Home Tin Nước Úc Úc: Nhiều nạn nhân của bạo hành gia đình là phụ nữ với visa tạm thời
Tin Nước Úc

Úc: Nhiều nạn nhân của bạo hành gia đình là phụ nữ với visa tạm thời

www.Alouc.com – Trong số những nạn nhân của bạo hành gia đình hiện đang ở tạm tại trung tâm hỗ trợ, gần nửa là phụ nữ trong dạng visa tạm thời. Những người phụ nữ này luôn ở tình trạng lo lắng và chịu áp lực không chỉ vì họ phải đương đầu với một nền văn hóa và hệ thống pháp luật khác biệt mà còn vì họ sợ sẽ bị trục xuất.

 

Sau khi sang Úc để bắt đầu một cuộc sống mới, Sarah (không phải tên thật) bắt đầu nhận thấy những thay đổi trong hành động, cư xử của chồng. Người chồng vẫn giữ liên lạc với người vợ cũ và luôn trong cảnh thiếu tiền. Thói quen ngủ của anh ta cũng thay đổi; anh ta uống rượu nhiều hơn và trở nên hung hăng.

“Tôi không làm gì anh ta cả. Nhưng anh ta bắt đầu đánh tôi,” Sarah kể về những cơn thịnh nộ dẫn tới lần bạo hành đầu tiên của chồng. “Tôi không thể hét. Tôi không thể chạy đi đâu.”

Trong số những nạn nhân của bạo hành gia đình hiện đang ở tạm tại trung tâm hỗ trợ, gần nửa là phụ nữ trong dạng visa tạm thời (Ảnh: ABC)
Trong số những nạn nhân của bạo hành gia đình hiện đang ở tạm tại trung tâm hỗ trợ, gần nửa là phụ nữ trong dạng visa tạm thời (Ảnh: ABC)

Anh ta bắt đầu tát tôi vô cớ’

Sarah tới ABC vào một tối muộn để tránh bị nhận ra. Tuy Darwin là một thành phố trung tâm nhưng dân số ở đây khá nhỏ. Do vậy, chuyện mọi người biết nhau là hoàn toàn bình thường.

Sarah đi cùng với một nhân viên làm công tác xã hội. Trong khi Sarah nói chuyện với ABC, người nhân viên chơi cùng con của Sarah với chiếc điện thoại di động.

Sarah giải thích rằng cô kể chuyện của mình vì mong muốn các nạn nhân của bạo hành gia đình cũng sẽ kiếm tìm sự giúp đỡ.

“Tôi muốn khuyến khích phụ nữ dừng việc chịu đựng bạo hành,” cô bắt đầu buổi nói chuyện với thái độ tự tin. Song khi bắt đầu nói về những bạo hành về thể xác và tinh thần mà chồng đã gây ra cho cô, cô cố gắng nuốt nước mắt và thường im lặng một lúc.

“Năm 2014 anh ta bắt đầu có vấn đề với gia đình,” cô kể.

“Chồng tôi bắt đầu uống whisky và thuốc ngủ. Sau đó anh ta bắt đầu tát tôi vô cớ. Chúng tôi đã từng cãi vã trước đó nhưng anh ta chưa bao giờ đánh tôi như vậy. Tôi vô cùng lo ngại.”

 “Tôi chưa thấy người cha nào lại đá con trai mình”

Những biểu hiện bạo hành bắt đầu xuất hiện khi Sarah phát hiện rằng chồng cô vẫn giữ liên lạc với vợ cũ.

Chồng cô bao biện khi Sarah hỏi và cuối cùng thì tát cô.

Ban đầu Sarah muốn cải thiện mối quan hệ vì tin rằng đó là điều tốt nhất cho đứa con mới sinh.

Nhưng sau vài tuần, chồng của Sarah càng trở nên bạo lực và hung hăng hơn. Anh ta đòi gia đình Sarah đưa tiền, lấy cớ là để giúp vợ chồng họ xin visa là thường trú nhân (permanent resident visa),

Thay vì gọi cảnh sát, Sarah gọi số 000 và bảo các nhân viên cứu thương tới giúp chồng vì anh ta có “vấn đề”.

Sarah giải thích rằng cô kể chuyện của mình vì mong muốn các nạn nhân của bạo hành gia đình cũng sẽ kiếm tìm sự giúp đỡ (Ảnh: ABC News)
Sarah giải thích rằng cô kể chuyện của mình vì mong muốn các nạn nhân của bạo hành gia đình cũng sẽ kiếm tìm sự giúp đỡ (Ảnh: ABC News)

Vào một đêm, chồng Sarah không chỉ đánh cô mà còn cả đứa con. Hành động này của chồng khiến Sarah quyết định bỏ trốn.

“Tôi chưa bao giờ thấy người cha nào lại đá vào con mình,” Sarah nói.

“Tôi mang theo con và chạy trốn. Nhưng tôi không có chỗ nào để đi.”

Bạn của Sarah không ai biết chồng cô đã cư xử bạo lực. Thế nên cô tới Trung Tâm Mua sắm  Casuarina (Darwin) và ở đó 3 ngày.

“Tôi vào trong rạp phim. Tôi cho con ăn trong đó. Sau đó tôi và con vào phòng toa lét… Nhưng tôi có thể ở đó bao lâu? Cuối cùng tôi lại về nhà. Và mọi chuyện lại xảy ra như trước. Anh ta lại bắt đầu đánh tôi,” Sarah kể lại.

Phụ nữ lo bị trục xuất nên không dám báo cáo các vụ bạo hành

Câu chuyện của Sarah không phải là chuyện hiếm gặp với những nhân viên ở Dawn House, một trong những trung tâm lớn nhất Darwin dành cho nạn nhân của bạo hành gia đình đến tìm giúp đỡ, nương tựa.

Số người gọi tới tìm hỗ trợ đã tăng gấp đôi, từ 6000 cuộc gọi năm 2014-15 lên tới 11000 vào năm sau đó.

Gần nửa số nạn nhân của bạo hành gia đình đang nương tựa tại trung tâm không phải công dân Úc; họ đang ở đây với visa tạm thời.

“Sarah đến chỗ chúng tôi và có thể thấy rõ là cô ấy không biết cô ấy có những lựa chọn gì,” trưởng ban điều hành của Dawn House, cô Susan Crane, cho biết.

“Cô ấy không có nhiều tiền, cũng không thể dùng các dịch vụ hỗ trợ. Gia đình cô thì không ở đây, và cô ấy hoàn toàn bị cô lập.

“Đó là những vấn đề chung mà tất cả các nạn nhân của bạo lực gia đình với visa tạm thời phải đối mặt. Sarah đã rất lo lắng liệu cô ấy có thể ở lại đây. Đến giờ cô ấy vẫn lo”

Câu chuyện của Sarah không phải là chuyện hiếm gặp với những nhân viên ở Dawn House, một trong những trung tâm lớn nhất Darwin dành cho nạn nhân của bạo hành gia đình đến tìm giúp đỡ, nương tựa (Ảnh: ABC)
Câu chuyện của Sarah không phải là chuyện hiếm gặp với những nhân viên ở Dawn House, một trong những trung tâm lớn nhất Darwin dành cho nạn nhân của bạo hành gia đình đến tìm giúp đỡ, nương tựa (Ảnh: ABC)

Sarah tới Úc với visa phụ thuộc 457, thường là visa dùng bởi những người sang Úc làm việc trong thời gian ngắn. Visa này khiến Sarah và con trai của cô khó ở lại Úc nếu li dị chồng.

Những phụ nữ sang Úc theo dạng visa vợ chồng thì có nhiều lựa chọn hơn vì nếu họ có thể chứng minh mối quan hệ vợ chồng là thật và họ là nạn nhân của bạo hành gia đình, họ có thể ở lại.

Crane cho biết số phụ nữ với visa tạm thời đến Dawn House tìm giúp đỡ đã tăng vọt. Đây là áp lực mới cho Dawn House vì trung tâm phải cố gắng nghiên cứu luật nhập cư và tìm cách giúp những phụ nữ này khi họ không có bảo trợ xã hội.

“Rất nhiều phụ nữ muốn tới trung tâm và chồng của họ sẽ bảo: “Tao sẽ gửi mày lại về nước”. Thế là những phụ nữ này tin lời chồng,” Crane kể.

“Chúng tôi phải cố gắng giúp họ nhận ra là điều đó sẽ không xảy ra.”

Cần Luật mới để giải quyết vấn đề

Chính phủ liên bang vừa giới thiệu luật dự thảo mới mà theo bộ trưởng bộ Nhập Cư Peter Dutton là “một bước quan trọng” để giúp phụ nữ sang Úc trong dạng visa tạm thời không phải chịu cảnh bạo hành gia đình.

Luật dự thảo này vừa được đề cập tại cuộc gặp nghị viện tháng 3. Luật dự thảo này muốn hạn chế khả năng công dân Úc với lịch sử bạo hành gia đình được bảo trợ visa vợ chồng.

Những thay đổi trong luật dự thảo cũng nhằm giúp những người nộp visa biết được về lịch sử bạo hành của người sẽ bảo trợ visa cho mình.

“Nếu người nào từng sinh ra trong gia đình có nạn bạo hành, hoặc chính người đó đã từng hành hung thành viên gia đình mình, chúng ta cần phải cân nhắc xem liệu người đó có thể bảo trợ visa.” Dutton nói.

“Chính phủ có quan điểm rất rõ là chúng tôi sẽ không cấp visa nếu chúng tôi thấy rằng nạn bạo hành gia đình có nguy cơ xảy ra cao giữa hai người nào đó.”

Số liệu từ Bộ Nhập Cư cho thấy có rất nhiều người trong dạng visa vợ chồng đã tìm hộ trợ khi hứng chịu cảnh bạo hành. Tuy nhiên, không có số liệu về những người trong dạng visa khác.

Khi được hỏi chính phủ sẽ làm gì để hỗ trợ các nạn nhân của bạo hành gia đình, Dutton nói chính phủ luôn lắng nghe “các gợi ý và các thay đổi hợp lý”

“Chúng tôi muốn làm tất cả những gì chúng tôi có thể trong khuôn khổ pháp luật. Chúng tôi cũng sẵn sàng thay đổi luật nếu việc đó có thể giảm số vụ bạo hành gia đình”, Dutton nhấn mạnh.

Tuy vậy, với Sarah và đứa bé mới sinh, dù chính phủ có thay đổi luật chăng nữa thì luật này cũng sẽ tới quá muộn và không giúp gì tình cảnh của cô và con cô hiện tại. Họ vẫn đang cố gắng để có thể ở lại Úc.

Số nạn nhân của bạo hành gia đình dưới dạng visa vợ chồng

·         2015 (6 tháng): 217

·         2014–15: 458

·         2013–14: 663

Nguồn: Bộ Di trú Úc

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...