Việc chính quyền thành phố Osaka, Nhật Bản thu hồi trên 18.000 chai tương ớt Chin-su của Công ty Masan (Việt Nam) đang gây lo lắng cho người tiêu dùng Việt.
Tương ớt Chin-su là sản phẩm quen thuộc với nhiều người dân Việt Nam, trong lúc Tập Đoàn Masan bị nghi ngờ là doanh nghiệp đứng sau chiến dịch tấn công nước mắm truyền thống vừa qua bằng cách vận động cho việc áp dụng dự thảo mới về “quy phạm thực hành sản xuất nước mắm.”
Theo trang web City.osaka.lg.jp, lô hàng tương ớt Chin-su này do Tập Đoàn Javis của Nhật Bản nhập cảng hồi Tháng Mười Hai, 2018, bị cán bộ giám sát an toàn thực phẩm của Cục Y Tế và Phúc Lợi thành phố Tokyo kiểm tra vì nghi ngờ vi phạm Luật Vệ Sinh Thực Phẩm và Luật Nhãn Thực Phẩm.
Theo báo Tuổi Trẻ hôm 6 Tháng Tư, ông Tạ Đức Minh, tham tán thương mại Đại Sứ Quán Việt Nam tại Nhật Bản xác nhận tin này và nói thêm: “Benzoic acid có trong Chin-su là một loại chất cấm của Nhật.” Ông cũng đưa ra cảnh báo doanh nghiệp và người dân Việt Nam “nên tham khảo các trang web Nhật ghi thông tin về các loại đồ được phép và cấm không được phép mang vào Nhật.”
Báo Kinh Tế và Tiêu Dùng cùng ngày trích lời của một vị đại diện không được nêu danh của Tập Đoàn Masan: “Chúng tôi không xuất khẩu các sản phẩm tương ớt trực tiếp vào thị trường Nhật Bản. Thực tế thì tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của mỗi nước khác nhau sẽ khác nhau, điều này không phản ánh chất lượng sản phẩm của Masan.”
“Các sản phẩm của Masan cũng ghi rõ trên nhãn rằng sử dụng cho thị trường nào, ví dụ sản phẩm tương ớt Chin-su như trên chỉ sử dụng cho thị trường Việt Nam. Lô tương ớt xuất vào Nhật có khả năng là hàng không rõ xuất xứ,” tờ báo viết.
Trong một diễn biến khác, tạp chí Forbes cho hay ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Tập Đoàn Masan đang sở hữu khối tài sản trị giá $1.3 tỷ, xếp thứ 1,717 trong danh sách người giàu có thế giới năm 2019.
Masan sản xuất và kinh doanh các loại thực phẩm và đồ uống gồm nước tương, nước mắm, tương ớt, mì ăn liền, cháo ăn liền, cà phê hòa tan, ngũ cốc dinh dưỡng và đồ uống đóng chai.
Từ nhiều năm nay, tập đoàn này liên tiếp bị công luận chỉ trích, kêu gọi tẩy chay sau các vụ bê bối như tận dụng một loạt các báo nhà nước để cáo buộc nước mắm truyền thống “nhiễm asen” hồi năm 2016, trước đó là chiến dịch cảnh báo nước tương truyền thống “có chất 3-MCPD”… gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Hồi Tháng Ba, 2019, dư luận xôn xao vụ Masan khởi động chiến dịch “đánh” nước mắm truyền thống lần thứ hai sau hai năm. Thời điểm đó, chuyên trang Đầu Tư Tài Chính Việt Nam (VietnamFinance) của tạp chí Nhà Đầu Tư dẫn lời bà Trần Thị Dung, cựu cán bộ Vụ Khoa Học Công Nghệ thuộc Bộ Thủy Sản CSVN: “Trong danh sách ban vận động thành lập Hội Nước Mắm Truyền Thống Việt Nam, người ta thấy có sáu doanh nghiệp thành viên của Masan cộng thêm một số nhà cung cấp muối cho tập đoàn này. Cuối cùng thì do có những điều không đạt thỏa thuận nên hiệp hội không thành lập được. Các nhà sản xuất nước mắm truyền thống nhỏ lẻ không có tiếng nói.”
Theo Báo Người Việt
Leave a comment