Một tờ báo Chile vừa đăng tải những hình ảnh được chụp hôm thứ năm tuần trước (18.1) khi cả trăm vây cá mập còn tươi được phơi trên mái tòa nhà Đại sứ quán Việt Nam tại Chile, đúng lúc một hội nghị khoa học đang diễn ra tại Nam Mỹ thảo luận về hiểm họa diệt chủng của cá mập.
Một tờ báo Chile vừa đăng tải những hình ảnh được chụp hôm thứ năm tuần trước (18.1) khi cả trăm vây cá mập còn tươi được phơi trên mái tòa nhà Đại sứ quán Việt Nam tại Chile.
Những hình ảnh được chụp và đăng tải trên báo của Chile vào thứ Năm tuần trước cho thấy cả trăm vây cá mập tươi của các loài trưởng thành đang được phơi trên nóc của tòa nhà cơ quan ngoại giao ở địa chỉ Avenida Eliodoro Yáñez 2897, Providencia, thành phố Santiago de Chile.
Sự việc xảy ra đúng lúc một hội nghị khoa học đang diễn ra tại Nam Mỹ thảo luận về hiểm họa diệt chủng của cá mập. Sự việc gây chấn động không chỉ cho người dân trong nước mà cả cộng đồng khoa học quốc tế và những nhà hoạt động môi trường.
Việc chưa từng xảy ra gây chấn động cư dân và các nhà hoạt động môi trường
Những vây cá mập này bắt đầu được đem phơi trên mái tòa nhà Đại sứ quán từ ngày 13/1. Trước đó, người dân xung quanh đã cảnh báo về mùi hôi xuất phát từ tòa nhà này. Họ cho biết, những người bên trong Đại sứ quán ban đầu đem một lượng nhỏ vây cá để phơi, sau đó cứ mỗi ngày số lượng vây cá lại nhiều lên, và chỉ sau 5 ngày đã có ít nhất 100 vây cá mập. Và có thể thấy rõ đây là những vây cá còn tươi dường như mới được cắt.
Mặc dù Chile vẫn còn cho phép đánh bắt cá mập, nhưng hành động săn cá mập chỉ để lấy vây, và phần còn lại thì bị quăng trở lại xuống biển là việc làm phạm pháp ở Chile, và có những vụ đã bị phát hiện. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một chuyện như vậy xảy ra tại Chile.
Ông Alex Munoz, Giám đốc tổ chức National Geographic ở Nam Mỹ nói
“Tôi luôn muốn biết họ phơi vây cá mập ở đâu, nhưng thật không ngờ lại là ngay trung tâm thành phố, đây là lần đầu tiên tôi thấy một chuyện như vậy xảy ra ở Chile.”
Ông Max Bello, một chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn động vật biển, giải thích, cá mập không thể được xem là một nguồn hải sản để đánh bắt, vì chúng có tập quán của loài thú.
“Rất nhiều loài cá mập đẻ rất ít con và chúng chỉ sinh sản mỗi 2 hoặc 3 năm. Hơn nữa giai đoạn trưởng thành của cá mập đến cũng rất chậm, cho nên mỗi năm có 100 triệu loài bị săn bắt là quá nhiều so với tốc độ sinh sản của chúng.
“Cá mập đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát những loại cá khác. Nếu không có loại cá ăn thịt này, hệ sinh thái sẽ bị phá vỡ ảnh hưởng đến cả đời sống con người.”
Ông Matias Asun, giám đốc tổ chức Greenpeace tại Chile cho rằng “hành động bắt cá, chặt vây với mục đích phục vụ ăn uống cho con người là một hành động man rợ và phạm pháp ở Chile.”
Được biết việc săn cá mập lấy vây đã bị cấm ở Chile từ năm 2012.
Có thể dẫn đến rắc rối trong quan hệ ngoại giao
Việc phát hiện ra vây cá mập được phơi trên nóc tòa đại sứ có thể dẫn đến rắc rối trong quan hệ ngoại giao. Được biết phía Chile đã bắt đầu tiến hành điều tra, dù họ nhận thức chuyện các cơ sở lãnh sự có quyền bất khả xâm phạm. Họ đang tham vấn với các nhà chức trách của Bộ Ngoại giao.
Phía nhà chức trách giải thích, nếu vây cá có xuất xứ, người sở hữu phải trình được hóa đơn và giấy chứng nhận xuất xứ. Nếu đây là những vây cá mập nhập khẩu từ quốc gia khác, họ phải có tờ khai hải quan.
“Nếu các nhân viên ngoại giao có thể giải thích chuyện này và làm rõ những vây cá này lấy từ đâu. Ở Chile chúng tôi không có cơ sở xử lý những vây cá, cho nên nếu đây là vây cá của những loài đang được bảo vệ tại Chile, họ có thể gặp rắc rối,” ông Max Bello cho hay.
Theo báo Chile, Đại Sứ Quán Việt Nam đã không trả lời điện thoại trong hơn một tháng nay. Nguồn tin nói hiện không có đại sứ Việt Nam ở đó. Đại diện có thẩm quyền của phái bộ Việt Nam lúc này là người đứng đầu bộ phận thương mại.
Tại Việt Nam, Bộ Công Thương cũng gửi văn bản đến Bộ Ngoại Giao đề nghị phối hợp để xác minh thông tin liên quan truyền thông Chile đưa tin về Đại sứ quán Việt Nam phơi vây cá mập trên mái nhà, đồng thời làm việc với cơ quan chức năng của nước sở tại để xử lý theo pháp luật của Chile và báo cáo cho Bộ Công Thương trước ngày 25 tháng Giêng.
Những vây cá mập này đang ở công đoạn phơi khô, trước khi được xử lý để làm thành nguyên liệu trong một món súp nổi tiếng đắt đỏ: súp vi cá. Món súp này được tiêu thụ chủ yếu ở Trung Quốc và Việt Nam.
Cộng đồng khoa học quốc tế, những người đang ra sức bảo vệ tài nguyên và động vật biển, cho hay, việc săn cá mập, bao gồm những loài dữ tợn nhất vẫn đang diễn ra mỗi ngày. Mỗi năm có gần 100 triệu con bị giết, nhiều hơn tốc độ chúng có thể sinh sản.
Theo nguồn tin trong nước, vi cá mập có giá khoảng $USD16,000/kg ở thị trường Việt Nam.
Theo SBS Viet Nam