Thủ tướng Úc Scott Morrison có chuyến thăm chính thức Mỹ vào cuối tuần này, nhưng đằng sau những cái bắt tay, lãnh đạo hai nước phải đối mặt với sự chia rẽ ngày càng lớn trong quan hệ đồng minh, vốn ràng buộc với nhau bởi hiệp ước quốc phòng từ năm 1951, về cách đối phó với sự hiện diện ngày càng quyết liệt của Trung Quốc trên toàn cầu.
Báo SCMP dẫn lời GS Hugh White, công tác tại Trung tâm nghiên cứu quốc phòng thuộc ĐHQG Úc ở Canberra, cho rằng Mỹ và Úc đang đối mặt với “sự bất đồng lớn về nhận thức và mục tiêu chiến lược cơ bản” trong lịch sử quan hệ đồng minh, khi mỗi nước cam kết coi việc tấn công vào bên kia là cũng là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh của chính mình.
“Trong 2 năm qua, dù Canberra vẫn nhấn mạnh sẽ sát cánh với đồng minh, nhưng khoảng cách giữa Mỹ và Úc ngày càng rộng vì Trung Quốc”, ông White nói.
Thủ tướng Morrison (phải) và tổng thống Trump trong một lần gặp nhau. Ảnh: defenceconnect.com.au
“Washington đã dán nhãn cho Trung Quốc là đối thủ chiến lược và mối đe dọa về quân sự, rồi tiến hành cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang không chỉ nhằm thay đổi chính sách của Trung Quốc mà còn vĩnh viễn chia tách các công ty Trung Quốc khỏi các công ty Mỹ. Còn Úc bất đồng lặng lẽ nhưng kiên quyết với tất cả những điều này”, ông White đánh giá.
Trong dịp này, ông Trump và ông Morrison dự kiến sẽ thảo luận về nhiều vấn đề hợp tác, trong đó có kế hoạch tăng cường tiếp cận tài nguyên đất hiếm, những nguyên liệu được sử dụng để chế tạo vũ khí và thiết bị điện tử tiêu dùng. Trung Quốc hiện cung cấp hơn 80% các loại khoáng sản này.
Tuy nhiên, Canberra chỉ trích cuộc chiến thương mại leo thang của ông Trump với Trung Quốc, khiến Úc mất đi gần 1/3 hàng xuất khẩu.
Úc chống chọi với chiến tranh thương mại tốt hơn nhiều nền kinh tế khác, nhưng thị trường chứng khoán và ngành công nghiệp du lịch của nước này hứng chịu thiệt hại nặng. Số lượng khách Trung Quốc sang Úc tăng với tỷ lệ 2 con số trong giai đoạn 2017-1018, nhưng chỉ tăng 0,3% trong giai đoạn 2018-2019.
Canberra cũng từ chối tham gia chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ để thách thức các đòi hỏi chủ quyền thái quá của Trung Quốc trên biển Đông, dù vẫn ủng hộ Mỹ về sự cần thiết phải duy trì một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do, cũng như tránh dán nhãn cho Trung Quốc là “đối thủ chiến lược” và “cường quốc cạnh tranh”.
Brendan Thomas-Noone, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc ĐH Sydney, nói rằng có cảm giác đang gia tăng ở Washington rằng thương mại liên quan trực tiếp đến các vấn đề địa chiến lược như sự hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc, đe dọa vai trò thống trị của Mỹ ở khu vực.
“Trong rất nhiều vấn đề liên quan đến hành động của Trung Quốc ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, Úc đi trước Mỹ, ví dụ vấn đề can thiệp của nước ngoài hay 5G, nhưng trong thương mại, Úc luôn cố gắng cân bằng giữa với Mỹ và Trung Quốc”, ông Thomas-Noone nói. “Ông Morrison nỗ lực khéo léo, đồng ý rằng Mỹ có những phàn nàn chính đáng về chính sách kinh tế của Trung Quốc. Nhưng tôi không nghĩ ông Morrison sẵn sàng đi xa như Mỹ”, ông nói thêm.
Leave a comment