Home Cộng Đồng Bị phương Tây dồn ép, Trung Quốc chơi “canh bạc lớn” ở Trung Đông
Cộng Đồng

Bị phương Tây dồn ép, Trung Quốc chơi “canh bạc lớn” ở Trung Đông

Thông qua việc “bắt tay” với Iran, Trung Quốc đang muốn tạo ra một “gọng kìm” chiến lược mới ở Trung Đông nhằm đương đầu với Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, kế hoạch này tiềm ẩn những rủi ro lớn.

Bản thỏa thuận lịch sử 

Tại thủ đô Tehran, các ngoại trưởng Trung Quốc và Iran ngày 27/3 đã ký Thỏa thuận hợp tác toàn diện Trung Quốc – Iran 25 năm trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến hợp tác quốc phòng. Trung Quốc cũng đồng ý tham gia các cuộc tập trận chung với Iran, phát triển các biển cùng khoản đầu tư trị giá 400 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng, hóa dầu và nhiều ngành kinh tế khác.

Thỏa thuận hợp tác đối tác chiến lược Trung Quốc – Iran diễn ra tại thời điểm nước Mỹ đang tìm cách tái định hình quan hệ với Trung Quốc và Iran. Với bước đi này, dường như cả Bắc Kinh và Tehran đã bước qua kỷ nguyên lo sợ đòn cấm vận, trừng phạt của Mỹ.

Theo hãng thông tấn Fars của Iran, thỏa thuận được coi như một chương trình văn hóa, kinh tế, chiến lược và chính trị, theo đuổi một mối quan hệ toàn diện, dài hạn với các điều khoản về đầu tư và tài chính, cũng như ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Hãng này cho biết “các lĩnh vực quân sự và quốc phòng, các vấn đề huấn luyện, chuyển giao công nghệ quốc phòng, chống khủng bố và tập trận chung cũng được thảo luận”.

Tạp chí Newsweek đánh giá động cơ khiến Trung Quốc và Iran thân thiết với nhau bắt nguồn từ nhiều yếu tố, không chỉ dừng lại ở việc đối trọng với Mỹ. Cả Bắc Kinh và Tehran có nhiều lợi ích chung trong các lĩnh vực khác.

Chuyên gia William Figueroa từ Đại học Pennsylvania nhận xét, mục đích của Bắc Kinh về thỏa thuận này mang cả tính thực tiễn và chính trị, lợi ích trước mắt là dầu mỏ, thị trường xuất khẩu hàng hóa và triển vọng dành cho dự án “Vành đai, con đường”, “Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ thị trường này”. Ông Figueroa cũng cho rằng Iran là một phần thuộc chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Iran cũng đang tìm kiếm kiểu đối tác như hình thức đầu tư có trong “Vành đai, con đường”.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tại lễ ký thỏa thuận hợp tác toàn diện 25 năm ở Tehran, Iran ngày 27/3 (Ảnh: Reuters)

Với kế hoạch đầu tư trị giá 400 tỷ USD vào Iran trong 25 năm, số tiền được coi là rất lớn, Trung Quốc sẽ có quyền tiếp cận nguồn dầu mỏ khổng lồ của Iran với mức chiết khấu cao, đồng thời Bắc Kinh có thể tăng cường ảnh hưởng và sự hiện diện ở hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế Iran, từ viễn thông, năng lượng, cảng biển, đường sắt cho đến lĩnh vực ngân hàng.

Đối với Iran, các quan chức nước này cho rằng, đối tác ổn định với Trung Quốc đồng nghĩa với thị trường ổn định cho dầu mỏ của Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ có tác động mạnh mẽ. Đây còn là tín hiệu của việc Iran thoát khỏi thế cô lập ngoại giao do Mỹ gây sức ép. Vì vậy, sự dịch chuyển về quỹ đạo Trung Quốc có thể giúp Iran duy trì sự ổn định chính trị và cải thiện vị thế quốc tế của mình.

Quyết định tăng cường quan hệ chiến lược với Trung Quốc sẽ giúp Iran khắc phục sự sa sút về năng lực kinh tế sau gần 2 năm đương đầu với chính sách “gây sức ép tối đa” của Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Thực tế, năm 2019 và 2020, doanh thu từ bán dầu của nước này đã giảm xuống dưới 20 tỷ USD, đầu tư nước ngoài vào Iran cạn kiệt dần, đồng rial Iran suy sụp.

Theo một số ước tính, Iran cần đầu tư trên 200 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ, nước này đã tìm thấy một đối tác phù hợp sau nhiều thập niên hạn chế hiện diện của các công ty phương Tây. Chuyên gia Saheb Sadeghi từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Chiến lược Trung Đông nhận xét: “Về mảng thương mại, thỏa thuận này sẽ tạo cơ hội vàng cho Iran”.

Nguồn vốn từ Trung Quốc đi kèm với hoạt động thương mại lớn hơn của Bắc Kinh tại Iran, không chỉ giúp Tehran ổn định nền kinh tế mà còn củng cố quyền lực của chính quyền và tài trợ bền vững cho một loạt các hoạt động trên toàn khu vực, từ hỗ trợ cho chế độ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cho đến vai trò trong cuộc nội chiến tại Yemen…

Canh bạc đầy rủi ro của Trung Quốc

Các chuyên gia cho rằng, hợp tác sâu rộng hơn giữa Trung Quốc và Iran, đặc biệt khi xét trong bối cảnh hai nước có quan hệ chặt chẽ với Nga, đồng thời cả ba nước đều có quan hệ đối địch với Mỹ, điều đó có thể làm thay đổi cục diện khu vực.

Trong một bài viết trên trang của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), Giáo sư Amin Saikal từ Đại học Tây Australia đã phân tích tác động từ sự hợp tác giữa Trung Quốc và Iran đến Mỹ và đồng minh tại khu vực Trung Đông. Bài viết đánh giá, thỏa thuận hợp tác giữa Iran và Trung Quốc sẽ tạo ra một “gọng kìm” chiến lược mới ở Trung Đông trước Mỹ và đồng minh.

Việc nâng tầm quan hệ song phương là lợi ích chung của cả Trung Quốc và Iran. Cùng với đó là một trục hợp tác mạnh mẽ giữa hai nước với Nga sẽ góp phần nâng cao vị thế khu vực và khả năng thương lượng của Iran trong bất kỳ cuộc đàm phán nào với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (JCPOA).

Cũng tại khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ đang dần rời xa Mỹ để nghiêng về phía Trung Quốc và Iran, các liên minh trên thực tế nổi lên ở khu vực sẽ đặt ra thách thức lớn hơn đối với chính quyền Biden. Tình hình đó khiến Trung Đông dần trở thành một mục tiêu khó xử lý khác của Mỹ ngoài các mục tiêu chính sách đối ngoại chính là Nga và Trung Quốc. Các mục tiêu chiến lược quan trọng của Washington, cả ở Trung Đông và các khu vực khác có thể sẽ bị suy yếu.

Tuy thỏa thuận hợp tác đối tác chiến lược Trung Quốc – Iran nhận được nhiều sự chú ý, nhưng tính khả thi của nó có lẽ vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn. Một số cố vấn chính phủ và nhà quan sát ngoại giao cảnh báo, Trung Quốc đang chơi một “canh bạc lớn”, có thể gây ra những “rủi ro lớn” và gia tăng thách thức cho chính sách đối ngoại của mình.

Iran hy vọng thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc cả trên mặt chính trị và kinh tế. Đây là một thách thức với ngoại giao Trung Quốc và sẽ làm rung chuyển căn bản chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Liệu có xứng đáng để Bắc Kinh tự “mua dây buộc mình” với một quốc gia đang bị trừng phạt và cô lập hay không?

Một vài mục tiêu trong thỏa thuận được cho là khó có thể đạt được, chẳng hạn như thỏa thuận dầu mỏ trị giá 400 tỷ USD, nếu con số này chính xác thì nó sẽ gây ra một rủi ro lớn. Môi trường kinh tế và thương mại Iran đang không tốt do nước này đang chịu các lệnh trừng phạt.

Một số nhà quan sát Iran cho rằng, hầu hết thỏa thuận “Vành đai, con đường” đều đem lại lợi ích cho Trung Quốc. Những thỏa thuận này ban đầu có vẻ hấp dẫn nhưng sau đó đã khiến các quốc gia nghèo hơn và nhỏ hơn rơi vào bẫy nợ. Giới lãnh đạo Iran đang bị những người chỉ trích nói rằng Tehran đã bán chủ quyền của mình thông qua thỏa thuận với Bắc Kinh. Các video được đăng trên mạng xã hội cho thấy, nhiều cuộc biểu tình ôn hòa với khẩu hiệu “Iran không phải để bán” diễn ra rải rác tại nước này.

Mặc dù vậy, thỏa thuận Iran – Trung Quốc cũng đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong quan hệ hai nước, thực sự trở thành thử thách không chỉ đối với chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ, mà còn cả về các giới hạn trong cách tiếp cận gây sức ép tối đa đối với Iran.

Theo Dân trí

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *