Cơ thể con người là môi trường tuyệt vời cho một số ký sinh trùng sống và sinh sản.
Các triệu chứng đau đớn, khó chịu thường xuyên diễn ra mà bạn không thể giải quyết, đặc biệt, các triệu chứng diễn ra mơ hồ khiến bác sĩ rất khó chẩn đoán. Chúng chính là quái vật đáng sợ, ký sinh và hủy hoại cơ thể, tinh thần của bạn.
Hình ảnh con sán máng. Ảnh: Infonet.
Sán lợn – ấu trùng sán lợn (Cysticercosis)
Bệnh lây do quá trình ăn uống thức ăn (thịt lợn) hoặc rau sống, hoa quả có chứa trứng của sán lợn sẽ nhanh chóng phát triển thành ấu trùng sán lợn. Ấu trùng ký sinh ở tại cơ quan nào sẽ có biểu hiện lâm sàng.
Ở lợn thì biểu hiện thường ở cơ, xương nhưng ở con người, ấu trùng sán lợn thường ký sinh tại hệ thần kinh, đặc biệt là não hoặc tủy sống, mắt.
Người bệnh có biểu hiện đau đớn toàn thân. Đau đầu âm ỉ, dữ dội kèm buồn nôn, nôn do khối choán chỗ (nang sán) của ấu trùng sán tạo ra trong não, liệt thần kinh khu trú… khi nang sán bị ly giải, vôi hóa (sẹo thần kinh) có thể xuất hiện các cơn động kinh cục bộ hoặc toàn thân.
Đặc biệt nếu ấu trùng sán dị cư tại mắt sẽ gây đau mắt dữ dội, giảm thị lực hoặc mù đột ngột; bệnh nhân có cảm giác có “con gì đang ngọ nguậy, đục phá mắt của mình”. Khi bác sĩ khám mắt, có thể thấy ấu trùng sán lợn, sán lợn đang tàn phá, làm tổ trong đáy mắt, kết mạc,… của người bệnh.
Sán nhái (Sparganosis)
Con người không phải là vật chủ ưa thích của loại quái vật này như ở chó, mèo. Nhưng vô tình người bệnh ăn đồ ăn, thức uống, rau củ quả chứa ấu trùng lông (Cyplops) của sán nhái hoăc tiếp xúc trực tiếp với da ếch tại mắt (chữa bệnh theo cách dân gian là đắp da ếch vào mắt), vết thương ngoài da của người bệnh tiếp xúc trực tiếp với Cyplops khi bơi lội, làm việc trong môi trường ao hồ. Ấu trùng đến ký sinh tại mắt, da, cơ của bệnh nhân sẽ có biểu hiện khác nhau do quá trình phát triển thành sán và cơ chế chống thải ghép (dị vật ngoại lai) của cơ thể.
Điển hình con quái vật này ký sinh và phát triển tại mắt:
Ban đầu, bệnh nhân có cảm giác cộm ở mắt, ngứa ở mắt, cử động nhãn cầu theo các phía khó khăn, đau nhức, chảy nước mắt. Diễn biến nhanh theo ngày: Thị lực giảm dần tới mất do viêm dây thần kinh thị giác (dây số II) hoặc làm tổn thương các tế bào ở đáy mắt, mắt bệnh nhân có thể bị đẩy lồi ra phía trước. Sự đau đớn, dữ đội và cảm giác có dị vật gây khó chịu cực điểm khiến bệnh nhân thường có hành động ‘điên rồ’: chạy đi soi gương, và dùng tay banh mí mắt ra để tìm thủ phạm.
Quái vật này cũng rất nguy hiểm, kể cả khi bác sĩ soi đáy mắt tìm ra nó, dùng dụng cụ vi phẫu để gắp ra, nếu không cẩn thận thì chỉ cần một phần thân sán bị đứt, phần thân sán này sẽ lẩn trốn và phát triển dài ra thêm. Triệu chứng “trả thù: Có thể xuất hiện lại.”
Ngoài ra, sán ký sinh ở da sẽ gây ngứa, tạo thành khối abces. Ở bàng quang, gây đái máu, ở phổi gây ho, ở não gây động kinh, đau đầu…
Sán máng (Schistosomiasis)
Trùng đuôi của sán máng xâm nhập qua da người khi bơi lội, tắm,..
Dấu hiệu của bệnh ban đầu là bệnh nhân có biểu hiện ngứa, mẩn, nổi nốt ở da (vùng tiếp xúc), các điểm xuất huyết nhỏ, tụ dần thành đám. Hoặc có biểu hiện nhiễm trùng, nhiễm độc: Nhức đầu, đau các chi, rét run, ban đêm đổ mồ hôi,…
Sau vài tuần, bệnh nhân có thể biểu hiện đái máu toàn bộ (sán ký sinh ở bàng quang và gây nguy cơ thành ung thư bàng quang); đi ngoài phân máu (sán ký sinh ở đường tiêu hóa và nguy cơ gây thủng tạng rỗng, trĩ, sa trực tràng,…) hoặc gan, lách to, bụng cổ trướng (sán làm viêm tắc hệ thống tĩnh mạch ở gan…).
Truy tìm thủ phạm khó khăn vì kích thước sán nhỏ. Do đó, thường phải nội soi đại tràng, bàng quang, lấy tổ chức sinh thiết để soi tìm thấy sán hoặc làm phản ứng Elisa.
Giun lươn ( Strongyloidiasis)
Ấu trùng tiếp tục phát triển ở ngoại cảnh thành ấu trùng có thực quản hình trụ có khả năng xâm nhập qua da người hoặc sống tự do ở ngoại cảnh. Ấu trùng phát triển thành giun lươn đa phần ký sinh trong đường tiêu hóa, và gây ra các biểu hiện đau bụng thượng vị, đi ngoài phân lỏng.
Biểu hiện khi ấu trùng xâm nhập vào da rất điển hình: Nốt đỏ, ngứa, lan tỏa thành hang, và ta thấy trong đường hầm dưới ra có “con vật đang ngọ nguậy, ăn thịt của bạn”.
Để tránh quái vật tấn công hoặc ký sinh trong cơ thể bạn cần tránh: Ăn đồ mất vệ sinh, thịt tái hoặc sống, các loại rau quả không được rửa sạch,…
Đăc biệt, khi bạn có các cảm giác khó chịu trong cơ thể nên đi khám bác sĩ, hãy kể tỉ mỉ cho bác sĩ các bất thường, rối loạn, bất thường trong cơ thể bạn. Nhiều khi sự bất thường đó chính là triệu chứng giúp bác sĩ truy tìm và loại bỏ các con quái vật bé nhỏ đang hủy hoại cơ thể bạn.
Theo Zing.vn
Leave a comment