Sáng nay 25-1 (giờ Pháp), Tòa đại hình Evry đã mở phiên tranh tụng liên quan vụ khởi kiện của bà Trần Tố Nga – công dân Pháp gốc Việt, chống lại các công ty hóa chất quốc tế đã sản xuất chất độc da cam rải xuống Việt Nam.
Như vậy phiên tranh tụng đầu tiên với danh sách ra tòa của 19 công ty chất Mỹ từng sản xuất chất hóa học được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đã bắt đầu.
Bà Trần Tố Nga (trái), nguyên đơn chống lại các tập đoàn, công ty hóa chất quốc tế cùng luật sư William Bourdon có mặt tại tòa Evry sáng 25-1 – Ảnh: C.V.D
Tại phiên tòa, khoảng 20 luật sư của 14 công ty hóa chất như Dow Chemical, Bayer-Monsanto, Harcros Chemical, Uniroyal Chemical, Thompson Hayward Chemical… sẽ có bốn giờ tranh luận bảo vệ cho quyền lợi các thân chủ giàu có của mình, còn ba luật sư bảo vệ cho bà Nga gồm William Bourdon, Amélie Lefebvre và Bertrand Repolt chỉ có 1 giờ 30 phút. Ba luật sư này đã tình nguyện giúp bà Nga theo đuổi vụ kiện từ sáu năm qua.
Phiên tòa thu hút sự chú ý của giới truyền thông Pháp với sự hiện diện của các đài truyền hình France 2, France 3 TV… và báo giấy địa phương.
Một số chính trị gia Pháp cũng có mặt để ủng hộ phiên tòa do công dân Pháp khởi kiện.
Bà Tố Nga (giữa), nhà văn André Bouny (ngồi xe lăn) – người sát cánh với bà Nga từ lúc khởi đầu ý muốn khởi kiện, cùng đến tòa sáng 25-1. Người đeo cờ tam tài Pháp là ông Olivier Corzani, người đứng đầu xã Fleury-Merogism, thuộc Đảng Cộng sản Pháp – Ảnh: VÕ TRUNG DUNG
Theo ghi nhận của nhà báo Võ Trung Dung, Tòa Evry đã dành phòng xử to nhất cho phiên tòa đòi công lý của bà Trần Tố Nga.
Rất đông người đã có mặt với mong muốn được vào dự phiên tòa lịch sử này nhưng chỉ khoảng 50% số người được thỏa ý vì tòa thực hiện chế độ giãn cách xã hội do dịch COVID-19.
Vào tháng 5-2009, bà Tố Nga từng đứng ra làm chứng tại Tòa án lương tâm quốc tế vì nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam tổ chức ở Paris.
Sau đó, với sự ủng hộ và đồng hành của luật sư William Bourdon và nhà văn André Bouny, cũng là nhà hoạt động xã hội người Pháp ủng hộ nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, bà quyết định đứng ra kiện các công ty hóa chất Mỹ.
Tháng 5-2013, Tòa đại hình Évry, ngoại ô Paris đã chấp thuận đơn của bà Tố Nga khởi kiện 26 công ty hóa chất Mỹ. Đây là một quyết định quan trọng cho phép vụ kiện chuyển sang giai đoạn mới sau nhiều tháng bị trì hoãn vì những thủ tục tố tụng kéo dài do luật sư đại diện cho các công ty Mỹ yêu cầu tiến hành nhằm kéo dài thời gian.
Tháng 4-2014, bà Nga nhận được thông báo Tòa mở phiên đầu tiên với danh sách ra tòa của 19 công ty chất Mỹ từng sản xuất chất hóa học được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Nhưng phải sau 19 phiên thủ tục, thẩm phán mới quyết định mở phiên xét xử vào ngày 12-10-2020, rồi hoãn (do dịch COVID-19) tới ngày hôm nay 25-1-2021.
Các công ty, tập đoàn hóa chất Mỹ là bị đơn trong vụ kiện này có đội ngũ luật sư hùng hậu và giỏi ở Mỹ nhưng do không thể đưa sang Pháp nên vừa qua họ đã công khai tìm kiếm những luật sư giỏi nhất của Pháp để bảo vệ cho quyền lợi của mình.
Nếu phán quyết của phiên tòa lần này ở Evry có lợi cho nguyên đơn Trần Tố Nga, theo ông André Bouny, trước mắt điều đó là một sự nhìn nhận từ phía những người cầm cân nẩy mực của công lý. Bên phía tòa án Mỹ chưa làm được điều này.
Nếu có sự nhìn nhận từ tòa án của một quốc gia độc lập thì đó chính là sự nhìn nhận cho tất cả các nạn nhân vì cho đến nay vẫn là sự chối từ.
Nhà sáng lập của Ủy ban quốc tế ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (CIS) giải thích rằng nếu có phán quyết thuận lợi từ tòa án ở Pháp, thì sẽ có những bồi thường tài chính cho bà Tố Nga, nhưng quan trọng hơn hết đó sẽ là sự khích lệ cho các nạn nhân khác tiến hành khởi kiện, thậm chí là những nạn nhân của thế hệ sau bởi chất da cam có ảnh hưởng di truyền.
Nếu sau đó có phiên tòa khác, thì sẽ có thể nêu đến vấn đề quyền quốc tế nhưng dĩ nhiên để đạt đến việt thiết lập quyền quốc tế cho các nạn nhân chất độc da cam thì phải mất rất nhiều thời gian.
Nhà văn André Bouny – Ảnh: ĐỨC TRƯƠNG
Nhà văn André Bouny là người đã có cuộc trình bày đầu tiên về vấn đề chất độc da cam tại Liên Hiệp Quốc vào tháng 3-2007. Ông cũng là nhà sáng lập Hiệp hội nhân đạo DEFI Viet Nam vào năm 1994. Từ ý tưởng chống lại cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam, André Bouny đã trở thành một chuyên gia tầm cỡ thế giới về thảm họa chất độc da cam mà Mỹ đã rải xuống Việt Nam. Ông là tác giả của các cuốn sách về vấn đề này có tựa “Chất độc da cam: Thảm kịch ở Viêt Nam (NXB Demi-Lune), “Chờ đợi phán quyết của phiên tòa chất độc da cam tại Pháp” (NXB Canoë).
Theo Báo Tuổi trẻ
Leave a comment