Home Cộng Đồng 58% tỷ phú bất động sản thế giới là người Trung Quốc
Cộng Đồng

58% tỷ phú bất động sản thế giới là người Trung Quốc

Trong số 239 tỷ phú bất động sản thế giới, có tới 139 người mang quốc tịch Trung Quốc, chiếm 58%. Theo sau danh sách là Mỹ với 26 tỷ phú và Anh là 17 người.

“Xu hướng đô thị hóa ở Trung Quốc đã thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất trong lịch sử thế giới, điều đó dẫn đến hầu hết các tỷ phú bất động sản lớn nhất thế giới hiện nay đều đến từ Trung Quốc”, Một báo cáo của Tạp chí Hurun xuất bản tại Thượng Hải- Trung Quốc vừa xuất bản tháng trước nhận định.

58% tỷ phú bất động sản thế giới là người Trung Quốc
Các tỷ phú bất động sản Trung Quốc chiếm một tỷ lệ đáng kể trong danh sách tỷ phú đô la toàn cầu (Ảnh minh họa)

Theo khảo sát của tạp chí này, các tỷ phú Trung Quốc chiếm 4 vị trí đứng đầu bảng danh sách. Xu Jiayin của Tập đoàn Evergrande có trụ sở tại Thâm Quyến đứng đầu với tài sản ròng trị giá 37 tỷ USD. Li Ka-shing của tập đoàn Hong Kong Cheung Kong Holdings đứng thứ hai, với 29 tỷ USD. Vị trí thứ ba thuộc về Lee Shau Kee của Henderson Development có trụ sở tại Hồng Kông, với 27 tỷ USD. Yang Huiyan của Country Garden có trụ sở tại Phật Sơn xếp vị trí thứ tư với 23 tỷ USD. Cô là nữ tỷ phú bất động sản duy nhất trong top 10.

Tỷ phú bất động sản giàu nhất nước Mỹ là Donald Bren, ông là chủ tịch và chủ sở hữu duy nhất của Công ty Irvine có trụ sở tại California, ước tính tài sản ròng của ông trị giá 17 tỷ USD. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đứng ở vị trí thứ 82 với 3 tỷ đô la Mỹ.

Adam Neumann, doanh nhân người Mỹ gốc Israel, người đồng sáng lập WeWork, là tỷ phú bất động sản duy nhất dưới 40 tuổi, theo báo cáo. Giá trị tài sản ròng của Neumann được ước tính khoảng 6,5 tỷ USD, gấp đôi so với một năm trước. Giá trị công ty của ông cũng tăng gấp đôi trong cùng kỳ lên 42 tỷ USD.

Úc là điểm đầu tư bất động sản ưa thích thứ hai của Trung Quốc sau Mỹ.

Năm 2017, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ một lượng tiền lớn trị giá 17,4 tỷ USD, tương đương 24,5 tỷ AUD, vào thị trường bất động sản Úc.

Theo một báo cáo mới đây của Juwai.com, một trong những trang về bất động sản quốc tế lớn nhất của Trung Quốc, các nhà đầu tư Trung Quốc trong năm 2017 đã đổ một lượng tiền lớn trị giá 17,4 tỷ USD, tương đương 24,5 tỷ AUD, vào thị trường bất động sản Úc. Với con số khủng này, Úc trở thành địa điểm đầu tư bất động sản lớn thứ hai của các nhà đầu tư Trung Quốc, chỉ sau Mỹ.

Bất động sản Úc chiếm khoảng gần 15% trong tổng số 119,7 tỷ USD đầu tư bất động sản ra nước ngoài của Trung Quốc trong năm ngoái. Khoản đầu tư này tập trung chủ yếu vào mua nhà ở với 14,1 tỷ USD, 3,3 tỷ còn lại vào bất động sản thương mại. Mặc dù đầu tư vẫn ở mức cao trong 2017 nhưng giảm hơn 25% so với năm 2016, giảm 6,4 tỷ USD.

Một số chuyên gia cho rằng, lượng tiền đầu tư giảm do Chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hơn các khoản tiền ra nước ngoài. Carrie Law, Giám đốc điều hành Juwai, cho biết: “Kiểm soát vốn, thắt chặt việc ngân hàng hỗ trợ tài chính cho những người mua nhà nước ngoài và áp dụng các khoản thuế mới đối với những người mua nhà ở nước ngoài, các biện pháp thắt chặt này đã khiến lượng tiền đầu tư từ Trung Quốc ra ngoài giảm. Năm nay, hy vọng khoản đầu tư sẽ tăng ở mức trung bình, phù hợp với mục tiêu quản lý đầu tư nước ngoài của Trung Quốc”.

Mặc dù giảm trong 2017 song Úc vẫn sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Trung Quốc. Trong năm 2017, lượng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào bất động sản Mỹ tăng gần gấp đôi con số vào Úc, với 30,4 tỷ USD vào nhà ở và 9,3 tỷ USD vào bất động sản thương mại. Các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn coi bất động sản Úc có giá trị lâu dài mặc dù thuế cao.

Giám đốc điều hành của Juwai cho biết phần lớn người Trung Quốc mua nhà để ở vì có con cái đang học hoặc làm việc ở Úc hoặc họ có dự định thăm con thường xuyên hoặc khi nghỉ hưu sẽ sang ở. Úc là môi trường ổn định, an toàn, giáo dục tốt và chất lượng cuộc sống cao.

Và theo quy luật tự nhiên thì khi nhà giàu Trung Quốc rút lui, bất động sản Úc cũng dần nguội lạnh như một hệ quả tất yếu.

Khách hàng Trung Quốc sưởi ấm bất động sản Úc, nhưng cũng khiến thị trường này nhanh chóng nguội lạnh.

Là một đại lý môi giới bất động sản lâu năm, trải qua những giai đoạn tồi tệ nhất của thị trường bất động sản Úc trong nhiều thập kỷ, Adam Wong nhận ra, vị cứu tinh của mình luôn là các khách hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, Wong đang rơi vào tình cảnh không mấy vui khi lượng khách Trung Quốc ngày càng ít dần.

Hiện tại, thị trường chính của Adam Wong là Chatswood, vùng ngoại ô phía Bắc cảng Sydney, nơi có tới 1/3 cư dân có xuất phát từ Trung Quốc, doanh số bán hàng của anh đã giảm khoảng một nửa so với thời kỳ đỉnh cao, khi tới gần 90% khách hàng của anh là người Trung Quốc.

Không riêng Adam Wong chứng kiến doanh số lao dốc, số liệu từ Chính phủ Úc cho thấy, cư dân Trung Quốc đã không còn nằm trong nhóm nhà đầu tư lớn nhất đổ tiền vào thị trường bất động sản nơi đây.

“Có 2 lý do chính dẫn tới đà sụt giảm. Đầu tiên là khách hàng không thể chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc và thứ hai là kể từ giữa năm 2017, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, tác động tới đời sống của cư dân nước này”, Adam Wong đánh giá.

Trước đó, nhu cầu của khách hàng tới từ Trung Quốc đối với căn hộ, cũng như các bất động sản khu vực quanh cảng Sydney đã tạo nên cơn sốt đối với thị trường bất động sản bờ Đông, với việc giá nhà tại Sydney tăng hơn 75% trong 5 năm tính tới giữa năm 2017. Bên cạnh đó, đà tăng còn được đẩy nhanh hơn bởi nguồn cung hạn chế, bùng nổ dân số và môi trường lãi suất ở mức thấp. Tuy nhiên, kể từ đó tới nay, giá nhà tại Sydney đã giảm khoảng 13%.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Úc Philip Lowe trong bài phát biểu cuối tuần trước đã nhắc tới việc khách hàng nước ngoài rút khỏi thị trường như một trong những nguyên nhân đẩy bất động sản Úc đi xuống. Ngân hàng Trung ương Úc đang theo dõi sát sao diễn biến này, nhất là khi nó đã bắt đầu ảnh hưởng tới mức độ chi tiêu nội địa và làm chậm tăng trưởng kinh tế.

Nhu cầu từ khách hàng Trung Quốc đủ sức để thổi phồng bất động sản Úc trong thời gian dài, nhưng một khi đã rời khỏi, nó cũng khiến thị trường này nguội lạnh nhanh chóng.

Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Úc đã tăng kể từ năm 2000, khi nhà đầu tư Trung Quốc tiến hành mua tài sản tại các nông trại và khu mỏ. Trong những năm gần đây, dòng tiền tập trung hơn vào lĩnh vực bất động sản, một phần bởi sức hấp dẫn của môi trường trong lành của nước Úc, thuận tiện cho cuộc sống tuổi già, một phần bởi số lượng sinh viên Trung Quốc theo học tại các trường đại học tại đây gia tăng, cổ vũ các bậc phụ huynh mua nhà cho con mình.

Tuy nhiên, việc chuyển tiền từ Trung Quốc ra nước ngoài đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, khi Bắc Kinh có các biện pháp kiểm soát dòng vốn ra, vào một cách chặt chẽ khiến số lượng khách Trung Quốc giảm rõ rệt.

Bên cạnh việc giới chức Bắc Kinh thắt chặt các biện pháp kiểm soát dòng vốn, một trong những nguyên do khiến khách hàng Trung Quốc rời khỏi nước Úc là việc Chính phủ Úc bắt đầu thắt chặt hơn quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài, bởi dòng tiền ngoại tạo nên bong bóng trên thị trường bất động sản, đặc biệt tại các thành phố lớn như Sydney và Melbourne.

Wong ước tính, việc khách hàng Trung Quốc không tìm tới thị trường bất động sản Úc đã khiến giá nhà giảm mạnh trong thời gian gần đây. Dù vậy, theo các chuyên gia, nước Úc vẫn duy trì sức hấp dẫn đối với cư dân Trung Quốc, vì vậy, việc dòng vốn từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có quay trở lại hay không phụ thuộc lớn vào việc người dân có thể chuyển tiền ra nước ngoài được không trong thời gian tới.

Báo Alo Úc tổng hợp

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *