Home Cộng Đồng Tranh cãi Trung Quốc lắp camera giám sát trong nhà dân để theo dõi cách ly
Cộng Đồng

Tranh cãi Trung Quốc lắp camera giám sát trong nhà dân để theo dõi cách ly

Một camera giám sát ở Thượng Hải (Ảnh: Reuters)

Hệ thống camera giám sát được xem là công cụ giúp Trung Quốc kiểm soát dịch Covid-19, nhưng cũng làm dấy lên mối lo ngại về việc xâm phạm quyền riêng tư khi có trường hợp camera lắp trong nhà dân.

Buổi sáng sau khi Ian Lahiffe trở về Bắc Kinh, anh phát hiện ra một chiếc camera giám sát được gắn vào bức tường bên ngoài căn hộ nơi anh sống. Ống kính camera hướng thẳng vào Lahiffe.

Sau chuyến đi tới miền nam Trung Quốc, người đàn ông Ireland 34 tuổi cùng với gia đình anh đã phải cách ly 2 tuần tại nhà. Đây là nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh ngăn virus SARS-CoV-2 lây lan.

Lahiffe cho biết khi anh mở cửa ra thì đã thấy camera được lắp, không một lời cảnh báo, hay giải thích.

Camera giám sát được treo tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh minh họa: Bloomberg)

“Bị lắp camera bên ngoài cửa là sự vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư. Nó có vẻ sẽ thu được lượng dữ liệu lớn và tôi không biết bao nhiêu trong số đó là hợp pháp”, Ian Lahiffe băn khoăn.

Mặc dù không có thông báo chính thức về việc camera sẽ bị gắn ngoài nhà của người đang bị cách ly, tuy nhiên, CNN dẫn 3 nguồn tin, các nhân chứng và một số thông báo từ chính quyền địa phương cho hay động thái trên thực tế đã xảy ra ở một số thành phố ở Trung Quốc từ ít nhất tháng 2.

Camera giám sát lắp trong nhà

Một công chức nhà nước sử dụng bí danh “William Zhou” trở về Thường Châu, Giang Tô từ quê nhà An Huy hồi cuối tháng 2. Ngày hôm sau, Zhou cho biết một nhân viên cộng đồng và cảnh sát tới căn hộ anh sống và lắp một camera lên tủ trong nhà anh và hướng thẳng ra cửa ra vào.

Zhou cho biết anh không thích ý tưởng bị lắp camera theo dõi ngay trong nhà và hình ảnh hiện lên trên điện thoại của nhân viên cộng đồng.

“Tôi đứng trong nhà và camera ghi lại hình ảnh tôi một cách rõ nét”, Zhou nói.

Zhou nổi giận và thắc mắc vì sao camera không được đặt bên ngoài và cảnh sát trả lời rằng họ lo camera có thể bị phá hoại. Cuối cùng, camera vẫn nằm yên trên tủ dù Zhou phản đối quyết liệt.

Vào buổi tối, Zhou gọi lên đường dây nóng của chính quyền phàn nàn. Hai ngày sau đó, 2 quan chức đến nhà anh và họ mong anh thông cảm và hợp tác với chính quyền. Họ cũng cho biết camera chỉ ghi lại hình ảnh khi cửa nhà anh mở ra và sẽ không ghi lại video hay âm thanh nào.

Anh cho biết 2 người khác bị cách ly trong cùng khu nhà anh sống cũng bị lắp camera trong nhà.

Hệ thống camera an ninh dày đặc

Hệ thống camera an ninh làm dấy lên nỗi lo về việc quyền riêng tư có thể bị xâm phạm (Ảnh: Getty)

Camera giám sát được xem là một phần trong cuộc sống của người dân Trung Quốc hiện nay khi chúng được lắp đặt trên diện rộng, ghi lại hình ảnh người qua đường, vào cửa hàng mua sắm, ăn tối, lên xe buýt và thậm chí là học sinh ngồi trong lớp học.

Theo CCTV, 20 triệu camera được lắp đặt trên toàn Trung Quốc tính tới năm 2017. Tuy nhiên, các nguồn tin nói với CNN rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Theo một báo cáo từ công ty IHS Markit Technology (Mỹ), số lượng camera giám sát ở Trung Quốc vào năm 2018 được cho là khoảng 349 triệu.

Khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, hệ thống camera giám sát đã được Trung Quốc tận dụng trong việc theo dõi và giám sát mầm bệnh. Các hệ thống được đặt ở nơi công cộng tới trước cửa nhà và trong một số trường hợp cá biệt, thậm chí còn được lắp trong nhà dân như vụ việc của Zhou.

Tại Nam Kinh, Giang Tô, chính quyền hồi tháng 2 thông báo họ lắp camera trước cửa những người tự cách ly để theo dõi 24/7. Chính quyền mô tả đây là động thái nhằm “giúp tiết kiệm chi phí nhân sự và tăng hiệu quả công việc”. Các câu chuyện tương tự diễn ra tại Trường Xuân, Cát Lâm, hay ở Hàng Châu, Thâm Quyến, Thường Châu.

Trong bối cảnh đại dịch, nhiều quốc gia cũng đã chọn phương án giám sát người tình nghi mang mầm bệnh nhưng ở một mức độ được mô tả là “ít xâm phạm” quyền riêng tư hơn. Hong Kong phát vòng theo dõi cho người nhập cảnh vào hòn đảo để đảm bảo họ không cố tình rời khỏi nơi tự cách ly 2 tuần. Hàn Quốc dùng ứng dụng điện thoại và truy dò định vị GPS của người tự cách ly để theo dõi.

Áp lực tâm lý

Một camera giám sát ở Thượng Hải (Ảnh: Reuters)

Với Zhou, camera an ninh lắp trong nhà là một nỗi ám ảnh.

“Camera tác động mạnh tới tôi về mặt tâm lý. Tôi cố gắng không gọi điện thoại vì lo sợ nó sẽ ghi âm lại cuộc gọi. Tôi không thể ngừng lo lắng khi đi ngủ”, Zhou nói, cho biết anh ổn nếu camera được lắp bên ngoài vì đằng nào anh cũng sẽ không rời khỏi nhà trong thời gian tự cách ly.

“Lắp camera trong nhà là can thiệp nghiêm trọng vào sự riêng tư của tôi”. Zhou nói.

“Nếu camera giám sát được đặt ở nơi công cộng thì sẽ không có vấn đề gì vì chúng có thể theo dõi các hoạt động phạm pháp. Nhưng nó không nên xuất hiện tại những khu vực riêng tư. Tôi không thể chịu được suy nghĩ cuộc sống thường ngày của mình bị tiết lộ hoàn toàn cho người khác”, Zhou cho hay.

Một người nước ngoài sống ở Quảng Châu dùng bí danh “Lina Ali”, phàn nàn về chiếc camera chiếu thẳng vào cửa ra vào nhà cô. Thiết bị này được lắp đặt vào ngày cô bắt đầu tự cách ly.

“Tôi thấy bực bội khi biết thông tin rằng camera này kết nối thẳng tới đồn cảnh sát. Điều đó làm tôi cảm thấy như mình trở thành một tù nhân trong chính ngôi nhà mình”. Ali cho biết.

Jason Lau, chuyên gia tại đại học Baptist, Hong Kong cho rằng mặc dù chính phủ Trung Quốc muốn thu thập nhiều dữ liệu nhất có thể để theo dõi tình hình dịch bệnh nhưng cơ quan chức năng cần phải xem xét liệu việc thu thập thông tin có cần thiết, hợp lý hay không và nên cân nhắc các biện pháp ít xâm phạm tới quyền riêng tư của người dân.

Khi đợt tự cách ly kết thúc, nhân viên cộng đồng nói với Zhou rằng anh có thể giữ chiếc camera một cách miễn phí khi nó đã hết nhiệm vụ. Tuy nhiên, Zhou bức xúc vì bị giám sát 2 tuần tới mức anh đã lấy búa và đập vỡ ngay chiếc camera trước mặt nhân viên cộng đồng.

Theo Dân trí

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *