Home Cộng Đồng Vụ trẻ tử vong trên xe đưa đón: “Bên Úc, để con trên xe ô tô một mình 5 phút là đã bị phạt tù rồi”
Cộng Đồng

Vụ trẻ tử vong trên xe đưa đón: “Bên Úc, để con trên xe ô tô một mình 5 phút là đã bị phạt tù rồi”

Từ vụ học sinh trường Gateway tử vong trên xe bus đến các sự việc xảy ra sau đó như 3 trẻ mầm non bị bỏng nặng ở Hà Nam do cô giáo đốt cồn dạy kỹ năng sống; cô giáo cơ sở mầm non Maple Bear (Hà Nội) nhốt phạt trẻ trong tủ,… đang khiến người dân Việt dậy sóng.

Báo Alo Úc xin trích dẫn lại cuộc trao đổi giữ báo GĐ&XH và Thạc sỹ Nguyễn Sóng Hiền – Hiện đang là nghiên cứu sinh chuyên ngành giáo dục tại Đại học Newcastle (Úc), thành viên Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA).

Thạc sỹ Nguyễn Sóng Hiền – Nghiên cứu sinh tại Đại học Newcastle (Australia), thành viên Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA). Ảnh: NVCC

Còn bất cập trong công tác quản lý trường tư

Xin ông cho biết cảm nhận của mình trước những vụ việc xảy ra gần đây liên quan đến lĩnh vực giáo dục?

-Hàng loạt sự kiện đau lòng lại xảy ra với ngành giáo dục nước nhà, lần này không phải môi trường giáo dục công mà là khu vực giáo dục tư. Tôi không muốn khơi lại sự việc cậu bé mất trên xe đưa đón vì sự tắc trách của người lớn vì chỉ gây thêm nỗi đau cho gia đình, tổn thương đến những thầy cô tâm huyết với nghề.

Tuy nhiên, với tư cách là người làm trong ngành giáo dục khiến tôi không vì thế mà có thể làm ngơ với các sự kiện đó. Tìm nguyên nhân và hướng giải quyết các vấn đề trên là điều cần thiết để tránh không lặp lại là điều nên làm vào lúc này.

Qua những sự việc trên, ngoài nguyên nhân có thể là do sai sót cá nhân, theo ông, còn nguyên nhân nào khác không?

-Nguyên nhân đầu tiên phải nói đến chính là sự quản lý về mặt nhà nước của cơ quan chủ quản. Chủ trương xã hội hóa giáo dục là hết sức đúng đắn trong đó khuyến khích các tổ chức, cá nhân có năng lực điều kiện tham gia vào phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học.

Nhưng nhìn lại không ít sự việc xảy ra trong khối trường tư hiện nay, một câu hỏi đặt ra: ngành giáo dục đã thật sự quan tâm, kiểm tra, đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động của những trường tư này chưa? Tại sao khi sự việc xảy ra dư luận mới biết đó là những trường mạo danh “quốc tế”?

Điều đó gì cho thấy, công tác quản lý đào tạo của chúng ta đang bộc lộ bất cập?

-Khi sự việc tại trường Gateway đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ lại tới sự việc trẻ mầm non bị nhốt trong tủ. Liệu các trường sư phạm có cần phải xem lại chất lượng đào tạo không khi mà liên tiếp các giáo viên dùng các hình phạt bạo lực để răn dạy trẻ?

Nhà giáo dục nổi tiếng người Ý TS.Montessori cho rằng, trong giai đoạn giáo dục mầm non 1 – 6 tuổi là giai đoạn phát triển tâm lý nổi bật nhất của trẻ và cũng là giai đoạn trẻ nhạy cảm nhất với các sự vật xung quanh. Vì vậy, những hình phạt thô bạo đó là bạo hành tâm lý trẻ, trẻ trở nên sợ hãi, rụt rè, thiếu tự tin và thậm chí có thể dẫn đến trầm cảm.

Dạy kỹ năng sống ở trẻ em hiện nay đang xem nhẹ

Ngoài câu chuyện quản lý, ông đánh giá thế nào về việc dạy kỹ năng sống của chúng ta hiện nay cho trẻ?

-Qua những vụ việc gần đây cho thấy, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh thật sự đang làm một cách hời hợt. Không phải đến sự việc này chúng ta mới cảm thấy lo lắng và bất an. Mà trước đó, hàng loạt vụ việc trẻ em chết do đuối nước khi đi tắm sông… cho thấy dạy trẻ các kỹ năng sống và sinh tồn chưa được quan tâm đúng mức.

Không ít nhà trường hiện nay còn nặng về kiến thức, đua nhau về thành tích mà bỏ quên những điều tưởng nhỏ nhặt nhưng lại quan trọng nhất trong quá trình phát triển và trưởng thành của trẻ đó chính là kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn. Ở Úc, trẻ mầm non luôn được tham gia vào các lớp dạy kỹ năng sống như: bơi lội, cách vệ sinh cá nhân, tự giác dọn dẹp đồ dùng cá nhân…

Từ những vụ việc đã qua, ông nhận thấy như thế nào về sự phối hợp giữa nhà trường – gia đình?

-Một thực trạng hiện nay là không ít phụ huynh phó mặc con mình cho nhà trường, coi giáo dục là trách nhiệm của nhà trường. Mà phụ huynh chưa tự ý thức được rằng một đứa trẻ thời gian ở trường chỉ là 8 tiếng, một năm 9 tháng như vậy phần lớn giáo dục của đứa trẻ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ giáo dục gia đình.

Theo tôi, đã đến lúc các phụ huynh hãy quan tâm đến sự phát triển, suy nghĩ, cảm xúc hàng ngày của con em mình.

Đối với các nước giáo dục tiên tiến, việc hạn chế, cũng như hướng xử lý ra sao đối với những vi phạm?

-Cũng sự việc tương tự ở Úc, khi một người mẹ chỉ để đứa con 5 tuổi trong xe 5 phút để vào cửa hàng mua đồ nhưng khi ra bị một người đi đường phát hiện báo cảnh sát, người mẹ đã phải ra tòa chịu án phạt tù và bị xem xét khả năng nuôi con.

Ở nước ta, trẻ em còn phần nào đó vẫn chưa được quan tâm đúng mức bởi người lớn, đó cũng là lý do hàng loạt vụ việc dù đã được cảnh báo, song vẫn xảy ra. Đâu đó hàng ngày tin trẻ em bị bạo hành, bị cưỡng dâm, bị đối xử thô bạo và bị lãng quên đến chết khiến cho chúng ta không khỏi bất an.

Để khắc phục những tồn tại, theo ông, chúng ta cần làm những gì?

Dường như xã hội chúng ta còn một bộ phận chưa ý thức rõ về quyền trẻ em và chưa xem trẻ em là trung tâm của mọi sự phát triển. Trẻ em phải được đặt lên vị trí ưu tiên hàng đầu vậy mới hy vọng có một thế hệ kế cận tương xứng cho sự phát triển tương lai của dân tộc.

Bảo vệ trẻ em không thể bằng các khẩu hiệu hô hào mà phải cụ thể hoá bằng hành động. Trước hết phải nghiêm trị những ai làm tổn thương đến trẻ dù là về tinh thần hay thể xác. Thứ hai, phải tạo ra một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và hạnh phúc. Nơi đó trẻ phải có được cảm giác an toàn, được tôn trọng, được che chở, sẻ chia và quan trọng nhất phải được trở thành chính mình và được tự do theo đuổi những đam mê và sở thích.

Xin cảm ơn ông!

Theo giadinh.net.vn

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *