Home Tâm Sự - Chia Sẻ Tâm sự: Trải nghiệm tuyệt vời của một bà mẹ sinh 3 con ở Úc
Tâm Sự - Chia Sẻ

Tâm sự: Trải nghiệm tuyệt vời của một bà mẹ sinh 3 con ở Úc

Chồng có vợ sinh con cũng được nghỉ 2 tuần hưởng lương (được khoảng 1.200 AUD/2 tuần).

Mình có thai và sinh hai bé khi đang mang visa sinh viên ở Melbourne, Australia. Do mua bảo hiểm, khoảng 600 AUD/năm cho cả gia đình ở thời điểm cách đây 7 năm nên khi mình đi khám thai và sinh, nếu chọn ở bệnh viện công thì được bảo hiểm trả toàn bộ, còn nếu mình sinh bệnh viện tư thì phải trả thêm chi phí tuỳ theo mỗi loại. Kể cả trong bệnh viện công cũng có rất nhiều lựa chọn, nếu mình không chọn một bác sĩ cố định thăm khám và đỡ đẻ thì sẽ được miễn phí hoàn toàn. Còn ngược lại thì sẽ phải trả thêm từ 3.000 AUD đến 20.000 AUD (tùy mức mua bảo hiểm) nếu sử dụng gói dịch vụ bác sĩ chăm sóc riêng. Bản thân mình dùng gói miễn phí nhưng cũng thấy mọi thứ tuyệt lắm rồi.

12026640-10153572323095270-122-7181-8396

Cả ba bé nhà mình đều sinh ở Australia với những chính sách hỗ trợ tuyệt vời của chính phủ.

Khám thai định kỳ và chăm sóc trước sinh

Khi bắt đầu có bầu, mình đi khám ở bác sĩ gia đình và bác sĩ sẽ viết thư giới thiệu lên viện. Mình chọn bệnh viện gần nhà để thuận tiện cho việc đi lại thăm khám. Tuy nhiên, với một số trường hợp đặc biệt, họ sẽ được gửi lên các bệnh viện phụ sản chuyên khoa. Sau đó, bệnh viện gửi thư trả lời mình xem họ có đồng ý nhận hay không và một loạt các giấy tờ giới thiệu chương trình cho mình lựa chọn. Trong đó, mình có thể làm tất cả các khâu là thăm khám, sinh tại viện hoặc khám bác sĩ tư và chỉ đến viện khi sinh. Bảo hiểm thường chỉ trả toàn bộ chi phí khi mình dùng dịch vụ của bệnh viện công và trả 85% nếu mình khám bác sĩ tư.

Điều đặc biệt khi đi khám thai ở đây là bác sĩ chỉ cho siêu âm em bé hai lần, một lần khi bé 12-14 tuần với mục đích để kiểm tra độ mờ gáy xem em bé có nguy cơ mắc bệnh down hay không. Và lần thứ hai là lúc bé khoảng 20 tuần thì sẽ được siêu âm tổng thể. Nhưng mỗi lần siêu âm, bác sĩ đều “soi” rất kỹ, đến từng ngón tay, ngón chân. Trừ khi có vấn đề gì đặc biệt thì mới được chỉ định thêm, còn thông thường chỉ siêu âm duy nhất 2 lần này.

Dân Australia bản địa có medicare – bảo hiểm y tế toàn dân, nghiễm nhiên được khám và sử dụng miễn phí các dịch vụ của bệnh viện công. Nhưng dù mình là dân bản địa hay không thì thái độ phục vụ của đội ngũ y tá, bác sĩ đều “cực” tuyệt vời, luôn nhẹ nhàng, tươi cời và cẩn thận. Nếu mình không giỏi tiếng Anh, bệnh viện sẽ cử người phiên dịch miễn phí cho mình.

Hồ sơ của mỗi sản phụ được mã hóa và lưu trên máy tính nên khi vào viện, mình chỉ có một cái thẻ và đưa cho bác sĩ là có thể kiểm tra được thông tin của mình, ví dụ như tiểu sử bệnh, các loại thuốc… Mỗi lần khám, bác sĩ sẽ cập nhật trực tiếp trên máy và cho lịch hẹn lần khám tiếp theo. Ở mỗi bệnh viện đều có chương trình dạy tiền sản miễn phí cho những người mới sinh con lần đầu, hướng dẫn sản phụ cách thở khi sinh, cách tắm cho bé, cách quấn tã…

12005894-10153564964620270-133-9527-8708
Phòng sinh tại bệnh viện Mercy Hopital for Wormen.

Những ngày nằm viện khi sinh

Khi đi sinh, mình được ở trong một phòng đầy đủ tiện nghi và máy móc trợ giúp việc sinh nở. Các bác sĩ luôn khuyến khích sản phụ đẻ thường, trường hợp rất đặc biệt mới cho mổ. Chồng hay người nhà được mời vào phòng sinh để động viên tinh thần cho bà bầu lúc vượt cạn. Một ekip đỡ đẻ thông thường gồm có một cô đỡ (hoặc bác sĩ) và một y tá trợ giúp. Sau khi em bé chào đời, bố sẽ được khuyến khích tự tay cầm kéo cắt dây rốn cho con và em bé được nằm trên người mẹ luôn (skin to skin).

Có một điều nữa mình thấy cũng rất khác so với Việt Nam là sau khi sinh, bác sĩ khuyên mẹ nên tắm rửa luôn cho sạch sẽ. Tất cả các phòng ở đây đều được giữ ở nhiệt độ cố định khoảng 20-22 độ nên khi tắm không sợ bị lạnh, bị gió. Sau khi sinh được khoảng một tiếng, mẹ và bé sẽ được chuyển về phòng riêng. Bệnh viện công ở đây bố trí 2 người một phòng và được quây ri đô kín đáo. Mỗi giường đều có ti vi, các thiết bị cần thiết và nôi của bé đặt cạnh giường mẹ. Phòng khép kín với nhà tắm, nhà vệ sinh.

12015646-10153564964150270-946-5181-9486

Bữa ăn sau sinh của bà đẻ tại bệnh viện.

Các bà đẻ được phục vụ 3 bữa chính/ngày với đồ ăn khá ngon và đa dạng. Ngày nào bác sĩ cũng đến thăm từng phòng, kiểm tra sức khỏe để đảm bảo mẹ và bé có thể về nhà sau 2 ngày ở viện. Thậm chí, khi sản phụ đã về nhà, bệnh viện vẫn cử người đến thăm và gửi thư cho trung tâm chăm sóc cộng đồng ở khu vực mình sống để họ nắm được thông tin. Các y tá mẫu nhi của khu vực sẽ đến nhà thăm mẹ và bé, tư vấn tất cả những vấn đề liên quan đến hai mẹ con. Sau vài lần đến nhà như vậy thì mình lấy lịch hẹn để ra trung tâm khám định kỳ cho bé. Họ sẽ theo dõi sự phát triển của bé đến 4 tuổi. Đây là dịch vụ cộng đồng hoàn toàn miễn phí.

Với du học sinh và người nước ngoài thì không nhận được bất cứ trợ cấp gì khi sinh em bé tại Australia. Nếu mua bảo hiểm gia đình thì bé mới được bảo hiểm chi trả, còn nếu chỉ mua bảo hiểm đơn thân thì bé sẽ không được quyền lợi gì và chi phí nằm phòng riêng sau sinh của bé là 1.200 AUD/ngày đêm.

Trợ cấp sau sinh

Trước đây, chính phủ Australia có chính sách khuyến khích sinh đẻ nên mỗi bé sinh ra sẽ được thưởng 5.000 AUD, gọi là Baby bonus nhưng sau ngày 1/3/2014 thì chính sách này đã chấm dứt. Tuy nhiên, nếu trước sinh, người mẹ đi làm fulltime ít nhất một năm thì khi nghỉ sinh sẽ được hưởng chế độ thai sản tương đương mức lương tối thiểu 600 AUD/tuần trong 4 tháng. Sau đó, tuỳ tình hình thu nhập của gia đình mà bạn có thể nhận được trợ cấp nuôi bé hoặc không. Thu nhập càng ít thì trợ cấp càng nhiều. Các bé được tiêm phòng miễn phí.

Chồng có vợ sinh con cũng được nghỉ 2 tuần hưởng lương (được khoảng 1.200 AUD/2 tuần) và cơ quan cũ trước khi người mẹ nghỉ sinh buộc phải nhận mình khi mình muốn đi làm lại trong thời gian một năm từ lúc nghỉ. Nếu người mẹ ở nhà chăm con thì cũng được trợ cấp một ít nhưng phụ thuộc vào thu nhập của bố. Còn nếu mẹ đi làm, gửi bé đi trẻ thì chính phủ trợ giúp một phần tiền gửi trẻ (không quá 7.000 AUD/năm), giá giữ trẻ thì tuỳ theo vùng và từng trung tâm trông trẻ nhưng nằm trong khoảng 90 AUD- 150 AUD/ngày. Vậy nên các mẹ ở Australia thích đẻ liền để mẹ ở nhà trông luôn thể chứ gửi con đi trẻ cũng gần bằng lương đi làm của một người.

Khi trẻ bắt đầu đi học từ tiểu học đến hết phổ thông thì miễn phí hoàn toàn đối với dân Úc hoặc những người có visa định cư. Bố mẹ sang học nếu làm nghiên cứu (tiến sĩ, thạc sĩ nghiên cứu) thì con được học miễn phí, còn nếu bố mẹ sang học bình thường thì con phải trả học phí theo bảng của bộ giáo dục từng bang (có giảm chút ít so với trẻ tự sang học).

Thế Anh – Theo Ngôi Sao