Cảnh sát thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc mới đây đã bắt giữ 5 người đàn ông vì hành vi khỏa thân chạy trên phố gây phản cảm.
Theo Thời báo Hoàn cầu, 5 người đàn ông này là nhân viên của một công ty thương mại địa phương. Họ bị phạt khỏa thân chạy trên phố vì để thua một nhóm khác trong cuộc cạnh tranh hiệu suất làm việc.
Những nhân viên này bị cảnh sát phạt hành chính và tạm giữ từ 5 – 7 ngày vì hành động gây phản cảm nơi công cộng.
“Hành động như vậy thật đáng xấu hổ”, sở cảnh sát thành phố Trường Sa đăng trên tài khoản mạng xã hội chính thức hôm 1.9.
5 nhân viên của một công ty Trung Quốc bị phạt khỏa thân chạy trên phố (ảnh: Hoàn cầu)
Cảnh sát cho biết, nhiều công dân đã gọi điện báo cáo về vụ việc một nhóm 5 người đàn ông “thả rông” và chạy nhiều vòng ở quảng trường khu trung tâm thành phố.
Cảnh sát đã ngay lập triển khai tới hiện trường bắt giữ các đối tượng và yêu cầu họ nhanh chóng mặc lại quần áo cho đàng hoàng.
Kết quả điều tra cho thấy, cả 5 người này đều là nhân viên của một công ty thương mại. Họ để thua một nhóm khác về kết quả công việc và phải chịu phạt như vậy. Vụ việc nói trên nhanh chóng được chia sẻ rầm rộ lên mạng xã hội Trung Quốc và nhận được nhiều bình luận trái chiều.
“Có lẽ họ nên che mặt lại khi làm chuyện đáng xấu hổ như vậy trước mặt mọi người”, một người dùng mạng xã hội Trung Quốc bình luận.
“Cuộc sống thật khó khăn. Mọi người đều phải kiếm sống, nhất là trong tình hình hiện nay. Nếu không bị ép buộc thì vì sao họ phải làm như vậy chứ?”, một người khác tỏ ra thông cảm.
Những hình phạt đối với nhân viên khi không hoàn thành tốt công việc là đề tài thường xuyên gây tranh cãi ở Trung Quốc những năm gần đây.
Một số công ty ở Trung Quốc thường đưa ra những hình phạt “oái ăm” để hạ nhục nhân viên của mình khi họ không hoàn thành công việc (ảnh: Daily Mail)
Năm 2017, một cửa hàng nhiếp cảnh ở Tứ Xuyên đã ép nhân viên phải uống nước trong bồn cầu vì không đạt hiệu quả công việc đề ra.
Năm 2016, nhân viên của một công ty ở Vũ Hán, Hồ Bắc bị phạt ăn giun.
Những hình phạt kỳ quặc kiểu này không giúp người lao động làm tốt hơn mà chủ yếu chỉ nhằm làm nhục họ. Đây thậm chí còn là hành vi vi phạm pháp luật, thể hiện sự phân biệt đối xử, chèn ép giữa cấp trên với cấp dưới, Thời báo Hoàn cầu bình luận.
Mới đây, Ngân hàng Quốc tế Hạ Môn, Trung Quốc cũng hứng chỉ trích từ dư luận sau khi một nhân viên của ngân hàng này bị cấp trên tát chỉ vì từ chối chúc rượu sếp trong một bữa tiệc tối.
Ngân hàng Quốc tế Hạ Môn sau đó phải công khai xin lỗi nhân viên bị tát và dư luận, kèm theo hình phạt thích đáng đối với hai quản lý cấp cao.
Theo Dân Việt
Leave a comment