Triều Tiên ra mắt tên lửa đạn đạo Pukguksong-5 và không đề cập “phi hạt nhân hóa”, dường như muốn phát thông điệp cứng rắn tới chính quyền Biden.
Triều Tiên đêm 14/1 tổ chức duyệt binh tại thủ đô Bình Nhưỡng với sự tham gia của hàng loạt khí tài quân sự, trong đó có mẫu tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukguksong-5.
“Vũ khí mạnh nhất thế giới, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, thể hiện sức mạnh của các lực lượng vũ trang cách mạng”, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết, thêm rằng mẫu tên lửa này có “khả năng tấn công mạnh mẽ để tiêu diệt hoàn toàn kẻ thù theo cách phủ đầu bên ngoài lãnh thổ”.
Màn phô diễn lực lượng diễn ra chỉ một tuần trước ngày Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức, không lâu sau khi lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố Mỹ là “trở ngại lớn nhất đối với cách mạng và kẻ thù lớn nhất của Triều Tiên”. Sự xuất hiện của tên lửa Pukguksong-5 được coi là thông điệp của Bình Nhưỡng gửi đến tân Tổng thống Mỹ.
Hiện không rõ 4 quả đạn Pukguksong-5 được Triều Tiên phô diễn là tên lửa hoàn chỉnh hay mô hình, nhưng vẻ ngoài cho thấy chúng được phát triển trên nền tảng tên lửa Pukguksong-3 và Pukguksong-4.
Pukguksong-4 lần đầu xuất hiện trước công chúng trong cuộc duyệt binh quy mô lớn vào tháng 10/2020, chưa có dấu hiệu cho thấy mẫu tên lửa này đã được bắn thử. Triều Tiên hồi tháng 10/2019 phóng thử mẫu Pukguksong-3, loại tên lửa đạn đạo dùng nhiên liệu rắn lớn nhất trong biên chế nước này, nhưng chỉ sử dụng bệ phóng ngầm thay vì phóng trực tiếp từ tàu ngầm.
Phân tích hình ảnh cho thấy Pukguksong-5 dài và rộng hơn Pukguksong-4, chủ yếu là ở phần mũi được điều chỉnh. Các mẫu Pukguksong-3/4/5 đều lớn hơn đáng kể so với mẫu SLBM Pukguksong-1 và phiên bản phóng từ mặt đất Pukguksong-2. Toàn bộ dòng tên lửa này đều sử dụng nhiên liệu rắn, thay vì nhiên liệu lỏng như dòng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14/15/16.
Dù khó chế tạo hơn động cơ nhiên liệu lỏng, tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn có những ưu thế vượt trội. Chúng không mất thời gian nạp nhiên liệu trước khi phóng như tên lửa nhiên liệu lỏng, khó bị hệ thống trinh sát của đối phương phát hiện và có thể triển khai từ nhiều địa điểm khác nhau.
Tên lửa nhiên liệu rắn cũng tốn ít thời gian, công sức bảo dưỡng và di chuyển hơn nhiên liệu lỏng, phù hợp với tàu ngầm vì mức độ an toàn cao, hạn chế những rủi ro thường đi kèm với tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng.
Triều Tiên đã tích cực theo đuổi phát triển SLBM từ nhiều năm nay, nhưng chưa đạt được thành quả đáng kể trong triển khai loại vũ khí này vào thực tế. Đến nay chỉ có mẫu Pukguksong-1 được phóng từ tàu ngầm. Tuy nhiên, nước này vẫn thúc đẩy nỗ lực sở hữu lực lượng SLBM tin cậy, bao gồm cả dự án hoán cải tàu ngầm tấn công diesel-điện thời Liên Xô thành tàu ngầm mang được tên lửa đạn đạo, nhằm bảo đảm khả năng răn đe và trả đũa hạt nhân.
“Thông điệp ‘tiêu diệt kẻ thù bên ngoài lãnh thổ’ cho thấy Pukguksong-5 sẽ là hệ thống vũ khí chiến lược. Điều này phù hợp với các nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng những năm qua, trong đó có sở hữu mẫu ICBM đủ sức bắn tới mục tiêu cách xa biên giới nước này, cụ thể là lãnh thổ Mỹ”, chuyên gia quân sự Thomas Newdick nhận xét.
Kim Jong-un trước đó cũng tuyên bố Triều Tiên sẽ mở rộng chương trình vũ khí hạt nhân và tăng cường năng lực quân sự, vạch ra kế hoạch triển khai tên lửa đạn đạo tầm xa phóng từ mặt đất hoặc tàu ngầm với “đầu đạn siêu lớn”.
Trong đại hội lần thứ 8 của đảng Lao động Triều Tiên, Kim Jong-un cho biết nước này đã phát triển hàng loạt vũ khí phức tạp như vũ khí hạt nhân chiến thuật, vệ tinh do thám và tên lửa siêu vượt âm. Yếu tố đáng chú nhất là tuyên bố Bình Nhưỡng đã hoàn thành kế hoạch chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, thành tựu có thể thay đổi cán cân sức mạnh chiến lược.
Giới chuyên gia chưa thể xác thực những tuyên bố này, nhất là khi Triều Tiên chưa hạ thủy tàu ngầm hoán cải để mang SLBM. Có khả năng tên lửa Pukguksong-5 sẽ được điều chỉnh để phóng từ mặt đất, tương tự quá trình phát triển mẫu Pukguksong-1 và Pukguksong-2. Điều đó cho phép Triều Tiên xây dựng lực lượng tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) và tầm xa (IRBM) trên mặt đất với những ưu thế của tên lửa dùng nhiên liệu rắn.
Hàng loạt tuyên bố và màn phô diễn lực lượng dường như cũng nhằm gây áp lực lên chính quyền Biden, đồng thời phát tín hiệu tới Hàn Quốc.
Biden từng gọi lãnh đạo Triều Tiên là “gã côn đồ” và chỉ trích cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump trong kiểm soát năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng. William Burns, người được Biden đề cử làm giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cũng từng công khai lên án cách Trump xử lý vấn đề Triều Tiên.
Kim Jong-un vẫn để ngỏ khả năng đối thoại với Mỹ, nhưng kêu gọi Washington từ bỏ những chính sách thù địch nhằm vào Bình Nhưỡng. “Ý định thực sự trong chính sách của họ đối với Triều Tiên sẽ không bao giờ thay đổi, bất kể ai lên nắm quyền”, ông nói trong cuộc họp đại hội đảng Lao động.
Park Won-gon, giáo sư ngành quan hệ quốc tế ở Đại học Handong Global ở Seoul, chỉ ra rằng cụm từ “bihaekhwa” (phi hạt nhân hóa) hoàn toàn không được đề cập trong suốt kỳ họp đảng này, đặt ra nhiều viễn cảnh bi quan ngay cả khi Triều Tiên và Mỹ nối lại đối thoại dưới thời Biden.
“Nếu trở lại bàn đàm phán với Washington, Bình Nhưỡng có khả năng yêu cầu những thỏa thuận kiểm soát vũ khí như thời Chiến tranh Lạnh, nhằm giảm bớt mối đe dọa lẫn nhau từ vũ khí hạt nhân và công nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân”, ông nói, thêm rằng điều này khó lòng được Mỹ chấp nhận.
Phát biểu của Kim Jong-un được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Triều Tiên đang chật vật vì các lệnh cấm vận, thiên tai và đại dịch Covid-19, vốn khiến nước này phải đóng cửa biên giới với đồng minh Trung Quốc. Điều đó cũng đặt ra câu hỏi về những hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng sau khi Biden lên nắm quyền, cũng như chiến lược mà nội các của tân tổng thống Mỹ sẽ lựa chọn để đối phó.
“Thông điệp gửi tới Mỹ là Triều Tiên sẽ tiếp tục phát triển năng lực răn đe hạt nhân, trừ khi Washington đưa ra những nhượng bộ cụ thể. Vấn đề là Mỹ sẽ phản ứng như thế nào”, giáo sư Park nhận xét.
Theo Vnexpress
Leave a comment