Home Cộng Đồng Úc ‘thất vọng sâu sắc’ vì vụ công dân bị Trung Quốc giam
Cộng Đồng

Úc ‘thất vọng sâu sắc’ vì vụ công dân bị Trung Quốc giam

Úc muốn Trung Quốc làm rõ việc chuyển công dân của họ sang trại giam hình sự, trong khi Bắc Kinh khẳng định đây là công việc nội bộ. 

Tuyên bố của bà Payne đưa ra sau khi Úc nhận được tin Trung Quốc đã chuyển Yang sang trại giam hình sự. Bà cho biết Canberra đã đề nghị Bắc Kinh làm rõ lý do của quyết định này. Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Yang “liên quan tới những hoạt động phạm pháp đe dọa an ninh quốc gia”. “Chính phủ Úc thất vọng sâu sắc và bày tỏ quan ngại về quyền lợi của tiến sĩ Yang cũng như điều kiện tại nơi giam ông ấy”, Ngoại trưởng Úc Marise Payne hôm nay phát biểu, đề cập tới Yang Jun, nhà văn Úc gốc Trung Quốc bị bắt tại thành phố Quảng Châu hồi tháng một.

Nhà văn Australia gốc Trung Quốc Yang Jun. Ảnh: SBS News.

Nhà văn Úc gốc Trung Quốc Yang Jun. Ảnh: SBS News.

“Trung Quốc phản đối tuyên bố của Ngoại trưởng Úc, đồng thời kêu gọi phía Úc không can thiệp vào quá trình giải quyết hợp pháp sự việc của Trung Quốc dưới bất cứ hình thức nào, cũng như ngừng đưa ra những bình luận vô trách nhiệm”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm nay cho biết, đáp lại tuyên bố của bà Payne.

Yang, 53 tuổi, có bút danh là Yang Hengjun, rời Trung Quốc đại lục đến Hong Kong năm 1992 và trở thành công dân Úc năm 2000. Luật sư của Yang cho biết ông nằm trong danh sách những người bị Trung Quốc giám sát. Nhà chức trách Trung Quốc bắt Yang hồi tháng một, giữa lúc căng thẳng Úc – Trung Quốc gia tăng do Canberra gạt tập đoàn Huawei khỏi dự án xây dựng mạng 5G của nước này.

Bà Payne cho biết Úc đã hối thúc Trung Quốc tìm cách giải quyết trường hợp của Yang suốt nhiều tháng, đồng thời gửi thư tới Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị để yêu cầu cho Yang gặp luật sư, nhưng bị từ chối. “Chúng tôi sẽ tiếp tục gây sức ép với chính quyền Trung Quốc để yêu cầu đối xử công bằng và nhân đạo với ông Yang theo các quy định quốc tế”, bà Payne nói.

Một trường hợp khác cũng không thể sang Úc đoàn tụ với gia đình là 2 mẹ con bị các nhà chức trách Trung Quốc tịch thu hộ chiếu.

Nadila và chồng Sadam Abudusalamu đều là người Duy Ngô Nhĩ, nhóm Hồi giáo chiếm đa số tại Tân Cương, khu vực biên giới ở phía tây Trung Quốc. Năm 2013, Abudusalamu trở thành công dân Úc và kết hôn với Nadila tháng 8/2016.Ngoại trưởng Úc Marise Payne hôm 17/7 cho biết đại sứ quán Úc tại Bắc Kinh đã “chính thức yêu cầu” nhà chức trách Trung Quốc cho phép Nadila và con trai cô là Lufty rời khỏi đất nước. “Bộ sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ cần thiết cho gia đình”, bà Payne cho hay.

Nadila và con trai Lufty. Ảnh: CNN.

Nadila và con trai Lufty. Ảnh: CNN.

Sau tuần trăng mật ở Mỹ, hai vợ chồng đến Thổ Nhĩ Kỳ để thăm chị gái Nadila và cô mang thai khi đang ở đây. Abudusalamu, 29 tuổi, quay lại Úc để kiếm tiền lo cho gia đình, còn Nadila quay lại Urumqi, thủ phủ của Tân Cương, để sinh con và ở cạnh người thân.

Abudusalamu nói rằng ngay sau khi về Trung Quốc, Nadila bị tịch thu hộ chiếu không rõ lý do. Anh muốn về thăm vợ con, song đơn xin thị thực bị từ chối và anh cũng cảm thấy rất nguy hiểm khi tới Tân Cương.

Abudusalamu cố gắng trình bày hoàn cảnh gia đình cho truyền thông và giới chức Úc từ khi Nadila mắc kẹt ở Trung Quốc cùng con trai vì không có hộ chiếu. Abudusalamu chưa bao giờ được bế Lufty, cậu bé tròn hai tuổi vào tháng tới.

Chính phủ Úc cũng ra thông báo xác nhận Lufty là công dân Úc. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 17/7 cho biết ông chưa được xem thông báo của chính phủ Úc. “Nếu Úc đã cung cấp các chi tiết liên quan cho Trung Quốc thông qua các kênh song phương, Trung Quốc sẽ cung cấp hỗ trợ cần thiết như chúng tôi luôn làm”, ông Cảnh nói.

Đề nghị của chính phủ Úc được đưa ra chỉ vài ngày sau khi truyền thông nước này phát sóng bộ phim tài liệu về Tân Cương, trong đó có đề cập hoàn cảnh của gia đình Abudusalamu. Abudusalamu cho biết ngay sau khi bộ phim được phát sóng, Nadila đã liên lạc với anh và nói rằng cảnh sát đã thẩm vấn cô, đặt câu hỏi về công việc và địa chỉ của chồng cô tại Úc.

“Tôi rất hy vọng Ngoại trưởng Marise Payne sẽ gọi cho đại sứ Trung Quốc tại Canberra, cho chính quyền Trung Quốc tại Bắc Kinh. Tôi cũng rất muốn đến Urumqi để gặp con trai”, Abudusalamu nói.

Các nhà điều tra Liên Hợp Quốc nói rằng khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam trong các trại cải huấn ở Tân Cương và Trung Quốc đang ép họ phải từ bỏ đạo Hồi bằng cách ăn thịt lợn, một điều cấm kị đối với người Hồi giáo. Trung Quốc phủ nhận các cáo buộc, nói rằng đó là những trường nghề hoặc các cơ sở đào tạo nhằm giáo dục và cải tạo những người dễ bị lôi kéo vào các nhóm khủng bố cực đoan.

Theo Vnexpress

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *