Home Cộng Đồng Mỹ điêu đứng vì lệnh hạn chế xuất khẩu thiết bị y tế của Trung Quốc
Cộng Đồng

Mỹ điêu đứng vì lệnh hạn chế xuất khẩu thiết bị y tế của Trung Quốc

Các sản phẩm y tế phải được chính phủ Trung Quốc cấp giấy chứng nhận mới được xuất khẩu, điều này tạo ra nút cổ chai làm tắc nghẽn nguồn cung toàn cầu khi dịch bệnh lan rộng.

Theo các doanh nghiệp và bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao Mỹ, lệnh hạn chế xuất khẩu thiết bị y tế của Trung Quốc khiến khẩu trang, bộ kit xét nghiệm và các thiết bị y tế khác không thể xuất đi, đe dọa nhu cầu khẩn cấp của Mỹ và nhiều nước trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, Wall Street Journal cho biết.

Một số lượng lớn thiết bị bảo hộ y tế và các hàng hóa khác đang ở trong các nhà kho trên khắp Trung Quốc không thể thông quan vì lệnh hạn chế, một số nhà cung cấp và môi giới cho biết.

Chuỗi cung ứng bị đe dọa

PerkinElmer Inc, nhà sản xuất thiết bị y tế có trụ ở tại Massachusetts, không thể vận chuyển 1,4 triệu bộ kit xét nghiệm virus corona từ nhà máy ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc vì không có giấy chứng nhận theo quy định mới, theo bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao Mỹ được Wall Street Journal xem xét.

Chính sách mới được ban hành trong tháng này và các quan chức Trung Quốc cho biết giải pháp của họ nhằm mục đích kiểm soát chất lượng các sản phẩm y tế xuất khẩu và đảm bảo các hàng hóa cần thiết không được vận chuyển ra khỏi Trung Quốc.

My dieu dung vi lenh han che xuat khau thiet bi y te cua Trung Quoc hinh anh 1 zz_china_4.jpg
Một công nhân đang kiểm tra khẩu trang tại nhà máy ở Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Thay vào đó, chính sách mới đã tạo ra “nút cổ chai” trong thời điểm khẩn cấp về nhu cầu, theo các nhà cung cấp và môi giới.

Chính sách này của Trung Quốc có thể phá vỡ chuỗi cung ứng được thiết lập cho các sản phẩm y tế, trong khi đây là sản phẩm thiết yếu nhất cho phản ứng của toàn cầu chống lại đại dịch Covid-19.

“Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực để kiểm soát chất lượng, nhưng chúng tôi không muốn điều này trở thành một trở ngại cho việc xuất khẩu kịp thời các nguồn cung cấp quan trọng”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố.

Số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ và các nơi khác đang tăng vọt, vượt qua cột mốc 2 triệu ca nhiễm trên toàn cầu. Trên khắp nước Mỹ, các bệnh viện đang thiếu trầm trọng khẩu trang, thiết bị bảo hộ, máy thở và dự trữ khẩn cấp.

Khi được hỏi về các khiếu nại liên quan đến xuất khẩu thiết bị y tế, Zhao Lijian, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với các phóng viên ở Bắc Kinh, rằng Trung Quốc muốn đảm bảo chất lượng các sản phẩm y tế.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết toàn thế giới đang săn lùng các sản phẩm y tế, gây ra thách thức lớn cho những nỗ lực kiểm soát chất lượng và quy định xuất khẩu của Trung Quốc.

Việc nguồn cung vật tư y tế bị tắc nghẽn ở Trung Quốc như “đổ dầu vào lửa” trong sự căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington liên quan đến đại dịch Covid-19. Trung Quốc và Mỹ đều đổ lỗi cho nhau, nhưng cũng cam kết hợp tác với nhau liên quan đến dịch bệnh.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump chỉ trích Trung Quốc về những phản ứng ban đầu của họ đối với dịch bệnh. Tổng thống Trump nhiều lận viện dẫn sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh đã khiến cho dịch bệnh lây lan rộng hơn.

Để sửa chữa hình ảnh của mình, Trung Quốc đã cố gắng định hình lại, nhận thức về vai trò của họ trong cuộc khủng hoảng, tận dụng năng lực sản xuất để xuất khẩu vật tư y tế quan trọng cho các nước bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, Bắc Kinh liên tiếp gặp phải những khiếu nại từ châu Âu về chất lượng khẩu trang, quần áo bảo hộ và các sản phẩm y tế khác từ Trung Quốc.

Trung Quốc ngay sau đó đã áp dụng lệnh hạn chế xuất khẩu. Hải quan Trung Quốc đã cấm xuất khẩu các sản phẩm y tế mà không có giấy chứng nhận từ Cơ quan quản lý sản phẩm y tế quốc gia, ngay cả khi hàng hóa đó đã đăng ký với Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).

Nhà sản xuất Mỹ điêu đứng

Trung Quốc là nhà cung cấp gần như không thể thay thế, Bắc Kinh sản xuất hơn 40% lượng nhập khẩu khẩu trang, găng tay, kính bảo hộ, tấm che mặt và hàng may mặc y tế của thế giới, theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.

Trong những tuần gần đây, Mỹ đã thành lập một đội đặc nhiệm trong số các nhà ngoại giao của họ ở Trung Quốc để giúp các công ty, tiểu bang và liên bang mua vật tư y tế để vận chuyển về Mỹ. Một người quen thuộc với vấn đề cho biết sự tắc nghẽn đối với các lô hàng đang giảm bớt phần nào.

My dieu dung vi lenh han che xuat khau thiet bi y te cua Trung Quoc hinh anh 2 z_china_1_1.jpg
Nhiều lô hàng thiết bị y tế của Mỹ bị kẹt ở Trung Quốc vì thiếu giấy chứng nhận. Ảnh: AP.

Hôm 10/4, Trung Quốc tiếp tục thêm vào lệnh hạn chế, các sản phẩm y tế như máy thở, khẩu trang phải được kiểm tra 2 lần trước khi chúng có thể được chuyển ra nước ngoài.

Các bảng mạch được sử dụng trong máy thở do General Electric của Mỹ sản xuất được chế tạo tại Trung Quốc đã bị kẹt lại kho trong 5 ngày vì nhầm lẫn với các quy định mới. Theo những người quen thuộc với vấn đề, nếu không có lô hàng này, dây chuyền sản xuất máy thở ở Wisconsin có thể phải ngừng hoạt động vì hết linh kiện.

Sau nhiều ngày đàm phán giữa các nhà sản xuất, chính quyền địa phương và một hiệp hội kinh doanh, lô hàng cuối cùng đã rời Thượng Hải trong một chiếc máy bay đi Mỹ vào ngày 12/4.

Tuy vậy, một số lô hàng khác vẫn bị mắc kẹt tại Trung Quốc. Owens & Minor Inc, một công ty chăm sóc sức khỏe có trụ sở tại Virginia, có một lô hàng gồm 2,4 triệu khẩu trang đáp ứng tiêu chuẩn của FDA, nhưng bị kẹt tại nhà kho ở Thượng Hải vì thiếu chứng nhận theo quy định mới của Trung Quốc.

Nhà điều hành bệnh viện Emory không thể lấy 100.000 khẩu trang N95 và 40.000 áo bảo hộ ra khỏi Trung Quốc vì lý do tương tự.

Cellex Inc, công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại North Carolina đã nhận được đơn hàng từ 4 tiểu bang để mua bộ xét nghiệm kháng thể virus corona, tuy nhiên, họ không thể đặt hàng mà không có giấy chứng nhận từ Trung Quốc, dù sản phẩm của họ đã được FDA cấp chứng nhận vào ngày 1/4.

Các công ty Mỹ có hàng hóa mắc kẹt tại Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận. Các nhà cung cấp cho biết nhu cầu cấp thiết đã tạo ra “thị trường hoàn hảo cho người bán”, với giá cả thay đổi hàng ngày tại nhà máy, ngập tràn những lời đề nghị, nhưng chỉ được mua với số lượng tối thiểu và những điều kiện nhất định.

“Trung Quốc đang ở trong một tình huống khó xử. Họ muốn bán càng nhiều sản phẩm càng tốt, nhưng mặt khác, các sản phẩm của Trung Quốc đang bị chỉ trích về chất lượng”, Solomon Matzner, đối tác sáng lập BioAktive Specialty Products, có trụ sở tại Thượng Hải, người hỗ trợ chính phủ Mỹ và Đức để cung cấp khẩu trang N95 nói.

Theo ZIng

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *