Home Tâm Sự - Chia Sẻ Tâm sự : Từ Sài Gòn đến Sydney con nuôi người Việt
Tâm Sự - Chia Sẻ

Tâm sự : Từ Sài Gòn đến Sydney con nuôi người Việt

Góc Tâm sự
Góc Tâm sự

Sinh ra ở Sài Gòn trong chiến tranh Việt Nam nhưng được nhận làm con nuôi ở Úc, Sophie English quyết định trở về hòa giải với quá khứ và tìm hiểu liệu cuộc sống của cô sẽ thế nào nếu ngày ấy cô không được cho làm con nuôi.

 

Đôi khi tại nhà ga xe lửa hay trên đường phố, Sophie English nhận thấy những ánh mắt dò hỏi khi có người hỏi cô: “Xin lỗi, cô từ đâu đến?”

Một số người lạ nghĩ rằng cô là người Trung Quốc, người Maori hoặc thậm chí là người Mỹ bản địa. Sự thật là Sophie English được sinh ra ở Sài Gòn trong chiến tranh Việt Nam và sau đó được một gia đình người Úc nhận nuôi.

“Tôi là người Úc như mọi người. ‘Tôi thích ăn Vegemite, bánh nhân thịt và tôi có thể chửi thề luôn miệng,” Sophie kể. “Tôi hoàn toàn cảm thấy tự hào là một người Úc. Tôi không cảm thấy bất cứ điều gì khác biệt với người Úc, nhưng … môt phần trong tôi vẫn là thuộc về Việt Nam. “

Sophie đã quay trở lại Việt Nam để hòa giải với quá khứ của mình, đúng vào thởi điểm quê hương cô tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày chiến tranh kết thúc.

Sphie chỉ mới 10 tháng tuổi khi cô được đưa đến Úc bằng máy bay vào năm 1969.

“Tôi đã mất gốc hoàn toàn, không biết gì về văn hóa Việt Nam. Tôi mất bản sắc, ngôn ngữ và những món ăn dân tộc. Các bạn biết đấy, tôi giờ đã 46 tuổi, Việt Nam lúc đó chắc hẳn hoàn toàn khác biệt so với bây giờ. “

Sophie có rất ít thông tin về gia đình ruột thịt của mình. Cô cũng không rõ lý do tại sao mình đã được một gia đình Úc nhận nuôi. Giống như rất nhiều người khác đã được đưa ra khỏi Việt Nam trong sự hỗn loạn, giấy tờ của cô đã bị thất lạc hoặc hoặc bị sai lệch.

Khi đi dạo trên đường phố thành phố Hồ Chí Minh, cô có thể tình cờ đi ngang qua mẹ đẻ của mình bất cứ lúc nào mà không hay biết.

Cô bị giằng xé giữa cảm giác muốn cố níu giữ hoặc dập tắt hy vọng để có thể tiếp tục cuộc sống riêng.

“Rất nhiều lần, tôi cảm thấy thực sự đau khổ. Tôi cảm thấy luôn phải đối đầu để rồi tụt dốc về tinh thần cũng như cảm xúc, ” Sophie chia sẻ.

 

Hàng trăm trẻ em Việt Nam đã được nhận làm con nuôi trong chiến tranh

Hàng trăm trẻ em Việt Nam đã được các gia đình Úc nhận làm con nuôi trong chiến tranh Việt Nam.

Những người ủng hộ chương trình nhận con nuôi lập luận rằng trẻ em sẽ có cuộc sống tốt hơn nhiều ở Australia chứ không phải trải qua cuộc sống khó nhọc khi chiến tranh kết thúc ở mảnh đất chôn rau cắt rốn của chúng.

Vấn đề nan giải đó vẫn còn ám ảnh Sophie English cho đến ngày nay. Liệu cô có sống tốt hơn nếu ở lại với gia đình mình ở Việt Nam, ngay cả khi đó là một cuộc sống nghèo đói?

“Nếu không có chiến tranh, nếu tôi không được nhận nuôi, nếu tôi đã ở lại với mẹ đẻ, tôi không phải là mình bây giờ. Có nghĩa là tôi có thể đang ngồi trên thuyền câu cá, tôi sẽ làm việc thực sự vất vả như mọi người, nhưng tôi sẽ có cảm giác sống trong gia đình,” cô nói.

“Có lẽ bây giờ tôi đã có cháu nội, cháu ngoại, và những mong muốn sâu thẳm trong tôi đã được đáp ứng.”

Thực tế cuộc sống ở Việt Nam rất khắc nghiệt. Thu nhập trung bình hàng ngày ít hơn 5 đô la Úc. Cuộc sống đó rất khác với cuộc sống của tầng lớp trung lưu của những người như cô Sophie ở ngoại ô Sydney.

Tuy nhiên, cô nhận thấy một điều gì đó khác biệt ở Việt Nam, một cảm giác kiên cường nhưng bình thản, mặc dù trải qua những năm chiến tranh đầy gian khó.

“Tất cả mọi người đều rất bình thản,” cô nói. “Cảm giác rất  bình thản mà người phương Tây đang cố gắng đạt được thông qua tập yoga, đọc kinh Phật giáo hay những bài tập tăng cường sức khỏe và những việc tương tự, họ ít cảm thấy thanh thản hơn chúng ta… Tôi rất thích điều đó.”

“Sức mạnh tinh thần, sự siêng năng và gia đình, ý chí quyết tâm và sức mạnh tinh thần thực sự … họ đã giành được sức mạnh đó từ những nghịch cảnh. Họ vẫn mỉm cười và làm việc hết lòng.”

Cha mẹ nuôi cần hiểu rõ hơn về tổn thương tinh thần

Sophie ít hy vọng sẽ tìm thấy mẹ đẻ ở Việt Nam, đồng thời cô cũng cảm thấy xa cách với gia đình đã nuôi cô. Vì thế, đối với cô, kết nối với quê hương là một con đường sống.

Bốn mươi sáu năm sau khi được nhận nuôi, cô vẫn đang tìm kiếm lại bản sắc và cảm thấy đau đớn khi bị tách khỏi gia đình ruột thịt của mình.

Sophie muốn những cha mẹ nuôi biết rõ hơn về nỗi đau đi suốt cuộc đời những đứa con bị tách khỏi gia đình và quê hương.

“Những người nhận con nuôi từ nền văn hóa khác hay Việt Nam cần yêu thương những đứa trẻ tội nghiệp. Hãy đừng nhận nuôi một đứa trẻ nếu không thể đối xử tốt với nó và nếu không hiểu rằng đó là một quá trình dài,” Sophie nói.

“Một đứa con nuôi không phải là một tờ giấy trắng, cho dù nó mới một hay năm tuổi. Nó đến từ một nền văn hóa khác và cần chú ý đến điều đấy.”