy nền kinh tế hậu đại dịch rất lớn, song thách thức cũng không nhỏ khi cả thế giới đang vật lộn khi chi phí đẩy rất lớn. Ông đánh giá như thế nào về những thách thức này?

– Quả thực hiện doanh nghiệp đang phải đối mặt với đợt chi phí đẩy rất cao. Nhưng như tôi đã nói, đó là bối cảnh không thể khác vì nó là vấn đề quốc tế. Không còn cách nào khác doanh nghiệp phải cơ cấu lại chi phí đầu vào. Nhân dịp này thúc đẩy tiết kiệm, cân đối các vấn đề chi phí, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tìm ra những sản phẩm và dịch vụ mới tinh tú có giá trị tạo nên từ sức mạnh cộng hưởng.

Ông có thể chia sẻ sâu hơn là nếu đứng từ góc độ doanh nghiệp thì cần làm gì trong bối cảnh hiện nay?

– Doanh nghiệp Việt không còn cách nào phải nhận diện rõ xu thế thời đại với những thay đổi căn bản. Đừng lệ thuộc quá nhiều vào cách đi đã làm nên thành công trong quá khứ.

Tôi cũng lưu ý đến tính liên kết của doanh nghiệp Việt. Khả năng cộng hưởng với nhau vẫn còn hạn chế. Phát triển nhiều ngành nghề vẫn còn tăng trưởng bề rộng mà chưa cải thiện được chiều sâu.

Tôi thấy rất tâm đắc với chiến lược của một số doanh nghiệp Việt Nam sang Singapore mở kênh tiếp cận trực tiếp với khách du lịch quốc tế để cung cấp các dịch vụ và hàng hóa cao cấp từ Việt Nam.

Một điểm yếu khá phổ biến trong các doanh nghiệp Việt Nam là thiên lệch nhiều vào nắm bắt cơ hội trong khi không thấy hết những thách thức “cốt tử” đang rình rập. Nhiều doanh nghiệp còn chú trọng vào phát đạt (lợi nhuận và danh tiếng trong ngắn hạn) hơn là vào phát triển (nền móng dựa trên lòng tin của xã hội, năng lực của cán bộ giỏi, và tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo).

Giúp đỡ doanh nghiệp không chỉ là bơm tiền

Ông có thể chia sẻ một vài gạch đầu dòng những điểm đáng lưu ý trong việc đề ra các quyết sách chiến lược thời gian tới?

– Rõ ràng thời gian tới Việt Nam phải quyết liệt hơn giải quyết các bài toán lớn về năng lực đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, nâng cao năng suất lao động, cải cách thể chế để bộ máy công quyền và khu vực quốc doanh phát huy tối đa tiềm năng và vị thế của mình. Trong đó vấn đề thể chế cần đặc biệt lưu tâm, cán bộ Việt Nam có năng lực nhưng còn rất yếu về động lực.

Như trong bóng đá, dù là nam hay nữ, họ cần được xem như những thành viên của đội tuyển bóng đá quốc gia. Họ cần được tuyển chọn và được cả xã hội ủng hộ hết mình để làm nên những kỳ tích mà cả dân tộc có thể tự hào, không chỉ cho thế hệ hôm nay mà cả nhiều thế hệ mai sau. Hiện nay, chúng ta vẫn còn nhiều cầu thủ cá độ hoặc đi lững thững trong những trận đấu quyết liệt, có tính sống còn.

Thế giới nhìn đến Việt Nam như một biểu tượng của kỷ nguyên hậu Covid - 21

Thế giới nhìn đến Việt Nam như một biểu tượng của kỷ nguyên hậu Covid - 22

Với mỗi nhiệm vụ ưu tiên chiến lược từ đổi mới sáng tạo đến nâng cao năng suất lao động; từ chuyển đổi số đến chuyển đổi xanh, từ xây dựng đường cao tốc đến tiết kiệm năng lượng, chúng ta cần có một quỹ đủ hỗ trợ đủ lớn có tính nội sinh (quỹ càng tăng khi tiến bộ càng lớn) và một nhóm lãnh đạo chịu trách nhiệm toàn tâm toàn ý.

Khi đó toàn dân có thể theo dõi các kết quả đạt được và hướng đi mới từng lĩnh vực thông qua các báo cáo chi tiết hàng năm mà lãnh đạo của mỗi lĩnh vực có trách nhiệm soạn thảo một cách sâu sắc và chiến lược nhất có thể.

Với Việt Nam, trong hoàn cảnh đầy biến động và bất ổn của môi trường toàn cầu, sự giúp đỡ lớn nhất với doanh nghiệp là tầm nhìn sáng rõ về tương lai, những sáng kiến cải cách mạnh mẽ, nỗ lực tối đa trong học hỏi kinh nghiệm hay của thế giới vào thực tế Việt Nam. Nền tảng vĩ mô vững chắc, nền kinh tế có sức chống chịu cao, và bộ máy công quyền ưu tú chứ không phải là bơm tiền kích thích là sự hỗ trợ lớn nhất doanh nghiệp mong đợi.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!

Theo Dantri.com.vn

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Khách mất đồng hồ 300 triệu khi qua máy soi chiếu ở sân bay Phú Quốc

Chiếc đồng hồ đắt tiền của hành khách “biến mất” sau khi...

24 con thỏ hủy hoại nền kinh tế Úc

Khi 24 con thỏ Anh được đem đến Úc như món quà...

Các nhà khoa học Úc kêu gọi thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ với Việt Nam

Trong cấp độ song phương, các nhà nghiên cứu Úc cho rằng...

Xuất hành đưa nhãn muộn Yên Thế sang thị trường Úc

Chiều 19/8, tại thôn Đồng Lân, xã Đồng Kỳ, UBND huyện Yên...