Home Cộng Đồng ‘Hiếp dâm kỹ thuật số’ 32 bệnh nhân, nam bác sĩ lãnh án 10 năm tù
Cộng Đồng

‘Hiếp dâm kỹ thuật số’ 32 bệnh nhân, nam bác sĩ lãnh án 10 năm tù

Vụ việc xảy ra tại tỉnh Cher ở miền trung nước Pháp. Ngoài án tù, vị bác sĩ còn bị tước giấy phép hành nghề vĩnh viễn và bị cấm cư trú ở Cher trong 10 năm.

Tòa án tại Cher đã xét xử và tuyên phạt vị bác sĩ đa khoa về hưu vào ngày 29-6 (giờ địa phương) với mức án 10 năm tù cho tội hiếp dâm bằng cách lợi dụng quyền lực nghề nghiệp.

Bác sĩ Thierry Dassas, 68 tuổi, hành nghề tại Argent-sur-Sauldre, thị trấn nhỏ 2.000 dân thuộc tỉnh Cher, vùng Centre-Val de Loire.

Sự thật là tội “hiếp dâm” của ông bác sĩ được gọi chính danh là “hiếp dâm kỹ thuật số” (quay phim lại các hành vi xấu của mình) và các tội “hiếp dâm với dụng cụ y khoa” đối với 32 nữ bệnh nhân của mình.

Ông ta đã cho quay phim lại những hành vi “xâm phạm tính riêng tư của các nữ bệnh nhân, che giấu dưới vỏ bọc khám phụ khoa”.

Thoạt đầu vị bác sĩ về hưu bị đưa ra mức án 18 năm tù giam nhưng các luật sư đã bảo vệ giúp thân chủ mình “trắng án” trong một số trường hợp bị cáo buộc hiếp dâm.

Bị cáo Dassas đã nhìn nhận có quay phim mà không có sự đồng ý của các bệnh nhân, nhưng một mực khẳng định không hiếp dâm như cách hiểu thông thường.

Sau phiên tòa kéo dài đã nhiều tuần, bị cáo có 10 ngày để kháng cáo trước mức án công bố ngày 29-6 vừa qua.

Từ chuyện cứu chữa bệnh rồi dẫn đến mối quan hệ sâu hơn giữa bác sĩ nam và nữ bệnh nhân là chuyện có thật và thường thì người thiệt thòi là phụ nữ. Một bản kiến nghị luật hóa để ngăn chặn hành vi trên, với chữ ký của nhiều nhân vật có tiếng tại Pháp đã được gửi lên chính phủ Pháp hôm 27-3 vừa qua.

Trong số các bác sĩ và những người đấu tranh cho quyền lợi phụ nữ gửi kiến nghị có ông Jean-Paul Hamon – chủ tịch Hiệp hội các bác sĩ Pháp, nữ bác sĩ về bệnh phổi Irène Frachon – người đã tố cáo vụ bê bối thuốc chữa bệnh Mediator cách đây vài năm, bà Marilyn Baldeck thuộc Hiệp hội châu Âu đấu tranh chống bạo hành phụ nữ trong lao động, và nữ bác sĩ chuyên về bệnh tâm thần Muriel Salmona.

Bản kiến nghị nêu lên thực trạng “đáng ngạc nhiên” là điều khoản cấm này chưa từng được nêu lên trong các văn bản về hành nghề y, đồng thời lý giải là không thể xem bệnh nhân là “đối tượng công dân trưởng thành bị mất quyền tự do khi đến thăm khám điều trị”.

Những người đề đạt bản kiến nghị nói trên cũng nêu rõ rằng họ không có ý định xúc phạm hay sỉ nhục một ngành nghề cao quý như nghề y với những bác sĩ luôn trong sáng và tận tụy với nghề, mà họ chỉ muốn ngăn cản những bác sĩ cố ý lợi dụng quyền hạn của mình để làm việc xấu, một vài “con sâu làm rầu nồi canh” thôi.

Theo bản kiến nghị, “khó đánh giá đúng mức về hậu quả của những lầm lỗi này”, song hiện nay nhiều nạn nhân đã lên tiếng và công chúng, kể cả đội ngũ y bác sĩ cũng khó dung thứ như trước đây.

Số liệu thống kê về hiện tượng này không nhiều. Trong một báo cáo chuyên đề năm 2000 của Hội bảo về quyền lợi bác sĩ của Pháp có tựa đề “Nghề y và vấn đề tình dục”, con số được đưa ra là khoảng 40 trường hợp như thế trong vòng 10 năm.

Trên thực tế, quan hệ giao tiếp giữa bác sĩ và người bệnh trong quá trình điều trị rất dễ gây phát sinh một tình cảm vô thức mà nhà phân tâm học Sigmund Freud đã đặt tên là “tình yêu do truyền cảm xúc”, tức giai đoạn mà hành vi hoặc thái độ của bệnh nhân sẽ gợi lên trong cảm xúc của bác sĩ một tình cảm thương mến hay đố kỵ nào đó và bác sĩ có thể “đi quá xa” khi không kiềm chế được cảm xúc này, nhất là các bác sĩ chuyên về bệnh tâm thần và bác sĩ sản phụ khoa.

Theo Tuổi Trẻ