Để có tiền đi học và trang trải cuộc sống ban đầu, du học sinh thường tuân theo lựa chọn truyền thống trong cộng đồng người Việt tại đây: Đi làm nail!
Tôi có nhiều bạn bè là du học sinh ở Mỹ, là người đi theo diện định cư cùng gia đình với hy vọng bắt đầu một sự nghiệp mới trên xứ sở cờ hoa. Đa số bạn của tôi còn khá trẻ. Để có tiền đi học và trang trải cuộc sống ban đầu, họ thường tuân theo lựa chọn truyền thống trong cộng đồng người Việt tại đây: Đi làm nail!
Nghề nail cũng lắm công phu, có một số kỹ năng phải học từ Việt Nam
Mie (tên thật là L.N.B.T) là bạn của tôi từ thời cấp ba. Lúc tôi còn học đại học, cô đã định cư ở Mỹ cùng gia đình. Mie chọn học ngành điều dưỡng bốn năm và “giũa nail” suốt khoảng thời gian đó để theo đuổi ước mơ.
Tại xứ sở cờ hoa, sẽ không có điều gì dễ dãi như câu chuyện do những người đi du lịch Mỹ vài tuần vài tháng và đem những điều mục sở thị ít ỏi về quê kể lại. Ba mẹ của Mie cũng phải làm công cho hãng, em trai Mie làm thợ, còn Mie làm nail.
Câu chuyện làm nail của Mie rất dài, giống như khoảng thời gian tôi đưa tiễn cô tại phi trường Tân Sơn Nhất…
Theo lời Mie nói, ở Mỹ, thế giới làm nail chính thống có “ba siêu cường” là Hàn Quốc, Mỹ và Việt Nam. Người Trung Quốc, Lào, Campuchia vẫn gia nhập thị phần nhưng không đáng kể.
So sánh về giá, dịch vụ Mỹ đứng đầu bảng xếp hạng. Nói về độ phủ sóng, dịch vụ của người Việt mới là “anh cả”. “Ghé thăm các trung tâm mua sắm, sẽ gặp không dưới một tiệm nail thuộc về người Việt”, câu nói được Mie nhắc đi nhắc lại đến bốn lần trong cuộc hội thoại.
Tiệm nail người Việt có hai loại thợ là thợ bột và thợ tay-chân-nước. Thợ bột mất thời gian học nghề dài hơn nên tay nghề được đánh giá cao hơn. Thợ tay-chân-nước chỉ cần đáp ứng khâu thủ công làm sạch và sơn móng. Theo kinh nghiệm làm nail ở nhiều tiểu bang, Mie cho rằng thợ bột thường được bao lương, còn thợ tay-chân-nước “tùy lòng hảo tâm của chủ”.
Muốn làm nail hợp pháp tại Mỹ, bạn phải mất nhiều tháng đi học đủ số giờ tại trường dạy nghề và thi lấy chứng chỉ tùy quy định mỗi bang. Đối với một đất nước mà tính rạch ròi của lý trí đã được pháp điển vào hệ thống thì nail cũng có chuẩn mực hành nghề tương tự công việc tiêm thuốc.
Mie thường khuyên những người đến sau rằng, nếu muốn làm nail tại Mỹ thì nên học trước một số kỹ năng trong nước, do trường nghề của Mỹ dạy kém hơn. Điển hình là các kỹ năng trang trí bằng cọ bản, đắp hoa nổi, đính hạt. Những dịch vụ này rất được khách hàng ưa chuộng.
“Nghề làm dâu trăm họ”: Lấy cảm tình của khách hàng và trông chờ tiền tip
Nhiều năm nay, Mie kiên trì “giũa nail” 5-8 giờ mỗi ngày với các công đoạn làm sạch, mat-xa, đắp mask mất khoảng 1 tiếng và lãnh về từ 20 USD – 50 USD. Ban đầu, cô còn ăn chia theo tỷ lệ 5-5 hoặc 6-4 với chủ tiệm. Nhưng về sau, xu hướng bao lương tuần và thưởng doanh số đã thịnh hành.
Thông lệ chi tiền tip trở thành văn hóa trên thị trường cung cấp và tiêu dùng dịch vụ của Hoa Kỳ cũng giúp cho Mie gia tăng thu nhập có khi lên đến 100 USD/tuần, bên cạnh mức lương dao động mạnh trong khoảng 2.000 USD/tháng vì ngày làm, ngày nghỉ.
Theo lời của Mie, khách hàng người Việt đến các tiệm nail của cô làm khá ít, thường là khách người Mỹ và gốc Ấn. Đi về phía Nam nước Mỹ, nhân viên nam làm nail khá đông và còn xuất sắc hơn cả nữ. Phía Bắc thì hiếm có hiện tượng này.
Bên lề sự nghiệp làm nail, Mie từng chứng kiến câu chuyện dở khóc dở cười khi bà mẹ Ấn Độ muốn giới thiệu con trai của bà cho Mie làm quen. Về phía khách hàng người Mỹ, không ít người đến làm nail và “soi” rất kỹ. Họ có thể từ chối trả tiền nếu dịch vụ không đạt sở nguyện.
Tuy nhiên, Mie cũng gặp những khách hàng tốt bụng biết cô còn đang đi học. Họ đã ý tứ gửi cho cô số tiền tip nhiều hơn.
“Có lần, tôi trò chuyện với một nữ khách hàng người Mỹ và nói mình hay ra Starbucks ngồi học bài. Sau khi làm nail xong, cô này đi ngang qua Starbucks đối diện mua về một ly tặng tôi. Có nhiều khách hàng còn tặng dép, tặng chocolate nữa”, cô Mie kể.
Nước Mỹ hiện đại đã xa lạ với văn hóa dùng tiền mặt. Chính vì vậy, các vấn đề tiền bẩn và qua mặt sở thuế được kiểm soát rất chặt chẽ tại khâu thanh toán quy đổi bằng giấy tờ có giá. Cuối hạn, chủ tiệm sẽ trả tờ check (tấm séc) cho nhân viên. Tờ check này đã được bên thứ ba (bắt buộc) xử lý theo chuẩn mực kế toán và thuế vụ. Sau đó, nhân viên đem check ra ngân hàng để làm thủ tục chuyển tiền vào tài khoản.
Du học sinh làm bất hợp pháp có thể bị trục xuất, bị phạt nặng nếu vi phạm chuẩn mực
Thông thường, từ 9 giờ đến 10 giờ sáng, nhân viên tiệm nail sẽ đến mở cửa, có nơi còn đốt nhang cúng thần tài và làm thủ tục treo bằng tại quầy lễ tân. Lực lượng chuyên ngành (state-board) sẽ kiểm tra không thường xuyên và không báo trước, về nhân thân và lao động hợp pháp dựa theo thông tin treo tại quầy với số người đang làm việc tại tiệm.
Con đường phi chính thống của nghề làm nail cũng lắm chông gai. Mặc dù sang Mỹ theo diện định cư nhưng Mie đã làm nail nhiều năm và không hề có một chứng chỉ lận lưng. Để tránh lãnh hai giấy phạt cho cả nhân viên và chủ, những người giống Mie thường phải vừa làm vừa “cảnh giác”. Nếu “có biến”, họ lẳng lặng tẩu thoát theo hướng cửa sau.
Mie nói rằng rất nhiều du học sinh qua Mỹ chọn nghề nail nhưng luật pháp Mỹ chỉ cho phép họ làm công việc trong trường học (trừ thực tập). Nếu bị phát hiện làm việc “chui”, họ sẽ đối mặt với nguy cơ bị trục xuất.
Trong một tiệm nail, ngoài câu chuyện tị hiềm vì giành khách, vấn đề pháp lý cũng rất “tai bay vạ gió”. Mie kể cho tôi nghe những việc có thật mà tưởng như đùa về việc khách hàng quỵt tiền, chủ tiệm đuổi theo chặn đầu xe thì bị người này… lỡ ga tông mất mạng.
Hoặc có một trường hợp khá đình đám được báo chí nước ngoài đăng là chết do dị ứng khi làm nail ở tiệm. Sau khi điều tra, mặc dù nhà chức trách xác định nguyên nhân tử vong bởi di chứng của bệnh tiểu đường nhưng vẫn tiến hành phạt chủ tiệm.
Luật pháp Mỹ quy định rất rõ, rằng nơi cung cấp dịch vụ nail nếu biết khách hàng có tổn thương ở vị trí thực hiện thì phải từ chối và tuyệt đối không được tiếp xúc vết thương hở khi làm nail. Hai vi phạm hành chính trên buộc chủ tiệm phải đóng phạt 4.000 USD.
Chuyện du học sinh Việt làm nail ở nước ngoài vốn có nhiều “thâm cung bí sử” hơn những điều tôi tường thuật lại. Tuy nhiên, Mie đã từ chối kể thêm và cô tin rằng công việc hiện tại sẽ sớm kết thúc để mở ra một thiên đường mới. Đó là những phòng ốc tinh tươm trong bệnh viện và mức lương kỳ vọng trên 70.000 USD/năm.
Theo Nhịp sống kinh tế
Leave a comment