Home Cộng Đồng Gia đình nghi phạm vụ xả súng tại New Zealand gửi lời xin lỗi đến các nạn nhân
Cộng Đồng

Gia đình nghi phạm vụ xả súng tại New Zealand gửi lời xin lỗi đến các nạn nhân

Gia đình của tay súng Brenton Tarrant tại Úc vừa lên tiếng xin lỗi và chia sẻ nỗi đau với người nhà nạn nhân trong vụ thảm sát kinh hoàng tại Christchurch. Biết rõ hành động của Tarrant là “không thể cứu vãn“, giờ đây điều duy nhất họ có thể làm là gửi lời chia buồn và hối lỗi chân thành nhất đến các nạn nhân cũng như những người bị liên lụy.

Ở tuổi 81, bà Marie Fitzgerald vẫn không sao quên được từng kỷ niệm trong quãng thời gian mình chăm sóc hai chị em cháu trai. Trong trí nhớ của bà, Tarrant là một cậu nhóc mê máy tính bình thường như bao người khác.

Nhưng rồi cháu trai bà đột nhiên hóa thành ác quỷ. Gã đã “hoàn toàn thay đổi“, trở nên hết sức xa lạ với chính người thân của mình. Khi biết được án mạng đẫm máu này do một tay Tarrant gây ra, mọi người trong nhà đều “kinh hoảng đến nghẹn lời“, trích lời bà Fitzgerald trong cuộc phỏng vấn với Nine News.

Sau khi đăng một bản tuyên ngôn tràn ngập ngôn từ thù hận lên mạng, kẻ thủ ác đã xả súng liên tiếp vào hai nhà thờ Hồi giáo.

Terry Fitzgerald, bác của hung thủ, cho biết hiện giờ ông không thể nghĩ đến ai khác ngoài các nạn nhân xấu số.

“Chúng tôi xin chia buồn với gia đình các nạn nhân, kể cả những người đã chết lẫn bị thương trong vụ tấn công,” ông nói.

Deepak Sharma lặng người trước bức tường hoa tưởng niệm các nạn nhân tại Botanical Gardens.

Thủ tướng Scott Morrison cho biết ông không đọc một chữ nào trong bản tuyên ngôn đẫm máu đang lan truyền nhanh chóng trên mạng, bởi nó “không cần thiết”.

Song, ông đã hợp tác cùng lãnh đạo phe đối lập Bill Shorten để kêu gọi các công ty truyền thông (chẳng hạn như Facebook) có biện pháp xử lý những nội dung mang tính chất bạo lực và kích động thù địch. Động thái này diễn ra sau khi đoạn video trực tiếp của hung thủ bị phát tán tràn lan trên mạng xã hội.

“Chúng tôi không cho phép những hình ảnh bạo lực rác rưởi này xuất hiện trên phương tiện truyền thông, bất kể là truyền hình hay báo chí. Vì vậy, chúng cũng không thể hiện diện trên mạng xã hội. Dù là công nghệ mới hay cũ đều được áp dụng tiêu chuẩn như nhau,”ông Shorten phát biểu.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã đến thăm cộng đồng Hồi giáo hôm Chủ nhật. Bà cho biết mình sẽ làm việc với Facebook để thương thảo về việc cấm tính năng livestream.

Nhưng sự chú ý của người dân New Zealand đều tập trung vào bộ luật sở hữu súng tại quốc gia này. Đây là thứ đã tiếp tay cho Tarrant mua được hai khẩu súng trường bán tự động có giấy phép, sau đó cải tiến một chút để biến chúng thành công cụ thảm sát.

Bà Jacinda Ardern gặp gỡ cộng đồng Hồi giáo tại Christchurch.

Trước ý kiến chất vấn, bà Ardern cho biết nội các sẽ tiến hành thảo luận về việc sửa đổi luật sở hữu súng vào thứ Hai, sau khi báo cáo số lượng vũ khí dự trữ được đệ trình.

“Không gì có thể ngăn trở trách nhiệm của chúng tôi trong việc cải tổ luật sở hữu súng ở New Zealand,” bà nói, “Thay đổi là điều cần thiết, dù ảnh hưởng của nó đến các tay buôn vũ khí có ra sao đi nữa.”

Suốt ngày thứ Bảy, khu Christchurch (Gun City) trở nên đông nghẹt vì người dân đổ xô đi mua vũ khí. Mạng xã hội tràn ngập những dòng trạng thái về tình hình mua sắm điên cuồng ở đây, số người mua súng tăng nhanh đến chóng mặt.

Tarrant là cựu huấn luyện viên thể hình cá nhân, lớn lên tại thị trấn Grafton thuộc NSW. Hiện tên này vẫn bị giam giữ với tội danh giết người sau phiên tòa sơ thẩm hồi thứ Bảy. Trước cáo buộc của tòa, gã vẫn bình tĩnh làm động tác tay biểu thị cho chủ nghĩa “người da trắng thượng đẳng”.

Các nhà chức trách đang hết sức đau đầu vì một tội phạm nguy hiểm như Tarrant lại chưa từng xuất hiện trong danh sách theo dõi gắt gao của cả Úc lẫn New Zealand. Theo lời người thân của Tarrant, hắn đã trở nên khác lạ sau một chuyến du lịch nước ngoài, và rất có thể đã không còn tỉnh táo khi tiến hành vụ tấn công.

Văn phòng của bà Ardern là một trong những nơi nhận được bản sao “tuyên ngôn” dài 37 trang của Tarrant chỉ vài phút trước khi gã nổ súng.

Phát ngôn viên của văn phòng cho biết bản sao được gửi đến theo một địa chỉ chung, chưa qua sự kiểm tra của bà Ardern. Thứ này được đính kèm trong email gửi đến các quan chức cấp cao của New Zealand, cũng như đông đảo các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước.

Dù không nói rõ điều gì sắp diễn ra, song văn bản trên vẫn được chuyển khẩn cấp đến tay cảnh sát và cơ quan an ninh: “Chúng ta không có khả năng ngăn chặn điều đó.”

Phát biểu trong họp báo vào sáng Chủ nhật, Ủy viên cảnh sát New Zealand Mike Bush cho biết lúc email được gửi đến, cuộc thảm sát đã bắt đầu.

Ông Bush tiết lộ hiện Tarrant được xem là nghi phạm duy nhất. Cảnh sát đã loại trừ khả năng vụ khủng bố dính líu đến một người phụ nữ và hai người đàn ông khác bị bắt vào hôm thứ Sáu.

Hai người đàn ông bị cáo buộc tội danh khác, một trong số đó liên quan đến súng. Người phụ nữ được trả tự do mà không vướng vào tội danh gì.

Trong khi đó, các tình nguyện viên người Úc đã đến Christchurch để phụ giúp cộng đồng Hồi giáo tại đây thực hiện nghi lễ chôn cất, bao gồm cả việc tắm rửa cho xác chết (còn được gọi là “ghusl”).

“Nghi phạm xuất thân từ Úc. Là một công dân của đất nước này, tôi cảm thấy mình cần phải làm chút gì đó để xoa dịu nỗi đau của những nạn nhân,” Ali Armando, 21 tuổi, đến từ Brisbane cho biết.

Sau khi được trả về từ nhà xác vào tối Chủ nhật, những thi thể đầu tiên trong vụ xả súng sẽ sớm được chôn cất theo truyền thống của người Hồi giáo.

Tại Úc, tình trạng ồn ào vẫn chưa lắng xuống sau khi thượng nghị sĩ Fraser Anning cáo buộc vụ khủng bố xảy ra vì New Zealand chấp nhận những người Hồi giáo nhập cư vào đất nước. Một thiếu niên đã ném trứng vào người thượng nghị sĩ và bị ông ta trả đũa bằng nắm đấm.

Với phát ngôn này, ông Anning sẽ phải đối mặt với động thái kiểm điểm đến từ Quốc hội vào tháng 4, theo tuyên bố của lãnh đạo Thượng viện Matthias Cormann và thành viên trong Đảng Lao động của ông Penny Wong hôm Chủ nhật qua.

Chính phủ nhất trí phê bình ông Anning vì “những bình luận gây tổn thương và chia rẽ của ông, thứ đã lôi nạn nhân của một tội ác tàn nhẫn ra làm tâm điểm chỉ trích, đồng thời phỉ báng tôn giáo và tín ngưỡng của người khác. Ý kiến của ông không hề đại diện cho tư tưởng và quan điểm của Thượng viện lẫn người dân Úc.”

Theo vietucnews.net

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *