Home Tâm Sự - Chia Sẻ Vợ Việt nơi đất khách: Đi bộ… để hòa nhập
Tâm Sự - Chia Sẻ

Vợ Việt nơi đất khách: Đi bộ… để hòa nhập

www.Alouc.com – Tôi hỏi, tại sao không đi taxi để về hay đại loại là xe buýt cũng được. Anh chồng thẳng thừng: “Chỉ gần 2 km mà không đi bộ được thì làm sao sống ở Nhật!” 

Vậy là mùa đông thứ tư của tôi trên đất nước mặt trời mọc cũng sắp trôi qua để nhường chỗ cho mùa xuân, nơi những cánh hoa anh đào đang dần hé nở.
Hokkaido – nơi tôi ở được mệnh danh là vùng đất lạnh nhất nước Nhật, nơi mà khi đông đến, mang theo những cơn gió lạnh rét buốt từng làn da thớ thịt , tuyết đóng dày bít cả lối vào nhà . Thì đối với cô gái sinh ra và lớn lên ở thành phố Hồ Chí Minh, quanh năm nắng ấm thì đó là điều không dễ chịu chút nào.
Vợ Việt nơi đất khách: Kỳ 4: Đi bộ... để hòa nhập - ảnh 1

Phong cảnh yên bình ở vùng Bie – Hokkaido

Tôi gặp và quen chồng khi anh sang Việt Nam công tác nơi công ty tôi làm việc. Chắc có lẽ do duyên nợ nên khi anh là người Nhật , sống và làm việc bên Thái Lan lại quen biết và cưới cô vợ Việt Nam chứ không phải là cô gái Nhật hoặc Thái.
Còn tôi, từ nhỏ đã chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ lấy chồng nước ngoài hay là rời xa Sài Gòn. Ngày anh ngỏ lời cầu hôn, tôi đã hơi bất ngờ và do dự. Một phần do thời gian quen nhau chưa lâu, một phần tôi vẫn còn ở cái tuổi dở dở ương ương chưa định nghĩa được lấy chồng và nội trợ là gì.
Cũng có thể do sự ảnh hưởng của bộ phim “Osin ” vào những năm 90 vào tôi hơi sâu nên khi tôi hỏi ý kiến gia đình thì ai nấy còn lo lắng hơn cả tôi. “Ăn cơm tàu, lấy vợ Nhật, ở nhà tây”.Cả nhà sợ tôi phải chịu cảnh “chồng chúa, vợ tôi” giống thời phong kiến ở Nhật.
Bao nhiêu lời khuyên, viễn cảnh khó khăn khi làm vợ người Nhật được họ hàng miêu tả dựa trên những bộ phim truyền hình Nhật họ đã được xem … nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn làm đám cưới với đông đủ họ hàng chúc tụng.
Vợ Việt nơi đất khách: Kỳ 4: Đi bộ... để hòa nhập - ảnh 2

Ảnh cưới trong trang phục truyền thống Nhật

Rớt xuống thực tại
Tôi theo chồng sang Nhật sau khi cưới nhau được nửa năm, với hành trang đem theo không có gì ngoài sự vụng về của mình và rất nhiều bỡ ngỡ.
Nơi đầu tiên tôi đặt chân đến là thành phố Sapporo, một trong năm thành phố lớn nhất Nhật Bản. Mọi thứ với tôi thật lạ lẫm, con người, xe cộ và cảnh vật. Đường phố không có rác, xe cộ đông đúc là thế nhưng không hề có tiếng còi in ỏi náo nhiệt như Sài Gòn. Ai làm việc nấy, người này lướt qua người kia nhanh như cơn gió.
Đang lớ ngớ như ở trên mây thì ông chồng “quý hoá” kéo tuột tôi xuống hiện tại. Anh một cái vali, tôi một cái, cứ thế lôi xềnh xệch trên đường để đi về nhà cách ga tàu điện cỡ 2 km. Tôi khá mệt vì chuyến bay dài (tổng cộng hơn 10 tiếng đồng hồ do phải quá cảnh – từ Việt Nam không có đường bay thẳng đến Hokkaido), bàn chân thì đau rã rời do mang giày không hợp, chồng tôi thì đi quá nhanh khiến tôi đuổi theo hụt cả hơi.
Tôi hỏi, tại sao không đi taxi để về hay đại loại là xe buýt cũng được. Anh thẳng thừng: “Chỉ gần 2 km mà không đi bộ được thì làm sao sống ở Nhật!” Thế là cuộc sống “màu hồng ở nước ngoài” như ban đầu tôi nghĩ đã nhạt màu đi một chút.
Ngày thứ hai ở Nhật , tôi được chồng dẫn đi ra mắt mẹ chồng, cách nhà chúng tôi hơn 60 km. Đây là lần đầu tiên ra mắt gia đình chồng, vì mẹ chồng sức khoẻ không được tốt, trước khi cưới tôi chỉ được nói chuyện qua điện thoại. Gia đình chồng neo người, chị chồng cũng kết hôn với người Úc và sống bên đấy, cho nên đám cưới tôi chỉ có bạn bè chồng.
Cảm giác hồi hộp pha chút lo lắng. Không biết mẹ chồng có khó hay không, có xét nét hay bắt bẻ gì không? Khác với sự lo lắng của tôi, mẹ đón tôi với nụ cười rất hiền và cởi mở, còn có cả bà con của chồng ở đó nữa.
Mọi người ăn uống vui vẻ, kể chuyện trên trời dưới đất, hỏi han tôi đủ thứ, căn dặn tôi nếu có phiền lòng gì ở nơi đất khách thì cứ gọi điện thoại tâm sự với mẹ. Sợ tôi mới qua còn nhiều bỡ ngỡ và xa nhà sẽ buồn, bà luôn miệng cám ơn tôi đã về làm dâu.
Thế là xong buổi ra mắt đầy hồi hộp, thay vào đó là sự an tâm vì được gia đình chồng đón tiếp niềm nở, khác với suy nghĩ ban đầu của tôi nói riêng và người Việt Nam nói chung.
Vợ Việt nơi đất khách: Kỳ 4: Đi bộ... để hòa nhập - ảnh 3

Tác giả đang nấu ăn và được tường thuật trên tivi và báo, khi giới thiệu món bánh xèo Việt với nước Nhật.

Gặp đồng hương, thi đậu bằng lái
Làm dâu đã khó, làm dâu người Nhật còn khó khăn hơn.
Do biết tiếng Nhật từ trước và có bằng sơ cấp về ngoại ngữ này nên ban đầu tôi không lo sợ về vấn đề ngôn ngữ khi sang đây. Nhưng khác với những gì tôi nghĩ, người bản địa nói quá nhanh. Tôi chưa định hình được nghĩa gì thì họ đã kết thúc câu chuyện. Thế là khó khăn thứ nhất buộc tôi phải có cách suy nghĩ khác hơn, tôi cần phải học thêm nhiều hơn.
May mắn cho tôi là khi còn ở Việt Nam có tham gia trên diễn đàn webtretho, tìm được topic của hội các chị em lấy chồng Nhật, tôi làm quen được một chị cũng có chồng đang sống ở Hokkaido, rất gần nơi tôi sẽ ở nên tôi xin làm quen.
Một tuần sau khi sang Nhật, chồng dắt tôi đi gặp các chị người Việt, cũng lấy chồng xa xứ . Đó là lần đầu tiên tôi đi tàu điện ngầm. Dắt tôi đến nơi, chào hỏi xong anh chỉ cho tôi tên trạm tàu để lát nữa tự về nhà, vì tôi có thể nói tiếng Nhật , ko biết thì cứ hỏi người đi đường.
Ôi khỏi phải nói, chuyện đó nghe đơn giản nhưng chẳng hề dễ dàng chút nào đối với người đi tàu điện ngầm lần đầu. Các tuyến tàu rối như mạng nhện. Nhưng rồi cũng ổn. Các chị bạn chỉ dẫn tôi tận tình, từ cách đi tàu điện, đi xe buýt, mua sắm trong siêu thị và cuộc sống hằng ngày ở Nhật. Thật may mắn khi vừa sang đã có bạn bè .
Trong cuộc sống hàng ngày, vợ chồng tôi rất vui vẻ do anh là tuýp người hài hước nhưng cũng có khi phát sinh mâu thuẫn . Đôi khi rào cản ngôn ngữ cũng là một trong những nguyên nhân khiến chúng tôi gây gỗ.
Có lẽ cả hai ở hai đất nước hoàn toàn xa lạ thì cho dù một trong hai người có giỏi tiếng của đối phương như thế nào đi nữa thì cũng có lúc không thể hiểu nhau. Tuy nhiên chúng tôi cũng không giận nhau lâu, cùng lắm là một hai ngày thì lại làm lành. Chồng tôi rất dễ tính, không hề khắt khe như mấy ông người Nhật tôi thấy trên phim.
Rồi tôi bắt đầu tìm việc cho mình. Ban đầu có chút khó khăn do không có nhiều kinh nghiệm. Nhưng dần dần thì mọi thứ đều tiến triển tốt đẹp. Tôi được các cô bác làm chung giúp đỡ , dìu dắt rất nhiều trong công việc.
lấy chồng tây
Người Nhật rất nhiệt tình khi chỉ dạy vấn đề gì cho bạn, với điều kiện bạn phải học hỏi và cố gắng nỗ lực. Tôi tham gia lớp học thêm tiếng Nhật miễn phí ở Toà thị chính của thành phố. Giao lưu và trao đổi văn hoá với những bạn bè người nước ngoài đang sinh sống tại Nhật. Sở thích của tôi là nấu ăn. Thế là người ở Toà thị chính tạo điều kiện cho tôi có thể giới thiệu các món ăn của Việt Nam đến với người Nhật.
Rồi tôi xin chồng đăng ký học lái xe, với mong muốn không bị phụ thuộc quá nhiều và tìm công việc tốt hơn. Chồng tôi không đồng ý. Rất nhiều lý do được đưa ra để tôi bỏ ý định đó đi. Chồng nói, tính tôi vẫn còn cẩu thả lắm, đi bộ trên đường còn té lên té xuống huống hồ lái xe, nhỡ gây tai nạn thì khổ …
Đấu tranh tư tưởng gần 2 năm thì tôi được đăng ký cho đi học lái, Ở Nhật vấn đề giao thông rất khắt khe. Nghe bạn bè kể là thi bằng lái rất khó, có người rớt những 10 lần, có người thì đổi bằng lái bên Việt Nam sang bằng lái Nhật gần cả năm mà chưa được.
Tôi cũng hơi chùn bước, nhưng do đã lỡ cá cược với chồng và quyết tâm phải lấy cho được bằng lái nên tôi lao vào học. Sáng đi làm đến trưa là chạy một mạch đến trường dạy lái xe, học tới 8 giờ tối thì về. Một tháng sau tôi lấy được bằng lái, chỉ với một lần thi duy nhất. Khỏi phải nói là tôi có thể lên mặt với chồng như thế nào vì anh đã nghĩ tôi sẽ rớt ít nhất hai, ba lần nên đã đóng sẵn tiền thi lại trọn gói 5 lần cho tôi.
Cuộc sống của tôi dần đi vào quỹ đạo. Tôi có công việc tốt hơn, học hỏi được nhiều hơn. Sống ở Nhật giúp tôi có suy nghĩ chính chắn hơn, có thêm nhiều quyết tâm hơn cho tương lai. Và tôi yêu đất nước nước này, quê hương thứ hai của tôi.