Alo Úc – Ông Edward McHugh đã sống gần như cả đời trên đất Úc, thế nhưng ông đang phải đối mặt với lệnh trục xuất sau khi phạm án gần đây, bất kể việc ông giữ trong tay Hộ chiếu Úc.
Ông McHugh sinh ra ở Cook Islands, được một gia đình ở Queensland nhận nuôi vào năm ông 6 tuổi, một thời gian sau đó ông được cấp Hộ chiếu Úc. Chẳng có điều gì làm ông nghi ngờ về quyền công dân và quốc tịch Úc của mình.
Thế nhưng ở độ tuổi 50, ông đang phải đối mặt với lệnh trục xuất, một cái án khủng khiếp sẽ tách ông ra khỏi gia đình 7 người con của mình. Điều đáng nói ở đây, là lệnh trục xuất được thực hiện sau khi chính phủ Úc thu hồi hộ chiếu của ông và nói với ông rằng, thực ra chưa bao giờ ông được xem là công dân Úc.
“Tôi lớn lên ở Toowoomba, cả mẹ và cha đều là người Úc, họ chẳng bao giờ nghĩ họ phải làm gì để tôi được thừa nhận mình là công dân Úc…Tôi đã luôn nghĩ mình là người Úc,” McHugh nói với SBS News.
Đầu năm nay ông McHugh được yêu cầu phải tuân thủ lệnh trục xuất dựa trên vấn đề nhân cách theo Section 501 của Immigration Act, do một tội danh ông đã phạm phải.
Vào tháng 2 năm nay, ông McHugh đã phạm tội hành hung và đe dọa giết một người, đi cùng với tội danh đó ông đã chịu án tù trong vòng 9 tháng.
Ông tin rằng ông đã trả đủ cho tội lỗi của mình bằng việc ngồi tù, và ông không thể nghĩ được tại sao mình lại phải chịu lệnh trục xuất chỉ vì ‘một lỗi lầm’.
Ông McHugh hiện đang được giữ tại Trung tâm chuyển tiếp Di dân Brisbane, đợi đến ngày bị trục xuất ra khỏi nước Úc đến New Zealand. Tất cả những công dân sinh ra trên đảo Cook đều có quốc tịch New Zealand.
Ông sẽ trở thành 1 trong 1,000 công dân New Zealand bị trục xuất khỏi lãnh thổ Úc vì phạm tội trong vòng 2 năm gần đây, mặc dù họ đều đã chịu án tù trước đó.
Tuy nhiên, lý do khiến cho trường hợp của ông McHugh có nhiều điểm bất thường, là ông chỉ mới xin cấp Hộ chiếu Úc vào năm ngoái. Rõ ràng trong hộ chiếu có ghi quốc tịch của ông là “Úc”và đó cũng là lần đầu tiên ông xin hộ chiếu.
“Thật sự bối rối, tôi là công dân Úc cho đến khi họ muốn đá tôi ra khỏi nước này,” ông nói.
Hiện tại, ông McHugh đang thách thức lệnh trục xuất.
Bộ Nội Vụ đã nói vói ông McHugh rằng trong năm nay ông chưa hề xin cấp quốc tịch dựa trên yếu tố truyền theo thế hệ, và việc được nhận làm con nuôi của ông không khiến ông trở thành công dân Úc, bởi vì nó xảy ra trước khi luật thay đổi.
“Giấy khai sinh của ông tại Queensland [được cấp sau khi ông được nhận nuôi] có ghi rõ ràng ngày đăng kí là 4/11/1976. Việc áp dụng thị thực tự động cho trường hợp nhận con nuôi vốn chưa có hiệu lực cho đến ngày 22/11/1984. Do đó, ông không tự động trở thành công dân Úc thông qua việc được nhận làm con nuôi,” trích từ một lá thư của Bộ Nội Vụ gửi ông McHugh.
Tuy nhiên Bộ Nội Vụ cũng chưa có thêm lời giải thích nào cho việc tại sao ông McHugh có thể dùng giấy khai sinh ở Queensland và giấy nhận con nuôi để xin hộ chiếu Úc thành công.
Ông McHugh ở diện thị thực Người thụ hưởng, mà theo Bộ Nội Vụ cho biết, họ đã thu hồi sau khi ông bị kết án tù.
“Hộ chiếu Úc không được xem là bằng chứng cho quốc tịch của một người,” Bộ Nội Vụ cho biết, nhấn mạnh thêm việc đã có trường hợp từng cấp Hộ chiếu cho những người không có quốc tịch trước khi Luật thay đổi vào năm 2005.
Maree Elliott, đại diện Di Trú thuộc Dijvh vụ di trú Hold Durham có trụ sở tại Brisbane đã cho biết, trường hợp một người nào đó được cấp hộ chiếu khi họ không phải là công dân thực sự là điều bất thường, và đó có vẻ là một sai lầm của Bộ Nội Vụ.
“Hộ chiếu Úc không được xem là bằng chứng cho quốc tịch của một người,” Bộ Nội Vụ
“Trong suốt 25 năm hành nghề, tôi chỉ mới được biết có 1 vụ duy nhất được cấp hộ chiếu do sai phạm mà thôi,” bà nói.
Cha của ông McHugh là Kevin, một nông dân ở Toowoomba đã nói, ông thực sự sốc và đau buồn khi biết con của ông không hề được công nhận là công dân Úc sau ngần ấy năm.
Gia đình ông chưa bao giờ nghĩ đến cũng như có bất kì hành động nào để bảo đảm quốc tịch cho ông McHugh vì ai cũng cho rằng ông nghiễm nhiên là công dân Úc sau khi được nhận nuôi.
“Nếu mà con tôi phải đến New Zealand thì nó biết nơi nào để mà đi? Nó chưa bao giờ đặt chân trở lại đó kể từ năm 6 tuổi, nó chẳng biết ai ở đó cả,” ông Kevin nói với SBS News.
Rod Hodgson, đối tác tại hội luật sư Maurice Blackburn đã chia sẻ với SBS rằng, luật xung quanh việc trục xuất đối với trường hợp người phạm tội không có quốc tịch thường mang tính chất ‘trừng phạt rất nặng nề.”
“Trục xuất một người nào đó đã sinh sống và làm việc gần như cả đời của họ tại Úc, là một công dân Úc, được xem như trừng phạt đến 2 lần,” ông nói.
McHugh nói rằng việc ông bị trục xuất có thể ảnh hưởng nặng nề tới gia đình và các con của ông, tất cả đều ở trong độ tuổi từ 10-28 tuổi.
“Tôi phải ở đây cùng với con và cháu của tôi, chúng đòi hỏi tôi phải có mặt ở đấy mỗi ngày vì chúng đã quá quen với việc đó,” ông nói.
Một phát ngôn viên của Bộ Nội Vụ đã nói với SBS News trong một tuyên bố: “Trong lúc Bộ Nội Vụ chưa thể có bất kỳ bình luận nào về từng trường hợp cá nhân, Chính phủ Úc đã nghiêm túc nhận việc này là một trong những trách nhiệm của mình, nhằm bảo vệ cộng đồng khỏi những người không có quốc tịch đã chọn dây vào những hoạt động tội phạm.”
Sydney: Bị trục xuất vì đăng video hàng xóm đang quan hệ tình dục
Họ cho biết thêm nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến việc cấp hộ chiếu, cần gửi trực tiếp đến Bộ Ngoại Vụ và Giao thương (DFAT).
DFAT nói với SBS News rằng hộ chiếu chỉ được cấp cho những người nào đáp ứng được các yêu cầu của một công dân Úc.
“Luật quốc tịch rất phức tạp. Trong một số trường hợp hiếm, có thể xảy ra chuyện DFAT cấp hộ chiếu dựa trên những chứng cứ cơ bản, tuy nhiên những chứng cứ đó lại không thực sự chính xác khi nói đến việc xác nhận quốc tịch của công dân Úc,” một phát ngôn viên cho biết.
“Ngay khi Bộ Nội Vụ xác nhận một người nào đó không phải (hoặc không còn được xem) là công dân Úc, bất kỳ hộ chiếu Úc nào mà người đó đang giữ đều bị hủy ngay tức khắc,” phát ngôn viên nói thêm.
Theo SBS Vietnamese