Bạn có thể “đọc” bất kỳ ai, từ các nhà tổ chức tang lễ, các chính trị gia, đến những đứa trẻ và họ sẽ mang đến cho bạn những câu chuyện mới mẻ trong cuộc sống của họ.
30 phút mượn người
Một sáng mùa Xuân nhiều mưa tại Muncie, Indiana (Mỹ), một phụ nữ trung tuổi da trắng hẹn gặp người phụ nữ chuyển giới có tên Charlize Jamieson. Khởi đầu của cuộc hội thoại không mấy thuận lợi.
Charlize Jamieson đã đến trước và chờ đợi, khi gặp người bạn hẹn, cô đứng dậy và giơ tay ra bắt nhưng người phụ nữ trung tuổi đã từ chối và nói: “Tôi muốn cô biết rằng tôi thuộc đạo Cơ đốc bảo thủ”. Charlize Jamieson đáp: “Tôi theo đạo Cơ đốc tự do. Hãy cùng nói chuyện”.
Cuộc gặp dự kiến chỉ kéo dài trong 30 phút nhưng trên thực tế đã diễn ra trong một tiếng đồng hồ. Cuộc hội thoại kết thúc khi người phụ nữ trung tuổi chủ động đứng dậy và ôm người phụ nữ chuyển giới. Bà nói: “Cảm ơn. Điều này thật tuyệt vời”.
Charlize Jamieson (tóc vàng) trở thành “cuốn sách” trong thư viện để trò chuyện với mọi người. Ảnh: CNN
Charlize Jamieson chia sẻ cô đồng ý trở thành một “cuốn sách” trong “Thư viện Con người” bởi muốn khuyến khích sự đồng cảm.
Jamieson đã dành 30 năm cuộc đời để làm trong lĩnh vực bán lẻ và quản lý CNTT, che giấu cô ấy là ai với thế giới. Cô ấy đã có vợ và ba đứa con, nhưng cô ấy nghĩ rằng mình sẽ mất tất cả nếu cô ấy trở thành một người phụ nữ.
Sự phủ nhận đó dẫn đến một sự tồn tại kép, nơi cô ấy sẽ mặc quần áo phụ nữ khi không có ai khác ở xung quanh. Một lần, cô gọi pizza và quên thay váy khi người giao hàng xuất hiện.
“Anh ấy thậm chí không chớp mắt khi tôi mở cửa”, cô nói. “Anh ấy có lẽ đã nhìn thấy tất cả.”
Sau cùng, Jamieson quyết định sống đúng với giới tính của mình. Cô ấy nói rằng vợ và các con đã ủng hộ hết mình. Jamieson nói, “nó giống như một ngàn cân nặng rơi khỏi vai tôi.”
Và bây giờ, sau nhiều năm lẩn trốn, Jamieson đã trở thành một cuốn sách mở. Cô ấy đang chia sẻ câu chuyện của mình với những người khác, những người có thể thấy thái độ của họ thay đổi chỉ bằng một hành động đơn giản là lắng nghe.
22 năm từ Đan Mạch lan truyền tới thế giới
Thư viện người do một nhóm phi lợi nhuận Đan Mạch có tên “Stop the Violence” lập ra vào năm 2000, trong đó có nhà báo người Ronni Abergel. Ông tự hỏi rằng liệu một thư viện con người có thể đưa mọi người đến gần với nhau như thư viện truyền thống hay không.
Ý tưởng của Abergel trở thành đột phá. Thư viện con người đã tổ chức các sự kiện ở trên 80 quốc gia, ở các thư viện, bảo tàng, trường học. Thư viện con người còn sở hữu trên 1.000 “cuốn sách” nói được 50 thứ tiếng.
Mục đích của thư viện này là tạo điều kiện để con người có thể học hỏi nhau từ chính các cuộc trò chuyện chứ không chỉ sách vở và nâng cao sự hiểu biết giữa những người có thể chưa bao giờ có cơ hội trò chuyện trong cuộc sống bình thường.
Wayne, một tình nguyện viên đóng vai trò như một cuốn “sách” của Thư viện người ở Anh, chia sẻ: “Thư viện người chỉ đơn giản là giúp con người lĩnh hội những chuyện từ miệng người khác thay vì nhìn vào một cuốn sách. Tôi nghĩ mình có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống đầy màu sắc của tôi, tôi nghĩ nó cũng như một cuốn sách vậy”.
Để mượn được một người, các “độc giả” sẽ được chọn một tiêu đề đã ghi sẵn trong cuốn sách liệt kê. Sau khi chọn chủ đề muốn khám phá, họ sẽ được dẫn đến khu vực trò chuyện, nơi họ sẽ được trao đổi với những người sẵn sàng kể chuyện của mình trong vòng 30 phút. Và người bạn muốn “đọc” có thể là bất kỳ ai, từ các nhà tổ chức tang lễ, các chính trị gia, đến những đứa trẻ và họ sẽ mang đến cho bạn những câu chuyện mới mẻ trong cuộc sống của họ.
Có thể mượn những loại sách nào?
Như đã nói, sau hơn 20 năm hoạt động, thư viện người sở hữu trên 1000 cuốn “sách nói” với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Chẳng hạn một số đầu sách nổi tiếng như:
Người đàn ông bên phải nói về lý do tại sao anh ta lại xăm kín cơ thể của mình tại một thư viện mượn người ở London. Ảnh: CNN
“Mượn người” mắc bệnh tự kỷ: Khi số lượng trẻ tự kỷ gia tăng như hiện nay đã khiến các phụ huynh lo lắng cũng như làm cho người tự kỷ bị kỳ thị trong xã hội. Nếu muốn tìm hiểu về căn bệnh này hoặc đơn giản là muốn được sẻ chia, bạn có thể gặp gỡ họ tại thư viện.
“Mượn người” xỏ khuyên, xăm trổ: Có bao giờ bạn từng đặt câu hỏi, vì sao một người lại có nhiều hình xăm đến như vậy? Nếu muốn tìm ra câu trả lời và hiểu hơn về cuộc đời họ, bạn hãy mượn “đầu sách” này.
“Mượn người vô gia cư”: Đến thư viện, bạn hãy tạm gác đi những định kiến mà truyền thông đã thêu dệt về những người con tị nạn và thật sự trò chuyện với họ. Từ đó, bạn sẽ hiểu rõ hơn.
“Mượn người chuyển giới”: Ngoài nỗi đau về thể xác, những người chuyển giới còn phải đối mặt với định kiến xã hội, gia đình, bạn bè. Và họ phải mất bao lâu để đi đến quyết định táo bạo ấy? Vô vàn thắc mắc hay đơn giản là tìm sự đồng cảm sẽ được đáp ứng ở thư viện người.
“Mượn người béo phì”: Thay vì buông lời chê bai, chế nhạo những người béo phì, hãy thử hỏi han trực tiếp và lắng nghe họ.
“Mượn người” khiếm thị, khiếm thính: Những người kém may mắn sẽ đối diện với cuộc sống như thế nào? Họ đau khổ hay lạc quan, vui vẻ? Hãy bước vào thế giới của người khuyết tật qua lăng kính của họ.
Người đàn ông này đã vô gia cư và biến mình trở thành một “cuốn sách” để trả lời các câu hỏi về vấn đề đó. Ảnh: CNN
Năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, thư viện mượn người càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các sự kiện đã được tổ chức trực tuyến với chủ đề liên kết những con người đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Cuộc họp mở đầu khi người dẫn chương trình xuất hiện và tự giới thiệu là thủ thư. Thủ thư chia sẻ với 43 độc giả rằng họ có thể đặt ra bất cứ câu hỏi nào, miễn đó là những câu hỏi có sự tôn trọng. Mỗi độc giả có 30 phút để đặt câu hỏi cho một cuốn sách con người.
Cuộc họp có tổng cộng 8 “quyển sách” với các chủ đề từ tự kỷ, chuyển giới, dân tộc thiểu số, đạo Hồi và hoạt động vì da màu. Sự kiện trực tuyến đã tạo ra sự gần gũi bất ngờ khi độc giả gật gù đồng ý hoặc nở nụ cười khuyến khích với các “cuốn sách” đang lật các trang về cuộc đời của họ. Đây cũng là minh chứng cho thấy internet đã đem mọi người đến gần với nhau.
Nguồn: CNN; Odditycentral
Leave a comment