Home Cộng Đồng Cơn sốt thuốc tẩy giun ‘diệt nCoV’ trong bão Covid-19
Cộng Đồng

Cơn sốt thuốc tẩy giun ‘diệt nCoV’ trong bão Covid-19

Tại Indonesia và một số nước như Malaysia, Ấn Độ, thuốc tẩy giun, chống ký sinh trùng Ivermectin được săn lùng như một loại “thần dược” chữa Covid-19.

Ivermectin, loại thuốc được sử dụng rộng rãi trong nhiều thập kỷ qua để tẩy giun cho gia súc cũng như người, đang trở thành xu hướng ở Indonesia. Các bác sĩ cũng kê đơn thuốc này để điều trị chấy, ghẻ và các bệnh nhiễm trùng khác do ký sinh trùng gây ra.

Các hiệu thuốc trên toàn quốc cho biết doanh số bán thuốc đang bùng nổ và nó được bán hết trên các trang thương mại điện tử. “Mọi người đổ xô đi mua”, một dược sĩ tại hiệu thuốc Đảo Penang ở thành phố Medan tại Bắc Sumatra, nói.

Một người cầm hộp thuốc Ivermectin ở Indonesia. Ảnh: SCMP.

Loại thuốc này được ưa chuộng sau khi một số chính trị gia cấp cao Indonesia gần đây ca ngợi tính hiệu quả của nó và người dân ngày càng tuyệt vọng trong bối cảnh các bệnh viện của đất nước quá tải, phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân giữa đại dịch Covid-19.

Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực Đông Nam Á với hơn 2,1 triệu ca nhiễm và hơn 58.000 ca tử vong. Hôm 30/6, họ ghi nhận mức tăng ca nhiễm kỷ lục với 21.807 ca. Mặc dù Ivermectin vốn được sử dụng để tẩy giun, Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Indonesia Moeldoko hồi đầu tuần ca ngợi tác dụng của nó trong điều trị Covid-19.

“Nhìn vào dữ liệu đang có, chúng tôi khá lạc quan rằng Ivermectin có thể là thuốc chữa Covid-19 hiệu quả”, Moeldoko nói, đồng thời khẳng định nó đã được sử dụng hiệu quả ở 15 quốc gia khác để điều trị virus.

Susi Pudjiastuti, cựu bộ trưởng hàng hải và ngư nghiệp, cũng ca ngợi loại thuốc này. Trong video đăng lên Twitter hôm 30/6, Pudjiastuti cho biết bà đã uống Ivermectin cùng với paracetamol và vitamin sau khi nhiễm Covid-19 trong quá trình tự cách ly và điều trị tại nhà vì các bệnh viện ở Jakarta đều kín chỗ.

Pudjiastuti nói với 2,5 triệu người theo dõi trên Twitter rằng bà âm tính với nCoV sau 7 ngày tự cách ly. “Cảm ơn Thượng đế, trong cơn tuyệt vọng và khi bệnh viện đã chật kín, tôi nghĩ rằng có bệnh thì phải vái tứ phương”, bà nói thêm.

Các phóng viên của SCMP có thể mua vỉ 10 viên Ivermectin với giá 250.000 rupiah (17,20 USD) mà không cần đơn của bác sĩ, mặc dù trên hộp đề rằng đây là loại thuốc bán theo đơn. Dược sĩ nói rằng bệnh nhân Covid-19 có thể chiến thắng virus nếu uống thuốc này 5 ngày, mỗi ngày một viên.

Ngoài Indonesia, sự quan tâm đối với loại thuốc tẩy giun này cũng tăng lên ở các nước châu Á khác như Malaysia, Philippines và Ấn Độ. Khi ca nhiễm ở những khu vực này tăng cao, các quan chức có ảnh hưởng và các nhóm y tế độc lập đã ca ngợi Ivermectin như một loại “thần dược”.

Điều này xảy ra ngay cả khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng chưa thể kết luận nó có thể được dùng để điều trị bệnh nhân Covid-19 hay không. Hồi tháng ba, WHO khuyến cáo loại thuốc này chỉ nên được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho biết họ đã nhận được nhiều thông tin về những bệnh nhân phải nhập viện sau khi tự dùng thuốc Ivermectin dành cho ngựa. “Có rất nhiều thông tin sai lệch và bạn có thể đã nghe nói rằng bạn có thể dùng Ivermectin liều lượng lớn. Điều đó là sai”, họ nói thêm.

Đại học Oxford của Anh hôm 23/6 công bố báo cáo nghiên cứu cho thấy thuốc tẩy giun Ivermectin có thể làm giảm tải lượng virus trong cơ thể và đường hô hấp, đồng thời rút ngắn thời gian biểu hiện triệu chứng ở những người nhiễm nCoV phát bệnh mức độ nhẹ

Các chuyên gia y tế đưa ra nhiều lập luận vì sao Ivermectin được ưa chuộng ở châu Á. Họ cho rằng câu chuyện này phổ biến ở các quốc gia có chiến dịch tiêm chủng không mấy thành công và không còn lựa chọn nào khác.

Irandi Putra Pratomo, người đứng đầu Khoa Hô hấp tại Bệnh viện Đại học Indonesia ở Depok, nói rằng các chính trị gia đã hạ thấp vai trò của các quy trình khoa học khi xem xét các lựa chọn thuốc điều trị sẵn có. “Tôi cho rằng chính phủ đang đối phó với Covid-19 giống như đây là một chương trình truyền hình: ai có thể đưa ra câu trả lời trông có vẻ khả dĩ nhất trong một thời hạn nhất định sẽ là người chiến thắng”, Irandi nói.

“Các nhà hoạch định chính sách nên xin sự trợ giúp từ các chuyên gia, thay vì tìm kiếm câu trả lời theo nhu cầu, kinh nghiệm cá nhân hoặc thông tin chưa được kiểm chứng từ Internet”, ông nói. “Đó không phải là cách khôn ngoan để vượt qua đại dịch này”.

Pandu Riono, nhà dịch tễ học tại Đại học Indonesia, cho biết việc các chính trị gia có ảnh hưởng vẫn quảng bá loại thuốc này ngay cả khi các tổ chức y tế khắp thế giới đã khuyến cáo thận trọng là “rất nguy hiểm”.

Mối nguy hiểm có thể trở nên trầm trọng hơn, tùy theo mức độ sẵn có của thuốc tại các cửa hàng. “Mọi người có thể mua nó với số lượng lớn”, ông nói chỉ ra rằng người dân đang thiếu các hướng dẫn đúng đắn về cách sử dụng chúng.

Khi được hỏi tại sao Ivermectin được ưa chuộng ở Indonesia, Pandu cho biết người dân nước này đang tuyệt vọng. “Họ không muốn đeo khẩu trang nhưng họ muốn có giải pháp kỳ diệu. Họ cầu xin các vị thần bảo vệ và đang tìm kiếm một loại thuốc thần”, ông nói.

Ở nước láng giềng Philippines, Ivermectin đã được một số bệnh viện chấp thuận sử dụng cho bệnh nhân Covid-19. Hồi tháng năm, ít nhất hai bang Ấn Độ đã lên kế hoạch điều trị cho bệnh nhân Covid-19 bằng thuốc này.

Tại Malaysia, trong khi Bộ Y tế cho biết họ vẫn đang tiến hành thử nghiệm, tranh cãi về việc sử dụng Ivermectin đã trở nên gay gắt. Moy Foong Ming, giáo sư tại khoa xã hội và y tế dự phòng tại Đại học Malaya, cho biết Liên minh Malaysia về Kiểm soát Covid Hiệu quả, nhóm gồm 6 hiệp hội y tế, đã thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng Ivermectin.

Liên minh đã tổ chức một số hội thảo công khai về vấn đề này. Một số người thậm chí còn tố cáo với cảnh sát để phản đối việc Bộ Y tế chưa coi đây là phương pháp điều trị virus.

Moy cho biết tình hình đại dịch trở tồi tệ hơn ở Malaysia và các hạn chế phòng dịch thắt chặt gần đây có thể đã thôi thúc nhóm làm vậy. “Họ có thể nghĩ rằng họ không còn gì để mất khi tình hình đã quá tệ”, bà nói và cho biết thêm rằng những nỗ lực của họ có thể làm chệch hướng chương trình tiêm chủng của đất nước.

Gần 1/5 trong dân số 32 triệu người Malaysia đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong khi khoảng 7% đã tiêm chủng đầy đủ. Moy cho biết một số người Malaysia cảm thấy việc chính phủ không tán thành loại thuốc này là “âm mưu chính trị” nhằm kéo dài tình trạng khẩn cấp để trì hoãn họp quốc hội và tổng tuyển cử. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế đã ủng hộ quyết định của Bộ Y tế Malaysia.

M. Murallitharan, giám đốc y tế Hiệp hội Ung thư Quốc gia Malaysia, nhận xét Ivermectin là loại thuốc mới nhất được “các nhóm hậu sự thật” (chấp nhận lập luận dựa trên cảm xúc và niềm tin thay vì dữ liệu) ủng hộ. Những người này cũng đã thúc đẩy sử dụng thuốc chữa sốt rét Hydroxychloroquine vào năm ngoái. Điều trớ trêu là các nhóm này không để ý đến việc thiếu dữ liệu về Ivermectin, nhưng lại rất chú ý đến tác dụng phụ của vaccine, ông viết.

Moy cho rằng loại thuốc này có thể được sử dụng ở một số quốc gia Đông Nam Á do dân số đông và chính phủ không có khả năng cung cấp vaccine cho tất cả mọi người.

Ở Philippines, chỉ 2,1 triệu người được tiêm chủng đầy đủ tính đến ngày 20/6, dù đất nước đã đặt mục tiêu tiêm cho 70 triệu người trong năm nay. Đất nước 110 triệu dân này có nguồn cung vaccine hạn chế và đã đặt hàng từ 5 nhà sản xuất, bao gồm AstraZeneca, Moderna, Pfizer, Sinovac và Sputnik V.

Indonesia, quốc gia có dân số 270 triệu người, cũng đối mặt với tình trạng tương tự, với chỉ 12,7 triệu người tiêm chủng đầy đủ.

“Tôi cho rằng khi các chính phủ gặp khó khăn trong việc mua sắm hoặc cung cấp vaccine cho người dân còn virus đang lây lan mất kiểm soát, họ tán thành sử dụng Ivermectin”, Moy nói.

Dù vậy, bà nhấn mạnh Malaysia đang ở tình thế khá hơn và hệ thống y tế vẫn có thể đối phó với tình hình virus hiện nay. Malaysia có thể chờ đợi bằng chứng tốt hơn từ các nghiên cứu về Ivermectin, bà nói.

Moy nói thêm rằng công chúng Malaysia cần được thông tin tốt hơn về lý do các cơ quan y tế từ chối sử dụng Ivermectin, thay vì lan truyền những lời đồn đoán. Trong khi đó, các cơ quan chuyên môn cũng nên lên tiếng nếu họ ủng hộ quyết định của Bộ Y tế nước này.

“Đáng tiếc là những thông tin sai lệch lại hấp dẫn hơn nhiều so với những tuyên bố nghiêm túc rằng mọi người cần chờ thêm dữ liệu”, Jeremy Lim, phó giáo sư Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock của Đại học Quốc gia Singapore, nhận xét.

Mặc dù ông cho rằng không có âm mưu quy mô lớn nào nhằm quảng bá các loại thuốc chưa qua kiểm chứng để kiếm lời, thông tin sai lệch có thể lan truyền nhanh chóng.

“WHO đã mô tả rằng có ‘đại dịch tin giả’ song hành cùng Covid-19 và chắc chắn thế giới cần dành nhiều nỗ lực hơn để tìm ra ‘vaccine’ và ‘thuốc chữa’ hiệu quả hơn cho vấn nạn này”.

Theo Vnexpress

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *