Song đó chưa hẳn là tin xấu duy nhất. Cuộc khảo sát về Hộ gia đình, Thu nhập và Lao động của Úc, được thực hiện đối với 17,500 người thuộc 9,500 gia đình từ năm 2001, đã cho thấy những cái nhìn thực tế về các xu hướng đang diễn ra trong các gia đình ở quốc gia này.
Kênh truyền hình 9 News trích dẫn kết quả từ báo cáo cho thấy “Số người Úc có việc làm được hưởng lương đang gia tăng, đặc biệt là ở phụ nữ, với tỷ lệ người có việc làm chạm mức 71% – mức cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát được bắt đầu thực hiện. Thế nhưng, thời gian di chuyển trên đường kéo dài hơn và người dân đang phải vật lộn để đạt được sự cân bằng giữa công việc và gia đình. Trong khi đó, chăm sóc trẻ em tiếp tục là vấn đề gây áp lực cho các gia đình, số người trưởng thành tiếp tục ở chung nhà với cha mẹ tăng lên, số người bị chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm và lo âu cũng tăng đáng kể”.
Báo cáo của Đại học Melbourne, được công bố vào hôm 30/7, chỉ ra rằng tỷ lệ chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm tăng vọt ở các nhóm tuổi, đặc biệt là ở thanh thiếu niên.
Bên cạnh đó, báo cáo nhận định thu nhập của các gia đình trì trệ làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển kinh tế.
Giáo sư Roger Wilkins thuộc Đại học Melbourne nói rằng “Thu nhập của những người dân thuộc nhóm thu nhập trung bình về cơ bản đã không thay đổi từ năm 2012”.
Tiền lương tăng trưởng ì ạch đã làm ảnh hưởng đến khả năng phụ huynh gửi con đi nhà trẻ.
Thời gian đi lại cũng tăng lên, và nhiều người đã phải dành ra trung bình 66 phút để đi làm và về nhà hàng ngày.
Báo cáo cho thấy những người cha có từ hai con trở lên hầu như là những người mất nhiều thời gian nhất để đi lại, do vậy họ càng lúc càng không hài lòng với mức lương, công việc và khó cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Ngoài ra, báo cáo còn tiết lộ, phụ huynh càng dành nhiều thời gian để làm việc thì càng có khả năng đối mặt với xung đột gia đình.
Theo Vtimes