Hầu hết, các cuộc tụ họp ăn mừng năm nay diễn ra ở quy mô nhỏ hơn nhiều, trong khi các cuộc biểu tình hầu như ôn hòa cũng đã diễn ra trên khắp các thành phố lớn, và các sự kiện cộng đồng cũng đã phải giảm xuống số lượng người tham dự, do các hạn chế COVID-19.
Những cánh buồm của Sydney Opera House đã được thắp sáng, trở thành một bức tranh nghệ thuật đầy màu sắc trong ngày quốc khánh Úc.
Nghệ sỹ người Úc bản địa Frances Belle-Parker là tác giả của tác phẩm nghệ thuật này, bà sử dụng các dấu tròn nhỏ để mô tả hơn 250 nhóm ngôn ngữ Thổ dân trên khắp cả nước.
Ngày 26/1 được người Úc tưởng nhớ là ngày mà Thuyền trưởng Arthur Philip tuyên bố chủ quyền của Anh trên đất Úc vào năm 1788.
Đến năm 1935, tất cả các tiểu bang và vùng lãnh thổ Úc đã sử dụng tên chính thức Australia Day, sau hàng chục năm tranh luận về một ngày quốc khánh. Tuy nhiên, một ngày nghỉ lễ toàn quốc trong dịp này chỉ bắt đầu từ năm 1994, khi cả nước ăn mừng vào ngày 26/1.
Tại lễ thượng cờ và và nhập tịch tại Canberra, Thủ tướng Scott Morrison nói rằng ngày này đánh dấu ngày mà nước Úc thay đổi vĩnh viễn.
Chúng ta kỷ niệm vào ngày này, khi mà tương lai của mảnh đất này thay đổi mãi mãi. Không có sự trốn tránh hay chối bỏ sự thật đó, dù tốt hay xấu.
“Đó là khoảnh khắc khi mà hành trình đi tới một nước Úc hiện đại bắt đầu, và nó vẫn đang tiếp tục chặng đường của nước Úc mà chúng ta ghi nhận ngày hôm nay. Các câu chuyện của chúng ta kể từ ngày hôm đó đã có cả nỗi buồn và niềm vui, mất mát và chuộc lại, thất bại và thành công.”
Đối với một số người, Australia Day không đánh dấu một ngày để ăn mừng.
Một phong trào vận động gọi dịp này là Invasion Day (tức Ngày Xâm lược), xác định đây là thời điểm bắt đầu của quá trình thuộc địa hóa người Úc bản địa.
Hàng ngàn người trên khắp cả nước đã đổ xuống đường biểu tình và kêu gọi công lý cho những người Úc đầu tiên.
Nhà vận động thuộc tổ chức Gamilaraay Next Generation, Ian Brown phát biểu trước đám đông khoảng 8,000 người tại một sự kiện ở Sydney.
Những gì mà chúng ta đang nói ngày hôm nay tại đây đó là về việc cho chúng ta quyền tự quyết, để quyết định tương lai của chính chúng ta.
“Bởi vì không có công lý nào tại đất nước của chúng ta đối với những người Úc đầu tiên.”
Khoảng 5,000 người khác cũng đã tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa tại Melbourne. Trong khi các nhóm đông đúc diễu hành qua các con phố tại Adelaide, Perth, Canberra và Brisbane.
Nhạc sỹ và phát thanh viên người thổ dân Dan Rennie nói với NITV rằng, ngày 26/1 không phải là ngày đáng ăn mừng đối với ông.
“Mẹ đẻ của tôi đã bị mang đi. Đây là một chuyện mà vẫn còn tiếp diễn cho tới hôm nay. Và trong khi ngày này được ăn mừng như là ngày toàn quốc tại đất nước này, người Thổ dân và dân đảo Toress Strait không cảm thấy là một phần trong đó. Chúng tôi muốn loại bỏ Australia Day. Và tôi nghĩ chúng ta cứ bỏ nó đi cho tới khi chúng ta có cái gì đó mà chúng ta có thể thực sự ăn mừng. Cái gì đó cho tất cả mọi người.”
Thủ tướng Morrison nói rằng ngày này ghi nhận tất cả những gì thuộc về lịch sử của nước Úc.
Chúng ta giờ đây là một đất nước với hơn 25 triệu câu chuyện. Tất cả đều quan trọng, đều đặc biệt, và đều đáng được tôn trọng.
“Cho dù đó là câu chuyện của những người Úc đầu tiên của chúng ta với nền văn hóa lâu đời, mạnh mẽ và đầy hãnh diện, và sự tồn tại của họ bất chấp sự chiếm hữu và thuộc địa. Hay đó là câu chuyện của những linh hồn bị bỏ rơi, những người đến đây trong tư cách là những kẻ phạm tội, không phải để bắt đầu một thế giới mới mà bởi vì họ bị trục xuất khỏi thế giới cũ của họ. Những câu chuyện này không cạnh tranh với nhau. Chúng chỉ đơn giản cùng tồn tại. Chúng đan xen với nhau để tạo nên nước Úc.”
Lãnh đạo đối lập Anthony Albanese đã kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về ngày 26/1 nhằm hạ nhiệt cuộc tranh luận kéo dài về Australia Day.
“Ngày hôm nay là ngày mà chúng ta nên, bằng lời nói và hành động của chúng ta, đoàn kết đất nước và mang mọi người đến với nhau, thay vì tìm cách gây ra bất cứ cuộc tranh cãi gây chia rẽ nào. Đó là lý do vì sao tôi đưa ra đề xuất đó. Đối với tôi chúng ta cần có một ngày mà tất cả mọi người đều có thể ăn mừng. Đã đến lúc chúng ta có một cuộc tranh luận về việc làm thế nào để chúng ta tiến lên phía trước.”
Các hạn chế vì COVID-19 đồng nghĩa với việc các buổi lễ trao quốc tịch đã được tiến hành hơi khác so với mọi năm. Không có những cái bắt tay giữa những công dân mới trong các lễ nhập tịch trên khắp nước Úc.
Các công dân mới Duhita Khadepau và Abhijeet Gandhi đến Sydney từ Mumbai, Ấn Độ cách đây 15 năm.
“Trở thành một công dân khiến chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi là một phần của nước Úc, và đất nước chấp nhận chúng tôi vì những gì mà chúng tôi đóng góp. Tôi chỉ mong có thể làm những điều tốt đẹp nhất cho đất nước và chính bản thân tôi.”
Còn cô Khadepau tỏ lòng biết ơn đến cộng đồng tại Úc, những người đã hỗ trợ trên hành trình của cô trên đất Úc.
“Tôi chưa từng gặp những người phụ nữ tuyệt vời như vậy trong đời. Những hỗ trợ mà tôi nhận được trong thời gian mà chúng tôi sống ở đây là vô cùng to lớn. Cách mà họ giúp chúng tôi trưởng thành, họ đã hỗ trợ chúng tôi trong mọi thứ.”
Trong khi đó, 844 người Úc đã được ghi nhận với các đóng góp nổi bật của họ đối với các cộng đồng và xã hội Úc, trong danh sách tôn vinh của Australia Day.
Theo SBS
Leave a comment