Hôm nay tôi xin chia sẻ với quý vị một đề tài được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là những người chuẩn bị qua nước ngoài định cư. Đó là câu hỏi băn khoăn về cuộc sống, rằng sống ở nước ngoài có vui hay không? Cuộc sống ở nước ngoài là sung sướng hay cực khổ?
Thực ra đây là một câu hỏi rất khó để có thể trả lời, vì nó phụ thuộc vào xuất phát điểm của mỗi người, từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên tôi sẽ tạm chia cuộc sống Úc thành 2 khía cạnh vật chất và tinh thần để quý vị có thể dễ dàng hình dung về cuộc sống ở đây, còn vui hay không vui, sướng hay không sướng, tùy vào sự đánh giá của chính bản thân quý vị.
Đầu tiên về khía cạnh vật chất. Ở bên Úc, chuyện sở hữu 1 chiếc xe hơi là điều vô cùng bình thường, bởi lẽ đối với người Úc, chiếc xe hơi chỉ là 1 phương tiện để di chuyển, ai cũng có thể dễ dàng có được 1 chiếc xe hơi. Trong khi đó, nếu ở Việt Nam, xe hơi là phương tiện xa xỉ để đánh giá phần nào sự giàu có của 1 người. Thứ 2 về chuyện quần áo, quần áo ở Úc đa phần là đồ hiệu, không có hàng đểu, hàng nhái hay hàng kém chất lượng. Việc ăn mặc quần áo hàng hiệu ở Úc cũng là một chuyện rất thường tình. Về đồ ăn thức uống, đồ ăn Úc đa phần là đồ ăn ngon, sạch sẽ, đảm bảo. Những đồ ăn mắc tiền ở Việt Nam như socola, phomai hay các đồ ăn khác, qua bên Úc đều trở thành thực phẩm hàng ngày.
Còn về chuyện lương hàng tháng, ai ai cũng thu nhập khoảng 1-2 ngàn đô, có người còn thu nhập cao hơn con số đó rất nhiều. Chi tiêu thanh toán, đa phần đều dùng thẻ, vô cùng tiện lợi và nhanh gọn. Tóm lại, nếu nói về cuộc sống vật chất, nếu so với mức sống cũ của mình bên Việt Nam, thì cuộc sống bên Úc là sướng.
Tiếp đến là về khía cạnh tinh thần. Đối với những người nào yêu thích một lối sống yên bình, muốn tận hưởng cảm giác không bị làm phiền, được tận hưởng không khí tươi mát, trong lành ít bị ô nhiễm, thì đa phần đều thích lối sống Úc hơn. Bên cạnh đó, theo một khía cạnh nào đó, cuộc sống Úc cũng an toàn hơn, khi mà trộm cắp không có nhiều, khi mà tình hình giao thông không quá phức tạp, tội phạm cướp giật không được phép lộng hành. Đối với những người thích một lối sống như vậy, cuộc sống Úc sẽ là thiên đường.
Tuy nhiên, đối với những người đã quen cách sống Việt Nam ‘bạ đâu làm đó’, thích làm mọi việc theo ý thích bản thân, không theo một quy củ nào hết, thì cuộc sống Úc sẽ vô cùng ‘khó chịu’. Bởi lẽ ở Úc, mọi thứ đều vận hành theo quy định nghiêm ngặt và quan trọng người Úc sống với tinh thần thượng tôn pháp luật, nên mọi trường hợp làm trái với quy định đó đều bị xử lý.
Giả sử dù là nhà của mình nhưng ở trong 1 khu phố có quy định đặc biệt nào đó, dù có muốn sơn lại hay thay đổi cấu trúc cũng phải được sự đồng ý của nhà quản lý. Hay như ở Việt Nam mọi người vẫn hay có thói quen tụ tập, ăn uống nhậu nhét hay ca hát linh đình, nhưng sang tới Úc, nếu làm như vậy mà hàng xóm cảm thấy phiền phức hay ảnh hưởng tới cuộc sống của họ, họ hoàn toàn có thể thưa chúng ta ra tòa.
Có thể nói ở Úc, mọi người có cuộc sống tự lập là nhiều, họ rất sòng phòng và rõ ràng nên đôi khi nhiều người cảm thấy lối sống ở Úc ‘không có tình thương’, mọi người không quan tâm , giúp đỡ nhau. Đặc biệt đối với những người thích giao lưu, thăm hỏi hay tụ tập bạn bè, nếu muốn có được cuộc hẹn với họ, phải hẹn từ trước, không có chuyện thích là có thể tới nhà người ta gõ cửa rồi người ta sẽ nhiệt tình đón tiếp như ở Việt Nam được. Những ai đang quen với cuộc sống gần gũi thân mật khi còn ở Việt Nam, lúc sang bên này sẽ phần nào cảm thấy hụt hẫng.
Kết lại, cuộc sống ở Úc hay cuộc sống ở bất cứ đâu khác, sướng hay khổ, vui hay không vui đều phụ thuộc vào chính bản thân chúng ta. Tôi luôn giữ quan điểm của nhà Phật rằng thế giới này ‘nhất tâm’, tức là dù có ở đâu hay làm gì, cái tâm của ta cũng sẽ quyết định, chỉ cần tâm hồn ta cảm thấy ổn thấy thoải mái là cuộc sống ở đó sẽ tự khắc dễ chịu theo suy nghĩ của chúng ta. Và ‘nhập gia tùy tục’, nếu đã qua Úc, hãy biết thay đổi bản thân, thay đổi lối sống, cách suy nghĩ để sớm có thể hòa nhập với văn hóa và cuộc sống Úc. Đó chính là lúc quý vị sẽ tự điều chỉnh đươc việc sướng hay khổ khi sống ở xứ này.
Nguồn: Youtube Duong Trung Hieu
Leave a comment