Home Tin Nước Úc Biến chủng Delta phơi bày lỗ hổng chống dịch của Úc
Tin Nước Úc

Biến chủng Delta phơi bày lỗ hổng chống dịch của Úc

Úc trở thành một hình mẫu toàn cầu trong năm 2020 với chiến lược chống Covid-19 hiệu quả, nhưng biến chủng Delta xuất hiện và phá hỏng tất cả.

Úc đã đạt được trạng thái “bình thường mới” giữa Covid-19 trong năm 2020, khi mọi người có thể tới nhà hàng, câu lạc bộ đêm, tụ tập đông người ở lễ hội hay tới các nhà hát.

Hệ thống phòng thủ Covid-19 mạnh mẽ của nước này, nhờ chính sách đóng biên và cách ly bắt buộc, đã mang lại hiệu quả 99,99%. Khi ca nhiễm mới xuất hiện, quan chức hành động nhanh chóng, phong tỏa các thành phố và truy vết tiếp xúc.

Sydney, thành phố lớn và giàu nhất Úc, đã tránh được các đợt phong tỏa nhờ một hệ thống truy vết tiếp xúc “tiêu chuẩn vàng”. Nhưng hai tuần qua, biến chủng Delta đã tìm ra cách chọc thủng hệ thống phòng ngự này. Chỉ trong một tuần, các ca dương tính tăng vọt lên 100.

Tới ngày 25/6, giới chức buộc phải áp lệnh phong tỏa Sydney. Chỉ ba ngày sau, cuộc khủng hoảng ảnh hưởng tới cả nước, với các ổ dịch bùng phát ở bốn bang và vùng lãnh thổ.

Sydney, Darwin, Perth và Brisbane đều bị phong tỏa. Hơn 20 triệu người Úc, chiếm khoảng 80% dân số, đang sống chung với các biện pháp hạn chế, con số cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.

Một bãi biển ở Melbourne, Australia hồi tháng 2. Ảnh: AP.

Một bãi biển ở Melbourne, Úc hồi tháng 2. Ảnh: AP.

Trong một cuộc họp khẩn cấp hôm 28/6, chính quyền bang và liên bang đã cố gắng vá những lỗ hổng trong chiến lược ứng phó Covid-19. Nhưng nhiều người Úc đặt câu hỏi tại sao họ phải trở lại với các biện pháp hạn chế, sau khi thế giới đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn suốt bảy tháng qua.

Các nhà dịch tễ học nói biến chủng Delta đã cho thấy khả năng dễ lây nhiễm nhất trong số các chủng của virus và nó đã khai thác thành công những lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ Covid-19 của Úc.

Hệ thống kiểm soát biên giới và cách ly của nước này ngày càng gặp nhiều thách thức kể từ khi biến chủng lần đầu xuất hiện vào cuối năm 2020. Giới chức đã ghi nhận nhiều ca nhiễm trong số hành khách được cách ly, dù ở các phòng riêng biệt.

Nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về hệ thống thông khí và thiếu khí tươi trong các khách sạn cách ly. Khoảng 370.000 người đã đi qua hệ thống kiểm soát của Úc, nhưng 10 trường hợp đã nhiễm nCoV và dẫn tới các đợt bùng phát ở nước này.

Hai đợt bùng phát gây rắc rối cho Úc hiện tại đều bắt nguồn từ các khách sạn cách ly. Một người là công nhân ở vùng lãnh thổ Bắc Úc bị nhiễm nCoV khi cách ly ở Queensland. Người còn lại là một phụ nữ ở Queensland, phát hiện nhiễm virus ngay sau khi kết thúc đợt cách ly.

Một điểm yếu khác trong hệ thống phòng thủ Covid-19 của Úc là biên giới. Quốc gia này nổi tiếng về quy định kiểm soát nhập cảnh nghiêm ngặt, hạn chế số công dân hồi hương và lệnh cấm người đến từ các điểm nóng Covid-19.

Khi hành khách rời máy bay, họ sẽ được một nhóm binh sĩ, cảnh sát và y tá đeo khẩu trang và găng tay đưa thẳng đến khu cách ly. Nhưng quy trình kiểm soát nghiêm ngặt này không được áp dụng cho những nhân viên khác, như các tài xế vận chuyển hành khách.

Ca F0 ở Sydney là một tài xế 60 tuổi, bị nhiễm virus từ một hành khách. Ông chưa được tiêm phòng, không đeo khẩu trang và không được xét nghiệm thường xuyên. Ông cũng không được yêu cầu phải tuân thủ các quy định kiểm dịch vào thời điểm đó.

Bất chấp những sai sót này, nhiều chuyên gia cho rằng nguy cơ lây nhiễm cao của biến chủng Delta là nguyên nhân dịch bùng phát mạnh. Tại New South Wales, nơi có thành phố Sydney, giới chức cho biết tỷ lệ lây nhiễm trong các gia đình đạt 100%, thay vì 25% như các chủng trước. Nhiều người thậm chí bị nhiễm virus khi chỉ đi qua một người khác trong cửa hàng.

“Biến chủng Delta cực kỳ dễ lây lan. Nguy cơ lây nhiễm vẫn còn ngay cả với những người đã tiêm vaccine”, giáo sư Nancy Baxter, hiệu trưởng Trường Dân số và Y tế Toàn cầu thuộc Đại học Melbourne, nói.

Bà chỉ ra trước khi dịch bùng phát, giới chức đã ghi nhận những ca nhiễm biến chủng Delta mà “họ thậm chí không thể xác định được cách thức lây nhiễm”.

“Do đó, tôi cho rằng ngay cả với các hệ thống hoàn hảo, đây vẫn là thách thức. Nhưng các hệ thống không hiệu quả chỉ khiến chúng ta gần như ngồi im chờ chết”, bà nói.

Mối đe dọa từ Delta cũng phơi bày thất bại trong chiến dịch tiêm chủng của Úc. Chưa tới 5% người trưởng thành ở nước này tiêm đủ liều, trong khi chỉ 29% dân số tiêm một mũi.

Úc là nước cuối cùng trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) triển khai chương trình tiêm chủng. Nhiều nhà phê bình cho rằng trách nhiệm này thuộc về chính phủ.

“Bạn có nhiều người được tiêm chủng một liều hơn số người đã tiêm chủng đủ. Và số người chưa tiêm chủng thậm chí nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa dân số rất dễ bị tổn thương”, giáo sư Raina MacIntyre tại Đại học New South Wales nói.

Chiến dịch tiêm chủng chậm chạp của Úc bắt nguồn từ vấn đề về nguồn cung, chủ quan vì tỷ lệ nhiễm bệnh thấp và lo ngại về nguy cơ đông máu hiếm gặp của vaccine AstraZeneca. Điều này khiến chính phủ hồi đầu năm quy định chỉ tiêm vaccine AstraZeneca cho người trên 60 tuổi, dù nguồn cung vaccine khác như Pfizer hạn hẹp.

Những thông tin về rủi ro của vaccine AstraZeneca tràn lan trên truyền thông khiến nhiều người Úc lo sợ. Tài xế gây bùng dịch ở Sydney là một trong số đó.

Tài xế xếp hàng xét nghiệm Covid-19 trên xe ở bãi biển Bondi, Sydney hôm 25/6. Ảnh: AP.

Chuyên gia nhất trí rằng các đợt bùng phát hiện tại phải được ngăn chặn bằng cách áp phong tỏa và các biện pháp hạn chế khác. Họ hy vọng phong tỏa hai tuần đủ giúp Sydney kiểm soát dịch.

Nhưng để tránh các đợt bùng phát do chủng Delta gây ra trong tương lai, Thủ tướng Scott Morrison dường như chấp nhận lời kêu gọi tăng tốc tiêm chủng của các chuyên gia. Ông đã yêu cầu tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên khu cách ly và chăm sóc người cao tuổi ở các cơ sở có nguy cơ cao.

Thủ tướng Morrison cũng mở rộng phạm vi sử dụng vaccine AstraZeneca cho người trẻ tuổi hơn và cam kết bảo vệ bác sĩ trong trường hợp người tiêm xảy ra phản ứng bất lợi.

Các chuyên gia cũng cảnh báo biến chủng Delta có thể thay đổi cuộc sống của Úc lâu dài. Khi chương trình tiêm chủng đại trà khó có thể thực hiện được trước năm 2022 và người Úc ở nước ngoài tiếp tục hồi hương, mối đe dọa từ Delta có thể kéo dài. Điều đó có nghĩa các biện pháp như đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ phải bắt buộc áp dụng trong một thời gian.

“Trước đây, mọi thứ thật tuyệt vời. Bạn có thể ra ngoài ăn tối và tiếp xúc với hàng nghìn người”, Baxter nói. “Nhưng tôi không chắc chúng ta có thể làm như vậy một lần nữa cho tới khi tất cả được tiêm chủng, bởi có quá nhiều rủi ro. Tôi nghĩ chúng ta không thể sống như thể Covid-19 không tồn tại nữa”.

Theo Vnexpress

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...