Home Cộng Đồng Chặn nhiên liệu, băng đảng khét tiếng ‘bắt cả nước Haiti làm con tin’
Cộng Đồng

Chặn nhiên liệu, băng đảng khét tiếng ‘bắt cả nước Haiti làm con tin’

Băng đảng quyền lực nhất Haiti đã chặn lối vào nhà ga nhiên liệu lớn nhất cả nước và yêu cầu thủ tướng từ chức.

Vài tháng trở lại đây, ngày càng nhiều người dân Haiti bị các băng đảng bắt cóc. Các nạn nhân mới đây bao gồm một nhóm 17 nhà truyền giáo người Mỹ và Canada cùng gia đình của họ đang bị giam giữ để đổi lấy tiền chuộc.

Nhưng nay, các băng đảng đang thử nghiệm một chiêu thức mới: “Bắt giữ” toàn bộ đất nước làm con tin.

Theo đó, từ ngày 24/10, G9 – băng đảng hùng mạnh nhất Haiti đã chặn lối vào Varreux, nhà ga nhiên liệu lớn nhất cả nước, nơi cung cấp 70% nguồn cung xăng dầu. Sự việc đang gây ra tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng ở thủ đô và một số thành phố khác.

“Hiện nay xăng không có sẵn ở Haiti. Cảnh sát không thể vào bến ga, các nhóm vũ trang đang làm bất cứ điều gì chúng muốn”, theo ông Jacques Anderson Desroches, người đứng đầu Liên đoàn vận tải Haiti.

Lời thách thức từ G9

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh ngày 25/10, Jimmy Cherizier, một cựu cảnh sát, và hiện là thủ lĩnh của G9 (liên minh tội phạm gồm 9 băng đảng) cho biết nhiên liệu từ bến cảng sẽ không được phân phối chừng nào chính phủ chưa chi ra 50 triệu USD và Thủ tướng Ariel Henry từ chức.

“Nếu Ariel Henry từ chức lúc 8h, đúng 8h05′ khu vực này sẽ được giải tỏa để xe bồn có thể chở nhiên liệu đi. Đây là một cuộc chiến chính trị. Chúng tôi là một nhóm chính trị có vũ trang”, Jimmy Cherizier tuyên bố.

Bang dang Haiti de doa ca dat nuoc anh 1

Việc phong tỏa nhà ga nhiên liệu và thách thức Thủ tướng Henry là một màn thể hiện sức mạnh chưa từng có của thủ lĩnh băng đảng G9. Ảnh: AP.

Đáp lại trong một bài phát biểu trên truyền hình ngày 29/10, Thủ tướng Henry cho biết chính phủ của mình sẽ không thương lượng với các băng đảng. Theo ông, chính phủ đang làm việc để giải quyết tình trạng thiếu nhiên liệu.

“Hãy để tôi nói rõ. Tất cả những kẻ bắt người Haiti làm con tin, những kẻ khủng bố dân chúng, đều là kẻ thù của nhân dân”, ông nói.

Băng đảng G9 đã phong tỏa lối ra vào và vùng ngoại ô của nhà ga Varreux kể từ ngày 24/10. Cư dân cho biết thường xuyên có tiếng súng nổ trong khu vực. Ngày 27/10, khi bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ của Haiti đội mũ bảo hiểm và áo chống đạn đến thăm nhà ga, ông đã phải vội vàng rời đi ngay sau khi người của băng đảng phát hiện ra ông.

Bang dang Haiti de doa ca dat nuoc anh 2

Thủ tướng Ariel Henry cho biết chính phủ đang làm việc để giải quyết tình trạng thiếu nhiên liệu. Ảnh: Reuters.

Sự yếu kém của cảnh sát

Việc các băng đảng phong tỏa bến cảng xăng dầu là dấu hiệu mới nhất cho thấy tình trạng vô luật pháp đang lan rộng ở Haiti. Các băng đảng đang kiểm soát từ 1/2 đến 2/3 thủ đô Port-au-Prince, tống tiền các doanh nghiệp và bắt cóc nạn nhân để đòi tiền chuộc.

Cảnh sát quốc gia chịu trách nhiệm về an ninh, nhưng chỉ có chưa đến 15.000 cảnh sát tại Haiti. Trong khi đó, trong số 200 băng đảng đang hoạt động, hầu hết đều có từ 100 đến 200 thành viên hoặc thậm chí nhiều hơn.

Theo các quan chức Haiti, nhiều khi các băng đảng này còn được trang bị vũ khí tốt hơn và áp đảo cảnh sát. “Các thủ lĩnh băng đảng dường như không biết đến giới hạn. Cảnh sát thì không được trang bị đầy đủ để chống lại mối đe dọa từ các băng nhóm được tổ chức và trang bị tốt như vậy”, ông Thomas Lalime, nhà kinh tế học tại Viện Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu Cao cấp của Haiti, cho biết.

“Đất nước đang phải đối mặt với vấn đề an ninh ngày càng nghiêm trọng. Thật không may, chúng tôi đã phát hiện ra rằng ngay cả một số cảnh sát cũng có quan hệ với các băng đảng… Nhà nước đã mất toàn quyền”, Thủ tướng Henry cho biết.

Bang dang Haiti de doa ca dat nuoc anh 3

Một người phụ nữ bán xăng trên đường phố Port-au-Prince trong bối cảnh bất ổn ngày càng gia tăng ở Haiti. Ảnh: Getty.

Khủng hoảng lan rộng

Haiti, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, đã chìm vào cuộc khủng hoảng an ninh và chính trị trầm trọng kể từ tháng 7 khi Tổng thống Jovenel Moïse bị ám sát. Trong khi đó, chính phủ của ông Henry, người nhậm chức với mục tiêu chính là tổ chức các cuộc bầu cử mới, lại đang suy yếu.

Theo ông Thomas Lalime, khả năng của chính phủ trong việc khôi phục trật tự và an ninh trong nước mà không có hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ cộng đồng quốc tế là rất đáng quan ngại.

Cụ thể, tài chính công của Haiti rất yếu kém. Nguồn thu từ thuế chỉ chiếm 5,6% tổng sản phẩm quốc nội, tỷ lệ gần như thấp nhất ở Mỹ Latin. Cam kết hỗ trợ từ nước ngoài cho năm 2021 chủ yếu đến từ Mỹ, Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ – chiếm gần 15% trong ngân sách 1,9 tỷ USD của nước này.

Trong khi đó, những người di cư Haiti đã gửi 3,3 tỷ USD tiền kiều hối về nước vào năm ngoái, nhiều hơn một nửa GDP của đất nước. “Kiều hối của cộng đồng hải ngoại là yếu tố quan trọng nhất giữ cho đất nước còn tồn tại đến giờ này”, theo ông Lalime.

Theo Zing

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *