Những thực phẩm quen thuộc với người tiêu dùng Việt đã bị cho vào những chất cấm vì mục tiêu lợi nhuận.
Những ngày gần đây, Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka (Nhật Bản) vừa thu hồi 18.168 chai tương ớt Chinsu nhập khẩu từ Việt Nam do có chứa chất phụ gia thực phẩm axit benzoic.
Liên quan vấn đề này, GS.TS Nuyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết axit benzoic là một chất phụ gia dùng trong thực phẩm.
Phụ gia thực phẩm được hiểu là những chất sẽ đưa tới hoặc có thể gián tiếp hay trực tiếp trở thành một thành phần của thực phẩm hoặc thay đổi đặc tính của thực phẩm. Nó bao gồm tất cả chất được dùng trong sản xuất, chế biến, đóng gói, chuyên chở hoặc tồn trữ thực phẩm, nhằm mục đích tăng vi, tạo màu, giữ thực phẩm khỏi hư hao…
Theo PGS Thịnh, ở Việt Nam, Bộ Y tế đã công bố danh mục chất bảo quản được phép sử dụng trong thực phẩm, trong đó có ghi rõ tên các chất gia phụ được phép dùng, với giới hạn tối đa cho phép trong từng loại thực phẩm.
“Chất phụ gia nếu được dùng với hàm lượng cho phép sẽ không nguy hại. Hơn nữa, cơ thể con người có thể đào thải, nếu trong ngưỡng đào thải sẽ an toàn, quá ngưỡng mới nguy hiểm khi sử dụng”, PGS Thịnh cho hay.
Bên cạnh đó, chuyên gia cảnh báo hiện nhiều chất được cơ quan chức năng tìm thấy trong thực phẩm nhưng không phải là phụ gia được phép dùng.
Hàn the
Hàn the thường được cho vào bún, phở, giò, chả để tạo độ dai, giòn. Đây là hóa chất không nằm trong danh mục các loại hóa chất phụ gia được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong việc bảo quản và chế biến thực phẩm. Điều đó có nghĩa chúng sẽ có tác động bất lợi cho cơ thể nếu ăn phải. Thực tế, dùng hàn the liều cao có thể gây ngộ độc cấp, còn với liều lượng nhỏ tích tụ và gây ngộ độc gan, thận, rất nguy hiểm cho cơ thể.
Theo khuyến cáo trên thế giới, trẻ em ăn phải thực phẩm có lượng hàn the 1-2 gr/kg thể trọng sẽ bị tử vong sau 10-12 giờ. Ở thể trường diễn, trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển trí não.
Để mua được giò chả an toàn, người tiêu dùng cần tới những cơ sở làm giò sạch, có uy tín, được công bố không có hàn the. Thứ hai, người tiêu dùng có thể sử dụng que thử dạng giấy để nhận biết giò chả có hàn the hay không khi mua giò chả ngoài chợ.
Chất huỳnh quang
PGS Thịnh cho biết Tinopal hay còn được gọi là chất huỳnh quang được dùng trong công nghiệp sơn, sản xuất vải, giấy vì có màu óng ánh, đẹp. Chính vì thế, nhiều người đã bất chấp hậu quả để dùng hóa chất này trong quá trình làm bún bởi nó tạo độ bóng trên bề mặt sợi bún, làm cho sợi bún hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh Tinopal tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm do tính độc hại và có khả năng gây ung thư.
“Tùy theo lượng độc tố vào cơ thể mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính. Tinopal có thể làm hư hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột có thể dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày. Ở mức độ nặng, chúng tích tụ lâu dài sẽ gây suy gan, thận, thậm chí ung thư”, PGS Thịnh cho hay.
Do đó, vị chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần thận trọng hơn với các sản phẩm bún, bánh tươi có màu trắng và độ bóng hơn dưới ánh sáng. Bạn nên lựa chọn sản phẩm bún, bánh tươi có nguồn gốc rõ ràng của cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được cơ quan chức năng chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Bún được làm bằng gạo nguyên chất sẽ có màu trắng đục. Ảnh: Getty Images.
Chất chống thối trong dưa cà
Theo PGS Thịnh, đối với những loại dưa cà để trong lọ dù để lâu nhưng vẫn không chuyển màu, vẫn giữ được màu trắng bắt mắt có thể người bán đã dùng chất tẩy đường. Đây là một dạng hợp chất có chứa sunfua dioxit (SO2) dùng để tẩy trắng và giữ cho thực phẩm được tươi.
Điều đáng nói là chất tẩy đường trên thị trường hiện nay thường được nhập về để dùng trong công nghiệp chứ không phải dùng trong thực phẩm. Nếu SO2 còn tồn dư trên thực phẩm sẽ gây nhiễm độc, viêm giác mạc mắt, viêm miệng, ruột, dạ dày…
Theo chuyên gia, người tiêu dùng nên tự muối dưa cà để đảm bảo chất lượng hoặc mua ở những địa chỉ tin cậy, cẩn trọng với những loại có màu trắng quá bắt mắt.
Theo
Leave a comment