Home Cộng Đồng Hàn Quốc coi Covid-19 như cúm mùa, Nhật Bản đóng cửa nhà trẻ do dịch, Úc thận trọng
Cộng Đồng

Hàn Quốc coi Covid-19 như cúm mùa, Nhật Bản đóng cửa nhà trẻ do dịch, Úc thận trọng

Hiện nay Hàn Quốc xem xét dịch Covid-19 như cúm mùa. Tại Nhật Bản, có sự gia tăng nhà trẻ phải tạm đóng cửa do dịch. Trong khi đó, các chuyên gia Úc cảnh báo vẫn phải chuẩn bị cho tình huống xảy ra các đợt bùng phát mới.

Chính phủ Hàn Quốc quyết định xem xét phương án đối phó với dịch Covid-19 như cúm mùa, đảm bảo hệ thống y tế có thể xử lý ngay cả khi số ca nhiễm tăng trong tương lai. Điều này cho thấy Hàn Quốc đang có ý định dần chuyển đổi sang hệ thống phòng dịch thông thường.

Trạm xét nghiệm nhanh được lắp đặt nhiều ở khu vực thủ đô Seoul. Ảnh: Yonhap News

So với thời điểm cuối tháng 12/2021 khi số ca bệnh nặng cao kỷ lục, số ca nhiễm phát sinh trong những ngày đầu tháng 2 năm nay tuy nhiều gấp 5 lần, song số ca nhiễm nặng chỉ bằng một phần tư. Số ca bệnh nặng duy trì ở mức 200 ca trong một tuần trở lại đây.

Tháng 12 năm ngoái, công suất giường cho bệnh nhân nặng là khoảng 80%. Con số này hiện chỉ rơi vào khoảng 20%.

Trên cơ sở đó, Cơ quan phòng dịch Hàn Quốc cho biết nếu xu hướng này tiếp tục ổn định thì sẽ xem xét nới lỏng biện pháp phòng dịch và tái khởi động lộ trình khôi phục đời sống thường nhật. Khi đó, dịch Covid-19 sẽ được đối phó tương tự như bệnh cúm mùa. Kế hoạch này chỉ có thể được thực hiện với điều kiện năng lực y tế vẫn được đảm bảo ngay cả khi số ca nhiễm tăng.

Các ca nhiễm biến thể Omicron có đặc điểm là không có triệu chứng hoặc chỉ bị nhẹ. Theo đó, Hàn Quốc sẽ thay đổi phương thức điều tra dịch tễ theo hướng bệnh nhân tự báo cáo, tức tự ghi ghép lịch trình di chuyển và đối tượng tiếp xúc gần.

Bên cạnh đó, số ca mắc Covid-19 mới đang tăng nhanh hơn dự kiến, khiến Chính phủ quyết định chuyển đổi cơ chế y tế để các ca mắc thông thường không thuộc nhóm rủi ro cao có thể tự quản lý sức khỏe tại nhà. Tuy nhiên, bất chấp tốc độ lây lan nhanh của biến thể Omicron, Chính phủ quyết định vẫn giữ nguyên tắc cho học sinh đến trường trở lại bình thường từ học kỳ mới.

Hàn Quốc sẽ áp dụng hệ thống giám sát điều trị tại nhà sửa đổi từ ngày mai (10/2) trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, người trên 60 tuổi và người thuộc nhóm quản lý tập trung được kê thuốc điều trị dạng uống sẽ được giám sát sức khỏe ngày hai lần như hiện tại, và được cung cấp bộ thuốc điều trị tại nhà.

Các bệnh nhân thông thường khác sẽ phải tự liên lạc tới cơ sở y tế để được điều trị trong trường hợp có triệu chứng, không được cung cấp bộ thuốc điều trị tại nhà. Trong gia đình nếu có ca mắc Covid-19, nhưng những thành viên còn lại nếu đã tiêm phòng xong vaccine thì không bị cách ly tại nhà.

Mặc khác, Bộ Giáo dục Hàn Quốc công bố vẫn giữ nguyên tắc để học sinh quay trở lại trường bình thường trong học kỳ mới. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục quyết định tăng quyền tự quyết về tổ chức học tập tùy theo tình hình mỗi trường. Tiêu chí quyết định là số ca nhiễm mới trong học sinh và tỷ lệ học sinh tạm ngừng đến trường. Dựa trên hai tiêu chí này, trường có thể lựa chọn 4 phương án là vẫn cho học sinh tới trường bình thường, cho học sinh tới trường nhưng hạn chế một phần hoạt động ngoại khóa, tổ chức học tập trực tuyến một phần, tổ chức học tập trực tuyến toàn bộ.

Ngoài ra, hệ thống phòng dịch tại trường học cũng sẽ có sự thay đổi. Nếu phát sinh ca mắc Covid-19 trong trường, trường sẽ tự tiến hành phân loại những người tiếp xúc gần và được hỗ trợ về xét nghiệm. Trong số những người tiếp xúc gần, người không có triệu chứng sẽ được test nhanh kháng nguyên, nếu âm tính thì sẽ có thể tiếp tục tới trường và được xét nghiệm thêm ba lần trong vòng một tuần tiếp theo.

Bộ Giáo dục Hàn Quốc quyết định sẽ cung cấp 6,5 triệu bộ kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên, đồng thời bố trí trạm xét nghiệm khuếch đại gen (PCR) lưu động cho các trường.

Số nhà trẻ Nhật Bản phải tạm đóng cửa tăng nhanh do dịch Covid-19

Trong bối cảnh biến thể Omicron đang lan rộng tại Nhật Bản thời gian gần đây, số lượng các cơ sở giữ trông giữ trẻ phải đóng cửa tạm thời đang có xu hướng tăng mạnh tác động không nhỏ tới các hoạt động kinh tế xã hội nước này.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tính đến ngày hôm qua (8/2) có 777 cơ sở giữ trẻ tại 43 trên tổng số 47 tỉnh thành phải tạm thời đóng cửa. Con số này tăng 133 cơ sở so với tuần trước. Quyết định đóng cửa được chính quyền địa phương cho phép khi có trẻ hoặc nhân viên giữ trẻ bị nhiễm Covid-19.

Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno tại một cuộc họp báo thường kỳ cho biết, cần hạn chế tối đa tình trạng lây lan tại các cơ sở giữ trẻ, cũng như các cơ sở giáo dục, vì điều này sẽ gây khó khăn cho việc tiếp tục các hoạt động kinh tế và xã hội.

Để đối phó với tình hình trên, chính phủ Nhật Bản cũng đưa ra các biện pháp mới bao gồm việc đơn giản hóa các thủ tục để phụ huynh xin trợ cấp khi buộc phải nghỉ làm để chăm sóc con cái do các nhà trẻ và trường học đóng cửa.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cũng tạm thời khuyến cáo tại nhà trẻ, trẻ em trên 2 tuổi nên đeo khẩu trang để phòng chống lây lan dịch bệnh.

Về tiêm chủng, chính phủ Nhật cũng sẽ tạo điều kiện để sớm tiêm nhắc lại cho nhân viên giữ trẻ cũng như nhân viên chăm sóc người cao tuổi. Trước đó, Thủ tướng Kishida Fumio cho biết Nhật Bản đang hướng tới mục tiêu tăng tốc quá trình tiêm chủng để thực hiện 1 triệu mũi tiêm nhắc lại mỗi ngày vào nửa cuối tháng 2. Vào tuần trước, lần đầu tiên số ca mắc mới Covid-19 tại Nhật Bản vượt quá 100.000 ca một ngày, nhưng tính đến ngày 7/2 mới chỉ có khoảng 7,5 triệu người tương đương 5,9% dân số Nhật Bản đã được tiêm mũi thứ ba kể từ đầu tháng 12/2021.

Úc: Dịch giảm nhưng vẫn cần chuẩn bị ứng phó với đợt bùng phát mới

Đợt bùng phát biến thể Omicron tại Úc đã vượt qua đỉnh và đang ngày càng giảm với hơn 28 nghìn ca bệnh mới được phát hiện trong ngày hôm nay. Trước thực tế này, Úc đã quyết định nới lỏng hơn nữa các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và mở cửa biên giới quốc tế từ ngày 21/2 tới. Tuy vậy các chuyên gia y tế vẫn cho rằng, cho dù dịch bệnh giảm thì nước này vẫn cần có sự chuẩn bị để ứng phó với những diễn biến mới.

Úc đang lạc quan khi dịch Covid-19 đang ngày càng thuyên giảm tại nước này nếu so với thời điểm đỉnh dịch vào đầu tháng 1/2022. Nếu nhìn vào thực tế tại Đan Mạch, khi tỷ lệ tử vong vì Covid-19 xuống mức bằng hoặc thấp hơn tỷ lệ mắc cúm thì Úc đang tin tưởng rằng nước này cũng có thể đạt được tỷ lệ này và khi đó, Covid-19 không còn là một căn bệnh quá đáng sợ như đã diễn ra trong 2 năm vừa qua.

Giáo sư Tony Blakely thuộc trường Đại học Melbourne cho biết, sau khi Omicron bùng phát không loại trừ lại xuất hiện 1 biến thể mới. Tuy vậy, những gì diễn ra thời gian qua cho thấy, dường như biến thể mới xuất hiện không nguy hiểm như các biến thể trước đó vì đã có vaccine, xuất hiện, nhiều bệnh nhiễm trùng tự nhiên và con người đã có cách thức để làm giảm động lực của virus. Tuy nhiên đây cũng chỉ mới là phỏng đoán và tình hình thực tế thì chưa thể ai có thể khẳng định.

Giáo sư dịch tễ học lâm sàng Nancy Baxter thuộc Đại học Melbourne cho hay, cho dù biến thể mới ít có khả năng gây bệnh nặng và có tỷ lệ tử vong không cao thì số người bị ảnh hưởng và phải nhập viện vì căn bệnh này vẫn là rất lớn, vì thế, chúng ta vẫn cần phải có kế hoạch chuẩn bị ứng phó với biến thể mới. Theo đó, một số biện pháp kiểm soát dịch bệnh vẫn nên được áp dụng đó là đeo khẩu trang và cải thiện hệ thống thông gió để giảm thiểu số lượng người mắc bệnh. Bên cạnh đó, giáo sư Blakely cho rằng, chính quyền cần dự trữ một lượng lớn kít xét nghiệm kháng nguyên nhanh, tiếp tục kêu gọi người dân tiêm mũi tăng cường, sản xuất các loại vaccine có thể ngăn chặn được nhiều biến thể, xây dựng khung các biện pháp ứng phó khi có biến thể mới và thiết lập hệ thống kiểm soát dịch bệnh và phân tích số liệu.

Mặc dù Úc đang là một trong những quốc gia ứng phó tốt với dịch bệnh, song việc tiếp tục cải thiện cách thức ứng phó với đại dịch sẽ giúp nước này có sự chuẩn bị tốt hơn khi xuất hiện biến thể mới./.

Theo VOV

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *