Home Cộng Đồng Kinh nghiệm của Úc trong kiểm soát, quản lý mạng xã hội
Cộng Đồng

Kinh nghiệm của Úc trong kiểm soát, quản lý mạng xã hội

Hiện nay, tình trạng tin giả, tin độc hại trên mạng xã hội đang là một vấn đề khá nhức nhối. Thực trạng này như thế nào trên thế giới và giải pháp của Úc ra sao? Chế tài trừng phạt của nước này đã đủ sức răn đe hay chưa?

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, mạng xã hội xuyên quốc gia như Facebook, Twitter, Youtube… đã tạo ra những cơ hội, khả năng tiếp xúc, giao lưu văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trên thế giới. Nhưng chưa bao giờ môi trường ảo lại nhiều tác động tiêu cực như hiện nay. Tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật, các nội dung phản cảm, thiếu tính giáo dục, kích động bạo lực trên Internet, mạng xã hội đang diễn biến rất phức tạp.

Nhận thức rõ những nguy cơ mà mạng xã hội gây ra đối với an ninh quốc gia, Úc cùng nhiều nước trên thế giới cũng đã triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát tốt hơn những thông tin được phép đăng tải trên mạng xã hội và hạn chế tối đa sự lan tràn, phát tán những thông tin giả mạo và độc hại.

Logo một số mạng xã hội. Ảnh: Elevatealaska.

Việc trẻ em dùng mạng xã hội đang là thực tế khiến nhiều bậc cha mẹ tại Úc lo ngại bởi các em có thể bị bắt nạt trên mạng, có thể tiếp cận các thông tin độc hại, không phù hợp lứa tuổi hoặc bị lạm dụng hình ảnh hay bị các đối tượng xấu tiếp cận. Số liệu thống kê trong một cuộc điều tra năm 2018 tại Úc đối với 4.000 trẻ vị thành niên từ 12 đến 15 tuổi cho thấy mạng xã hội là nguyên nhân chính khiến cho sức khỏe tâm thần của trẻ em ở lứa tuổi này ngày càng tồi tệ hơn.

Chính vì vậy vào năm ngoái, chính phủ Úc đã đưa ra dự thảo luật nhằm gia tăng sự bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến. Một trong những nội dung đáng chú ý của dự luật là việc đề xuất những trẻ em dưới 16 tuổi muốn tham gia các nền tảng xã hội thì cần nhận được sự đồng ý của cha mẹ. Dự luật này yêu cầu các nền tảng xã hội phải có trách nhiệm trong việc xác định tuổi của các thành viên tham gia. Bên cạnh đó, dự luật cũng yêu cầu các nền tảng xã hội phải cân nhắc những vấn đề liên quan đến lợi ích trẻ em khi xử lý các thông tin liên quan đến trẻ em, đặc biệt là các thông tin gửi cho bên thứ 3 nhằm phục vụ hoạt động quảng cáo

Ngoài các vấn đề liên quan đến trẻ em, dự luật còn yêu cầu các nền tảng xã hội phải có chính sách về quyền riêng tư một cách rõ ràng, dễ hiểu về việc thu thập, lưu giữ và sử dụng thông tin cá nhân của các thành viên, phải thông báo tới các thành viên về việc thu thập các thông tin này và phải nhận được sử đồng ý của các thành viên đối với các hành vi này.

Dự luật đề xuất nếu một cá nhân vi phạm các quy định này thì có thể sẽ bị phạt lên tới hơn 500.000 AUD và còn nếu tổ chức vi phạm thì có thể sẽ bị phạt tới 10 triệu AUD.

Cũng trong năm ngoái, Úc cũng xem xét việc yêu cầu người dùng mạng xã hội cung cấp giấy tờ tùy thân khi mở tài khoản trên mạng xã hội để gắn trách nhiệm của từng cá nhân đối với các hành vi trên mạng. Đồng thời, Úc cũng cân nhắc cấm những người dùng mạng xã hội dưới dạng ẩn danh để tham gia các trang hẹn hò trực tuyến. Úc mong muốn bằng việc xác định danh tính của từng cá nhân trên mạng xã hội sẽ làm gia tăng trách nhiệm của từng người đối với các hoạt động của mình trên mạng xã hội để đưa các nền tảng này trở thành môi trường lành mạnh.

Kinh nghiệm đáng tham khảo của Úc

Úc rất quan tâm tới việc giáo dục, hướng dẫn và bảo vệ trẻ em trên các nền tảng xã hội. Tại Úc, việc này đầu tiên được coi là thuộc trách nhiệm của gia đình. Với trẻ em lứa tuổi nhỏ thì cha mẹ sẽ là người xác định nội dung, thông tin và thời gian để trẻ tiếp cận thông tin trên Internet. Khi lớn hơn và có thể bắt đầu tự sử dụng các thiết bị điện tử cá nhân như điện thoại, máy tính bảng hay máy tính, các bậc cha mẹ nói chuyện, hướng dẫn con cái trước khi cho con sử dụng các thiết bị này và lập ra một quy tắc trong gia đình về việc sử dụng các thiết bị điện tử.

Với các trang mạng xã hội, luật pháp tại Úc quy định, chỉ có người từ 13 tuổi trở lên mới được tham gia song lại chưa có biện pháp để kiểm soát chặt chẽ điều này. Sử dụng Internet và mạng xã hội an toàn cũng là nội dung được chú trọng tại trường học.

Theo các chuyên gia, xu hướng phát triển mạng xã hội là tất yếu và cần điều chỉnh để phát triển minh bạch, rõ ràng và kiểm soát được nhưng không nên kìm hãm. Trong bối cảnh các công ty công nghệ lớn như Google, Facebook và Tiktok… ngày càng tạo ra nhiều sức ảnh hưởng song lại có quá ít trách nhiệm với cộng đồng, thì vai trò thắt chặt kiểm soát của các chính phủ là cần thiết. Ngoài trách nhiệm của các công ty công nghệ, một yếu tố quan trọng khác để đảm bảo môi trường mạng xã hội lành mạnh, đó là ý thức của mỗi người tham gia mạng xã hội. Ở đây, vai trò của giáo dục là rất quan trọng.

Một số quốc gia như Úc đã đưa các nội dung ứng xử trên không gian mạng vào trường học. Hay Indonesia, mới đây Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia đã ký kết thỏa thuận với Twitter nhằm thiết lập giáo trình và mô hình học tập về nhận thức sử dụng mạng xã hội cho các đối tượng là học sinh, giáo viên và những người làm công tác giáo dục ở cấp cơ sở. Những chương trình như vậy được kỳ vọng sẽ góp phần định hướng và điều chỉnh cách ứng xử phù hợp trên không gian mạng./.

Theo VOV.vn

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *