Home Cộng Đồng Thời đại những người anh hùng vô danh tại Hồng Kông
Cộng Đồng

Thời đại những người anh hùng vô danh tại Hồng Kông

Người biểu tình Hông Kông rút chạy trong làn khói của đạn hơi cay (Ảnh: Youtube)

“Vì đâu những người trẻ tuổi Hồng Kông, sinh viên từ bỏ sự an toàn yên ổn học hành công việc để xuống đường tranh đấu suốt chuỗi ngày tháng qua? Họ không hề bị đói khát – nhưng họ khát khao dân chủ và tự do…”

Vì tự do của 7 triệu người Hồng Kông, vì tình yêu vô tư dành cho những con người trên mảnh đất này, vì những thế hệ hôm nay và mai sau, người biểu tình Hồng Kông đã đeo khẩu trang và mặt nạ chống độc xuống đường biểu tình. Họ đã đánh cược cả tuổi thanh xuân, tiền đồ và tương lai của mình, nguyện trở thành những người anh hùng vô danh.

Hành trang của mỗi người chỉ là một chiếc ba lô gọn trên lưng. Bên trong chỉ có chai nước, mặt nạ phòng độc, đèn pin, pin sạc, băng cứu thương, thuốc sơ cứu, cùng vài chiếc khẩu trang để thay đổi và dành cho những người bên cạnh.

Đối với những sinh viên và người biểu tình Hồng Kông, chiếc khẩu trang là vật rất quan trọng giúp họ che danh tính nhân dạng, tránh máy quay cảnh sát và camera với công nghệ nhận mặt trên khắp các đường phố. Một khi bị cảnh sát giật khẩu trang và nhận diện thì khả năng bị quấy nhiễu sau này là rất lớn.

Họ âm thầm cống hiến thời gian, tinh lực, tiền bạc. Họ gánh chịu những trận đòn bằng dùi cui, những cú bắn đạn hơi cay của cảnh sát, bạo lực đột kích của dân xã hội đen. Thậm chí họ còn bị cảnh sát bắt giữ, tra khảo, bị đánh vỡ xương sọ. Dẫu phải đối mặt với phong ba bão táp, tấm lòng ấy vẫn sắt son, không sợ hãi, không thoả hiệp.

Trong số họ, một cô gái mặc áo đen đã bị cảnh sát bắn đạn túi vải và ném hơi cay, khiến cô bị mù một bên mắt. Nhưng truyền thông Đại Lục lại đưa tin rằng cô gái biểu tình đã bị trúng viên bi sắt của “chiến hữu”, nhằm phủi sạch tội lỗi cho cảnh sát Hồng Kông, còn giới chức không hề quan tâm đến thương tích của người bị hại.

Người biểu tình Hông Kông rút chạy trong làn khói của đạn hơi cay (Ảnh: Youtube)

Trong video đầu tiên xuất hiện sau khi hồi phục, cô gái phát biểu: “Tôi hứa rằng chúng ta sẽ ở bên nhau nhiều hơn một khi tôi hồi phục… Trong thần thoại Hy Lạp, con mắt của Thần Horus là biểu tượng cho sự bảo hộ, nguồn sức mạnh để chống lại tà ác. Tôi cũng hy vọng rằng, con mắt của tôi có thể trở thành biểu tượng hy vọng ủng hộ cho người Hồng Kông xoá sổ tà ác.”

Trong một tháng qua, cảnh sát còn bắt đầu sử dụng các phương tiện tương tự như các tổ chức khủng bố. Họ đóng giả làm người dân phản kháng, dùng các thủ đoạn bạo lực nghiêm trọng để tấn công người dân và cảnh sát, sau đó vu oan cho người biểu tình. Họ cũng bắt giữ các phóng viên và nhân viên y tế, thậm chí thoải mái bắt giữ trẻ nhỏ hô khẩu hiệu phản đối chính quyền độc tài, ủng hộ người Hồng Kông.

Cảnh sát Hồng Kông không những sử dụng bạo lực vô lý đối với những người bị chế phục; mà còn bắt giữ và ngược đãi họ trong xe cảnh sát hoặc đồn cảnh sát, thậm chí lục soát loã thể vô lý đối với người biểu tình, trì hoãn đưa người biểu tình đến bệnh viện hoặc ngăn cản người biểu tình tìm sự trợ giúp từ pháp luật, bắt bớ tràn lan không phân biệt đúng sai.

Cảnh sát còn trả thù những người bị bắt, dùng bút laser chiếu vào mắt họ ở cự ly gần, thậm chí còn cố ý gây tổn thương nghiêm trọng hay thương tật vĩnh viễn. Báo chí gần đây tiết lộ những tội ác man rợ như hãm hiếp trong trại giam San Uk Ling, đánh gãy tay và chân hàng chục người biểu tình bị bắt giữ.

Hàng chục người biểu tình bị đánh đến chết, thậm chí họ còn bị mang đi nguỵ tạo hiện trường tai nạn khác. Ít ai biết được sau song sắt nhà tù, số phận của hơn 1.500 sinh viên và người biểu tình bị bắt giam trong 3 tháng qua sẽ đi đâu về đâu. Nhiều người trong số họ sẽ bị kết án 10 năm tù giam.

Thời kỳ đầu trong chuỗi ngày biểu tình đòi “Tự do – Dân chủ – Pháp trị”, những quyền cơ bản mà tạo hoá ban cho con người, đã có người biểu tình buộc phải tự vẫn vì không thể chịu đựng nổi áp lực từ gia đình.

Jimmy Lai, một tỷ phú Hồng Kông 71 tuổi, khi công khai lên tiếng ủng hộ người biểu tình, đã bị truyền thông của nhà nước Trung Quốc bôi nhọ là một gã béo, một đặc vụ của CIA, một “bàn tay hắc ám” và thành viên của “Bè lũ bốn tên” do Mỹ chỉ đạo đang dàn dựng phong trào biểu tình ở Hồng Kông kéo dài suốt 12 tuần qua.

Họ hàng của ông tại Trung Quốc đã buộc phải xóa tên ông khỏi gia phả 28 đời của gia đình, tuyên bố ông là một “kẻ phản bội” tổ tiên và đất nước, từ nay trở đi ông không còn là một thành viên của dòng họ này nữa. Doanh thu của Jimmy Lai giảm 44 triệu đôla Mỹ một năm. Hàng loạt các cửa hàng thời trang hiệu Giordano của ông tại Đại lục buộc phải đóng cửa.

Hoàng Chi Phong cùng những người bạn của mình tới châu Âu, điều trần trước Quốc hội Mỹ về nhân quyền và hiện thực đàn áp ở Hồng Kông, kêu gọi những nhân sĩ yêu tự do và tôn trọng nhân quyền trên thế giới ủng hộ Hồng Kông. Liệu sau khi trở về, đặt chân xuống phi trường nơi mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình, họ có được bình yên?

Người trẻ Hồng Kông không cho rằng trời sụp thì đã có bậc anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất nào đó chống đỡ. Đối với họ bảo vệ “Tự do – Tình yêu” là trách nhiệm và sứ mệnh cao đẹp của mỗi sinh mệnh.

“Nước nâng thuyền, nước cũng có thể lật thuyền”, muốn con người và quốc gia cùng hưng vượng, thì điều sợ nhất là mọi người không dám nói, không hiến kế sách. Những người và quốc gia không cho phép người khác nghị luận, không cho phép người khác tranh luận, ắt sẽ khó tránh khỏi con đường hướng tới diệt vong.

“Quốc Ngữ” viết rằng: “Phòng dân chi khẩu, thậm ư phòng xuyên”, nghĩa là ngăn cản ngôn luận của dân chúng còn nghiêm trọng hơn ngăn con nước dữ. Không cho người dân nói, cuối cùng ắt sẽ ủ thành đại hoạ. Câu nói này xuất hiện vào thời Tây Chu.

Thời Tây Chu, Chu Lệ Vương tàn bạo vô đạo, tham tài háo lợi, lũng đoạn việc kinh doanh núi rừng sông hồ, khiến người dân trong thành oán thán ngút trời. Nhưng Chu Lệ Vương ngăn không cho phép bách tính được phép lên tiếng.

Nhằm khống chế ngôn luận trong xã hội, Chu Lệ Vương ngấm ngầm giám sát dân chúng, khuyến khích tố cáo những người đàm luận về triều chính. Những người này nhất loạt đều bị xử tử. Vậy nên, người dân trong nước đều vô cùng hoang mang, ai nấy đều phẫn nộ nhưng không dám nói. Bách tính đi trên đường gặp mặt nhau cũng chỉ dám giao tiếp bằng ánh mắt. Toàn bộ thành trì bị bao trùm bởi một bầu không khí khủng bố, chư hầu cũng không dám tới thiết triều.

Chu Lệ Vương ngày càng hà khắc, người dân không ai dám hé răng. Lệ Vương thấy vậy vô cùng cao hứng, nói với đại thần Triệu Công rằng: “Ta có thể tiêu diệt mọi ngôn luận về mình, họ đều không dám nói nữa.”

Triêu Công nói: “Phòng miệng dân, hơn cả ngăn sông. Nước tích tụ nhiều, hễ vỡ đập, chắc chắn sẽ làm tổn hại đến rất nhiều người. Không cho dân được quyền nói, cũng cùng một đạo lý như vậy. Cho nên, người trị thuỷ phải hiểu được cách khơi thông dòng nước, kẻ trị quốc cũng phải mở mang con đường ngôn luận, mới có thể biết được việc chấp chính được mất, mà thúc đẩy việc thiện, áp chế việc ác. Nếu không thì ai sẽ trung thành với thiên tử? Điều tốt thì thực thi, điều xấu thì phòng bị, đạo lý này cũng giống như đại địa sinh ra vật báu, như cơm ăn áo mặc vậy. Dân chúng trong tâm thường nghĩ gì, miệng sẽ nói nấy. Nếu bịt miệng họ, vậy có thể giữ được bao lâu! Chi bằng ngài thử thay đổi cách làm một chút xem sao.”

Nhưng Lệ Vương căn bản không nghe theo những lời khuyên ngăn, vẫn tiếp tục làm theo ý mình. Cuối cùng chính binh sĩ của ông ta phẫn nộ, không chịu phục tùng mệnh lệnh, khiến ông ta phải chạy trốn và chết ở phương xa.

Có thể thấy rằng, nếu một quốc gia không còn muốn lắng nghe ngôn luận của dân chúng thì ngày suy vong của chế độ đó chẳng còn xa nữa. Ngôn luận và hành vi của con người dẫu có thể nhất thời bị bộ máy của chính quyền bạo ngược khống chế, nhưng ý chí tự do sẽ vĩnh viễn không thể bị tước đoạt. Đó cũng là lý do tại sao những người trẻ tuổi Hồng Kông ngày nay sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân và sinh mệnh của mình để bảo vệ chính nghĩa.

Theo Báo Tri thức

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *