Ám ảnh vì tự tay chôn 42 người lính Việt Nam hy sinh trong một trận đánh, nhiều năm nay ông Brian John Cleaver quay trở lại để đi tìm hố chôn tập thể ấy.
Brian John Cleaver có vẻ ngoài thân thiện, hay nói cười, nhưng trong lòng luôn tồn tại nỗi buồn chiến tranh. Đó là ám ảnh về cuộc chiến ở Việt Nam năm 1967, khi ông trực tiếp chôn 42 người lính Việt Nam hy sinh trong một trận đánh.
Brian đặt chân đến Việt Nam lần đầu tiên vào cuối năm 1967 khi mới 20 tuổi. Ông là lính của Trung đoàn số 3 Hoàng gia Australia, có nhiệm vụ tham chiến ở chiến trường miền Nam Việt Nam. Trước khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, Brian và đồng đội đều nghĩ rằng họ nhập ngũ và làm nhiệm vụ khoảng một năm rồi trở về mà không biết cuộc chiến ở Việt Nam đang rất khốc liệt.
Ông kể, vào thời điểm đó người ta có một cái bát. Trong cái bát có những con số và họ phải bốc thăm để quyết định việc có đi hay không. “Nếu con số trùng với ngày sinh của mình, bạn phải đăng ký nhập ngũ. Tôi bốc phải số 11, trùng với ngày sinh và đó là lý do tôi có mặt ở Việt Nam”, người cựu binh 68 tuổi cho hay.
Brian John Cleaver quay trở lại Việt Nam vào tháng 7 để tham gia hoạt động tư vấn tìm mộ liệt sĩ của Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ. Ảnh: Hoàng Phương. |
Trận đánh ở Bình Mỹ
Tháng 5/1968, Brian có mặt ở căn cứ quân sự thuộc xã Bình Mỹ, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Từ sau Tết Mậu Thân, chiến sự nơi đây diễn ra ác liệt. Nhưng thời gian này, hai bên tạm ngừng chiến, thăm dò động tĩnh của nhau. Mỗi ngày, người lính bên này có thể trông thấy đối phương bên kia chiến tuyến nhưng không làm gì cả. Brian gọi thời gian đó là một cơn ác mộng bởi tinh thần luôn trong trạng thái căng thẳng tột độ.
“Vào một đêm, những người lính Việt Nam đột ngột tấn công. Họ sử dụng súng cối nã về phía chúng tôi, phát súng đầu tiên rơi đúng vị trí tôi đứng. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên nhất là không hiểu vì sao họ lại có thể bắn chuẩn xác như vậy”, ông kể.
Trận đánh ác liệt diễn ra ở khu vực trống trải, không có bụi cây để ẩn nấp. Rạng sáng, khi cuộc đối đầu kết thúc, Brian mất 5 đồng đội và 14 người bị thương. Bộ đội Việt Nam thương vong 42 người. “Chúng tôi chôn họ vào một hố bom rồi gạt đất lấp lại. Khi chúng tôi rời đi, còn một thi thể vẫn đang cháy bởi photpho ở gần hố chôn. Đó là những hình ảnh tôi không muốn nhớ lại nhất, nhưng chúng lại ám ảnh tôi trong nhiều năm”, ông kể.
Cuối năm 1968, anh lính Cleaver kết thúc nhiệm vụ ở Việt Nam và trở về nước. Thời gian ấy, ở Mỹ và Australia đều diễn ra những cuộc biểu tình phản đối chiến tranh. Con tàu đưa ông và những đồng đội cập cảng lúc nửa đêm, không có một thông báo gì về sự trở về này bởi họ sợ phải đối đầu với những người biểu tình. “Ở trên tàu, chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm như trút được một gánh nặng. Đó là cảm giác thoải mái nhất từ sau khi chúng tôi đặt chân đến Việt Nam”, ông nói.
Bước ra khỏi chiến tranh, cuộc sống của Brian John Cleaver đổi khác hoàn toàn. Ông dường như mâu thuẫn với chính mình, vừa muốn hòa nhập với cộng đồng, nhưng lại vừa cố để tách mình ra với thế giới xung quanh. Khi đi làm, ông đóng chặt tất cả cửa phòng, không muốn gặp bất cứ ai, đôi khi chỉ ngồi lẳng lặng một mình và khóc. Bác sĩ chẩn đoán ông mắc hội chứng stress sau chiến tranh.
Khi tham chiến ở Việt Nam, Brian mới 20 tuổi. Ảnh: NVCC. |
“Trong số những người trở về từ cuộc chiến, rất nhiều người gặp vấn đề về tâm lý và tôi là một trong số đó. Khi tôi gặp họ, hầu hết đều thốt lên rằng đáng lẽ họ không nên đi. Nhiều người không muốn quay lại Việt Nam vì sợ những ký ức trong quá khứ sẽ trỗi dậy”, ông nói.
12 năm đi tìm hố chôn 42 liệt sĩ
Năm 2002, Brian Cleaver quyết định quay trở lại Việt Nam. Ý định ban đầu của ông là muốn xem đất nước ấy thay đổi như thế nào, nhìn ngắm lại cảnh vật như một cách để đối mặt với quá khứ, chữa trị vết thương tâm lý chiến tranh.
Ông trở lại Bình Mỹ. Chiến trường xưa chỉ có đất trống và khói súng nay đã là một rừng cao su bạt ngàn. Brian gặp được ông Hòa, Chủ tịch Hội cựu chiến binh của xã Bình Mỹ. Ông Hòa có một tập tài liệu dày ghi lại những trận đánh trong nhiều năm. Hai người cùng lật lại sự kiện ngày 26/5/1968 thì thấy ghi chép “Một trung đội quân giải phóng Việt Nam khoảng 40 người bị thương, mất tích tại khu vực này” và không có thêm bất cứ thông tin gì.
“Giây phút tôi quyết định phải đi tìm lại hố chôn 42 người lính ấy là khi nhận được câu hỏi của ông Hòa: Ông có thể giúp chúng tôi tìm lại nơi chôn cất các liệt sĩ không?”, Brian kể.
Cuộc tìm kiếm bắt đầu, họ sử dụng phương pháp thủ công, lấy cuốc, xẻng để đào bởi ông nhớ rất rõ khu vực, tọa độ của hố chôn. Họ phát hiện được một bộ hài cốt còn khá nguyên vẹn. Đó chính là hài cốt của người lính bị bỏng photpho. Ông gửi mẫu vật cho bạn làm nha sĩ ở Australia. Người bạn ấy phải thốt lên đầy ngạc nhiên rằng mọi thứ đều rất mới, cảm giác như xảy ra ngày hôm qua vậy. Ban đầu, ông rất tự tin bởi biết vị trí của người lính bị bỏng photpho thì hố chôn chỉ ở quanh đây nên tiếp tục đào bới.
Trong 12 năm, ông cùng đội tìm kiếm dường như đã lật tung đất rừng cao su Bình Mỹ nhưng vẫn không tìm thấy hố chôn 42 người lính Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
Ông Lê Hoàng Việt, nguyên cán bộ chính sách, thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương, người đồng hành cùng với ông Brian John Cleaver suốt 12 năm cho biết, người cựu binh Australia thường trở lại vào mùa khô, khoảng tháng 3 để bắt đầu một cuộc tìm kiếm đầy hy vọng. Có năm, ông quay lại đến 2 lần.
Nhiều năm tìm kiếm, khu vực đào bới đã mở rộng đến 9 ha, sâu 4-5 m trong rừng cao su bạt ngàn. Họ dùng từ phương thức giản đơn như đào bằng cuốc, xẻng, máy xúc, nghiên cứu bản đồ đến dò tìm hiện đại bằng rada, chụp ảnh vệ tinh; thậm chí sử dụng phương pháp tâm linh đến 2 lần nhưng không có kết quả.
Gắn bó với mảnh đất này nhiều năm, ông Việt biết mỗi năm các đội tìm kiếm vẫn quy tập được rất nhiều hài cốt liệt sĩ ở khu vực này. 42 người lính hy sinh là chiến sĩ Trung đoàn 141, 165 và các đơn vị trực thuộc của Sư đoàn 7 (nay thuộc Quân đoàn 4). Đơn vị đã cung cấp cho ông Brian danh sách hy sinh, thậm chí các cựu chiến binh cũng tham gia cuộc tìm kiếm nhưng đều vô vọng.
“Dù biết chiến tranh thì hy sinh, mất mát là điều không tránh khỏi, nhưng ông ấy thường nói rằng rất day dứt về 42 sinh mạng đã nằm xuống. Ông ấy muốn bằng mọi cách phải tìm ra. Có lần, khi đào sâu đến tận 4 m mà không thấy gì, chúng tôi phải dừng lại còn Brian thì ngồi khóc”, ông Việt kể.
Cuối năm 2014, người cựu binh Australia quyết định dừng cuộc tìm kiếm sau nhiều năm. Giây phút bắt buộc phải dừng lại, ông khóc và nói: “Tôi xin lỗi vì tất cả những gì đã diễn ra” và chia sẻ: “Tôi nghĩ 42 người lính ấy được đào tạo cùng nhau, họ hành quân từ phía Bắc cùng nhau, họ chiến đấu cùng nhau, hy sinh cùng nhau và họ được chôn cùng nhau. Có lẽ, họ không muốn được tìm thấy, họ muốn ở lại cùng nhau”.
Dù không còn đi tìm hố chôn tập thể nữa, nhưng Brian John Cleaver vẫn quyết định sẽ quay lại Việt Nam hàng năm để làm điều gì đó hàn gắn vết thương chiến tranh. Đó cũng là cách để cho tâm hồn ông được thanh thản. Điều đặc biệt, khi gặp bất cứ cựu binh người Việt nào, Brian lập tức có cảm giác thân thuộc, gắn kết với nhau.
“Mặc dù trong quá khứ, chúng tôi từng ở hai đầu chiến tuyến, nhưng tôi biết chúng tôi sẽ không bao giờ quay lại chiến đấu với nhau thêm một lần nào nữa. Tình bạn với những người lính Việt Nam sẽ là tình cảm trọn đời”, ông nói.