Home Tâm Sự - Chia Sẻ Truyện ngắn: Thằng chả
Tâm Sự - Chia Sẻ

Truyện ngắn: Thằng chả

Nó ôm con búp bê trốn ngủ trưa ngồi nép thu lu một góc balcon nhìn ra cây gòn trước mặt. Giấc này khu xóm vắng lặng, thỉnh thoảng một vài chiếc xe đạp uể oải chạy ngang, lọc cà lọc cọc vài tiếng rồi mất tăm, trả lại yên tĩnh cho con hẻm nhỏ.
Hẻm này có cái tên cũng khá ngộ nghĩnh, hẻm Da Bà Bầu vì nó ăn ra con đường chính tên là Da Bà Bầu, sau này đổi thành đường Nhật Tảo.
Không còn tiếng động, những con sóc xinh xinh sau gốc cây gòn thò cổ ra nghe ngóng, hai mắt tròn xoe đảo láo liên, trông cũng gian hùng. Một con thử nhấp nhử bò ra, tai vểnh lên, đuôi công tít. Bò thêm vài bước nữa, vẫn yên ổn, nó nhảy tót lên cây gòn. Mấy con chết nhát nấp sau thân cây bắt đầu phóng ra, tíu tít bò qua lại giữa những nhánh gòn, có con nghịch ngợm hết trèo lên lại tụt xuống thân cây như những đứa bé chơi cầu tuột.
Ngồi dán mắt vào mấy con sóc nhưng nó không quên đảo mắt qua căn nhà trước mặt. “Hôm nay chị Nguyệt không bị phạt, chị đã đi rồi”, nó nghĩ như vậy và thấy vui vui khi nhìn cái hầm cống nhỏ bên hông nhà chị không có bóng người.
Đối diện nhà nó là nhà của gia đình thằng chả. Thằng chả là chồng bà Tuỳ, hàng xóm ghét quá nên người ta dùng từ “ thằng chả “ để nói về ông ta. Hai vợ chồng chỉ có người con gái nuôi là chị Nguyệt. Nó đoán chị không lớn tuổi hơn nó nhiều vì nghe Má nó hay gọi chị là “ con bé “.
Chị cao hơn nó một khoảng cái đầu, người gầy khô như que củi, quanh năm suốt tháng chỉ có vài ba bộ quần áo thay đổi, cũ kỹ và mỏng manh như cánh chuồn chuồn. Xuyên qua lớp vải áo, nó có thể thấy lớp da bọc xương của chị nhấp nhô hay đang oằn mình theo từng động tác.
Tờ mờ sáng, khi con hẻm lao xao tiếng xe cộ, tiếng chân người qua lại, tiếng  nói cười cũng là lúc người ta thấy cái bóng nhỏ bé của chị Nguyệt lom khom trong sân, không giặt giũ quần áo thì cũng quét sân hay ngồi chẻ củi….. và người ta bắt đầu nghe tiếng la mắng, nguyền rủa lúc to lúc nhỏ tuỳ theo chị ở xa hay gần thằng chả.
Làm việc quần quật mà vẫn chưa hài lòng người cha nuôi. Công việc thằng chả giao cho chị lúc hai vợ chồng đi làm, chị không ngơi tay. Chị lầm lũi làm cả ngày, lặng lẽ và chịu đựng, không trong nhà thì ngoài sân.
Chị như không còn biết ngẩng đầu nhìn lên cao để xem hôm nay trời trong mây trắng hay đen kịt vần vũ như cuộc đời của chị, không mong chút hy vọng của ngày mai.
Bước vào sân nhà, chưa cần dựng xe, hàng xóm láng giềng đã nghe thằng chả cao giọng gọi:
– Con Nguyệt đâu rồi?
Chị líu ríu chạy ra, mặt xanh cắt như tàu lá, không biết hình phạt nào sẽ giáng vào thân thể chị ngày hôm ấy.
Bà Tuỳ không la mắng chị nhưng chẳng bao giờ nghe bà dám lên tiếng bênh vực đứa con nuôi đáng thương lấy một tiếng, ai cũng bảo thằng chả quá hung tàn nên chính bà cũng sợ chồng không dám hó hé. Đôi khi xót con quá, chỉ nghe bà yếu ớt can ngăn:
– Thôi, đừng đánh nó nữa, nó biết lỗi rồi.
Quay qua chị Nguyệt bà giục:
– Xin lỗi ba con đi, nhanh lên.
Nhưng những lời can ngăn của bà càng làm những vết roi vọt, đòn thù của ông chồng dội xuống thân hình nhỏ bé càng dữ dội hơn. Bà không dám nói thêm nửa lời, lẳng lặng ra hiên nhà quệt nước mắt. Không ai hiểu tại sao ông ta vào cô nhi viện xin con nuôi từ lúc chị mới vài tháng tuổi và cũng chính ông lại đọa đày đứa trẻ vô tội do ông nuôi dưỡng.
Lúc đó nó không hiểu chuyện nhiều, chỉ là mỗi lần nghe tiếng khóc thét, van lạy của chị, Má và Chị họ của nó lại xốn xang, hai người đi ra đi vào xót thương cho chị. Má nó cứ lẩm bẩm:
– Không biết kiếp trước nó nợ nần gì lão ta mà kiếp này trả mãi không dứt.
Không riêng gì Má nó, hàng xóm cũng thế, ai cũng động lòng nhưng không làm gì được. Mọi người đã từng chạy qua xin tội cho chị, thấy đông người , mỗi người một câu, thằng chả cũng chùn tay. Sau khi mọi người quay lưng đi, đóng cửa lại, chị càng bị hành hạ gấp bội. Vài người hàng xóm sát cạnh nhà thằng chả biết chuyện, từ đó không ai dám nói giúp chị một câu.
Nhưng hình phạt tàn khốc nhất mà thằng chả dành cho con gái không chỉ dừng ở đó. Một buổi chiều mưa gió, cả xóm nghe tiếng khóc rú của chị Nguyệt lẫn bà Tuỳ, người ta hé cửa ra nhìn và không ai tin vào mắt mình nữa. Chị Nguyệt người ướt đẫm dưới mưa, đang bị ngâm mình dưới miệng cống, nước đen ngòm lên đến bụng, tay chị bị xích vào sợi dây khoá vòng quanh cái máng xối. Bên cạnh đó, bà vợ phủ phục dưới đất lạy thằng chả như tế sao.
Thản nhiên, thằng chả vào nhà bỏ mặc hai mẹ con ôm nhau khóc dưới mưa và cũng từ đó, một vài tuần chị lại bị ngâm mình dưới cống. Nắp miệng cống nhà chị, chắc cũng không thể gọi là nhà chị được nữa, phải nói là địa ngục trần gian, thường xuyên được bẩy lên.
Một hôm nó đang ngủ trưa thì nghe Má nó nói chuyện với bà Ba hàng xóm về chị Nguyệt, nó nằm im thin thít giỏng tai nghe.
– Mấy ngày nay tôi chỉ mong cô Cầm về chơi cho con bé đỡ khổ được dăm ngày.
– Vợ chồng tôi cũng thế, sao lâu rồi không thấy cô ấy về. Tiếng của bà Ba.
– Dễ đến nửa năm hơn rồi đấy.
– Không thương thì trả nó về cô nhi viện chứ thế này con bé không chết vì bị đánh đập cũng chết vì bịnh tật.
Cô Cầm vừa được nhắc là em gái của thằng chả, cô ở Đà Lạt, thỉnh thoảng cô về thăm anh chị. Mỗi lần cô về thằng chả bực bội, hai mẹ con bà Tuỳ vui mà hàng xóm đều mừng. Chỉ có cô mới dám ra mặt bênh vực chị dâu và đứa cháu nuôi. Lần sau cùng cô về có sang chơi nhà nó, tánh tình cô hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ chứ không giống người anh vũ phu.
Khi anh chị cô đi làm, hàng xóm lợi dụng thời cơ chạy sang kể cho cô nghe tình trạng của bà Tuỳ và chị Nguyệt. Họ không ngần ngại gọi ông ta là “ thằng chả “ trước mặt cô chẳng chút kiêng dè, giữ gìn lịch sự nữa. Cô lật áo cháu lên, khắp người chi chít lằn ngang vết dọc, tím đen tím đỏ. Cô giận lắm, nghẹn ngào nhìn cháu mà không làm gì được. Ngày hôm sau cô trở về Đà Lạt và từ hôm đó chưa thấy cô trở lên.
Không ai bảo ai mà mọi người cùng ngong ngóng đợi cô Cầm, chỉ có cô mới xông vào chốn hỏa ngục ấy để bảo vệ con bé ( lời của Má nó ) dù chỉ dăm bữa mươi ngày.
Một buổi trưa, cả xóm đang im lìm trong cái oi bức ngày hè thì tiếng của ông Ba vang lên từ đầu ngõ:
– Cô Cầm về, cô Cầm về rồi.
Cả con hẻm rộn rịp hẳn lên, Cô ngồi xích lô đang vào hẻm. Nghe mọi người huyên náo, cô ngơ ngác nhìn quanh, đoán có chuyện không hay, cô vội trả tiền xe rồi đi nhanh vào sân nhưng vợ chồng Ông Ba đã nhanh tay kéo cô vào nhà họ.
Hàng xóm vài người thập thò ngoài cổng rào, thấy bà Ba kể chuyện chị Nguyệt bị thằng chả hành hạ, họ cũng xông vào mỗi người một câu. Nghe mọi người vạch tội anh mình, Cô vẫn ngồi im không nói một lời, một lúc lâu cô nhờ người hàng xóm chạy sang gọi chị Nguyệt qua.
Cô ôm cháu một hồi rồi bảo chị Nguyệt:
– Con đi về làm công việc đi nhưng nhớ không được cho Ba Má con biết cô sang nhà bà Ba nghe chưa?
Chị Nguyệt chạy về rồi, cô nói với vợ chồng bà Ba và mấy người hàng xóm:
– Để em suy nghĩ vài ngày xem có cách gì giúp con bé không.
– Hay cô đem nó về Đà Lạt đi. Một người bạo gan đề nghị.
– Không được, rồi thằng chả cũng lên trển lôi nó về thôi, lại còn nhừ đòn nữa đó. Ông Ba lên tiếng.
– Cô ráng tìm cách đi, càng ngày thằng chả càng mất tính người.
– Bây giờ em qua bên nhà anh chị em, nhớ đừng ai nói là em có ghé vào đây nhé, bao nhiêu tội lại đổ lên đầu con bé.
– Cô yên tâm, cả xóm chả ai thèm nói với thằng chả một câu.
Cô đi về rồi mọi người vẫn xì xào bàn tán, ông Ba làm thinh hồi lâu mới thủng thỉnh nói:
– Mấy bà chớ mừng vội, cô ấy chỉ bảo vệ được con bé lúc cổ ở đây thôi, tôi chỉ sợ khi cổ trở lên Đà Lạt con nhỏ càng bầm dập với thằng chả hơn bây giờ nữa.
– Thây kệ, được ngày nào hay ngày nấy. Một bà nói xuôi xị.
– Thôi các bà giải tán đi, tôi bận chút công việc.
Vừa nói bà Ba vừa đứng lên.
Chẳng bận công việc gì, bà Ba chạy qua nhà Má nó tường thuật chuyện vừa rồi. Lúc đó chị họ đang tách mấy quả gòn khô lôi nắm bông trắng muốt ra để làm gối gòn, nó được dịp vừa phụ vừa nghịch, ngồi lần những hạt gòn đen thui to nhỉnh hơn hạt tiêu, ném lóc cóc vào cái chậu nhỏ.
Lần này nó không bị đuổi ra chỗ khác chơi cho người lớn nói chuyện vì thấy nó chăm chỉ làm việc, chẳng quấy rầy ai, vả lại nghe chắc nó cũng chẳng nhớ và hiểu gì.
Bỗng thấy Má nó kêu lên:
– Sao cô Cầm lại đi rồi?
Mọi người chạy ra sân, cô Cầm cúi chào rồi nói:
– Em đi ra ngoài ở để yên ổn nghĩ xem phải làm gì, ở đây bực mình cãi nhau lại sinh thêm chuyện, đừng nói em đã về ngay cả với chị Tuỳ
Cô đi rồi, ba người lớn đứng thẫn thờ, không biết cô sẽ tính gì và làm gì. Lần sau cùng chị Nguyệt bị ngâm mình dưới cống, chị đã sốt mê man mấy ngày liền. Thằng chả bỏ mặc chị một mình trong nhà, vẫn đi làm bình thường. Bà Tuỳ tội nghiệp con, định nghỉ làm chăm sóc thì thằng chả gầm thét định sấn xổ lôi chị dậy làm bà hoảng quá.
May nhờ có hàng xóm, không còn ai ở nhà, người lén lút chạy qua đút cho chị bát cháo, người cho vài viên thuốc. Rồi chị cũng gượng dậy được, tiếp tục làm thân trâu ngựa. Một lần Má nó mua cho chị gói xôi, Má ngồi cạnh bắt chị ăn cho hết để mang cái lá chuối không về nhà, vì sợ chị vứt thùng rác thằng chả nhìn thấy chị lại ốm đòn.
Cô Cầm đi biền biệt cả tuần không thấy quay trở lại, mọi người bắt đầu thất vọng thì một sáng cuối tuần, hai vợ chồng thằng chả ở nhà, thằng chả sai chị Nguyệt giặt cái áo. Gần xế trưa thằng chả phùng mang trợn mắt hỏi chị Nguyệt:
– Mấy đồng bạc tao để trong túi áo đâu?
– Con không biết, Ba đưa con cái áo không có tiền.
– Con này láo, tao để trong túi áo quên không lấy ra, mày dấu đâu rồi?
Chị Nguyệt run lẩy bẩy, mếu máo nói:
– Con không lấy mà Ba, con cũng không thấy tiền trong túi.
Thằng chả xông tới, đập túi bụi vào chị, chị chỉ biết lấy tay ôm mặt chịu đòn. Bà Tuỳ trong nhà lao ra thì thằng chả đã lôi chị xuống cống, xong thằng chả quay lại gầm lên:
– Đứa nào giỏi xông vào, tao cho nó chết luôn.
Lần này có vài người hàng xóm uất quá, nhịn không được định vào giải vây cho chị thì bà Tuỳ van lạy:
– Các ông bà thương mẹ con em thì về giùm, càng giúp thì nó càng bị hành hạ thêm thôi.
Bữa cơm trưa chị vẫn bị phạt, bà Tuỳ năn nỉ xin mang bát cơm ra cho chị, thằng chả không nói không rằng, giựt lấy bát cơm đổ ụp vào nồi, xong ra xích luôn tay chị vào máng xối, khoá chặt lại.
Bà Tuỳ nghẹn ngào ra sân ngồi nhìn con, chị Nguyệt thều thào nói với bà:
– Con không có lấy tiền của Ba.
– Má biết, Ba con đi ngủ rồi, để ổng dậy Má năn nỉ thả con ra.
Ngoài rào chợt có tiếng suỵt khe khẽ, bà Tuỳ quay lại nhìn thấy ông Hai ở đầu ngõ đứng ngoắc lia lịa, ra dấu bà đừng lên tiếng. Bà đi sát ra rào, ông Hai thì thầm:
– Cô Cầm đang ngồi trong nhà tui, bà lén chạy ra gặp cổ đi.
Bà Tuỳ mừng quýnh, chạy vào nhà thấy thằng chả há hốc miệng ra ngáy nên vội vàng chạy bay sang nhà ông Hai, thấy cô Cầm bà khóc nức nở. Cô vội nói:
– Em vừa vào ngõ thì ông Hai đã chặn lại kể cho em nghe hết rồi, con bé bị dìm xuống cống nữa phải không?
Bà Tuỳ xấu hổ đứng im, mắt đỏ hoe. Mặt cô Cầm đanh lại giận dữ:
– Ảnh đâu rồi?
– Anh cô đang ngủ.
Cô Cầm lắc đầu ngao ngán:
– Chị biết anh ấy giấu chìa khoá ở đâu không?
– Mọi lần để trong túi áo nhưng hồi nãy đi ngủ tôi thấy cởi ra máng trên ghế.
Mắt cô Cầm sáng rực lên:
– Chị về lấy chìa khoá cho em, em quyết định rồi, em sẽ thả nó đi.
Mặt bà Tuỳ tái xanh:
– Không được cô ơi, ổng nổi trận lôi đình thì chết.
– Chị không cần sợ, bảo em về thả nó đi rồi, nó ra ngoài lang thang đầu đường xó chợ cũng không chết, ở nhà chị nó mới chết sớm đó.
Dứt lời cô đứng dậy đi vào hẻm, bà Tuỳ vội vàng chạy trước, gần đến nhà bà bảo cô đứng ngoài. Bà nhớn nhác nhìn vào, thằng chả vẫn ngủ say, bà vội vàng quơ cái áo đem ra đưa cô Cầm, cô mò trong túi và lôi ra chiếc chìa khoá. Không nói năng gì, cô chạy vào sân ra dấu cho chị Nguyệt im, cô lặng lẽ mở khoá và dìu chị lên đi thẳng ra cửa rào.
Ông Hai đã chờ sẵn cách đó vài nhà, ông xốc chị Nguyệt lên lưng rảo bước nhanh về nhà ông. Mọi việc xảy ra ngoài dự liệu của bà Tuỳ, bà cứ đứng như trời trồng giữa sân. Đi vài bước, cô Cầm quay ngược lại nói nhỏ vào tai bà:
– Không được nói gì đến ông Hai đó, chị làm ơn cứu con chị một lần đi, đừng nhu nhược nữa, em đem nó ra đó tắm rửa sạch sẽ rồi đi.
– Em chưa về Đà Lạt đâu, em sẽ nhờ ông Hai liên lạc với chị.
Dặn dò một hơi, cô quay lưng đi, bà Tuỳ chay theo:
– Cám ơn cô, đội ơn cô nhiều, hôm nay tôi vui lắm.
Bà nói mà đôi mắt ướt đẫm.
Con hẻm như vẫn chìm trong giấc ngủ trưa, nhưng đâu đó sau những khung cửa, có bao nhiêu con người đang hồi hộp dõi theo từng hành động của cô Cầm, của bà Tuỳ và hình ảnh cuối cùng của chị Nguyệt lả đi trên lưng của ông Hai.
Trong đáy mắt mọi người dường như đều lóng lánh giọt nước mắt vui mừng cho con bé vừa thoát ra khỏi cảnh đời tăm tối.
Hà Lê